Đến Sóc Trăng, ngôi chùa mà du khách chọn ghé thăm đầu tiên có lẽ chính là Chùa Đất Sét, vì vị trí nằm ngay trên đường vào trung tâm thành phố. Sóc Trăng là nơi hội tụ của nhiều dân tộc, trong đó nổi bật nhất là người Khmer, người Hoa, bởi vậy, những ngôi chùa nơi đây đều mang lối kiến trúc đặc trưng của các dân tộc này.
Thật vậy, nếu như Chùa Dơi mang kiến trúc độc đáo của đồng bào Khmer, thì Chùa Đất Sét lại mang kiến trúc của người Hoa.
Cổng Chùa Đất Sét (Bửu Sơn Tự). Ảnh: Hoàng Liên
Chùa Đất Sét có tên chữ là Bửu Sơn Tự, được một người thuộc dòng họ Ngô người Hoa xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Tương truyền, hậu duệ thứ 4 của dòng họ này là ông Ngô Kim Tòng, nhằm tỏ lòng thành kính với Đức Phật đã phù hộ cho ông khỏi bệnh, đã quyết định tự tu tại chùa và trùng tu ngôi chùa cho khang trang.
Loại vật liệu được ông lựa chọn để làm tượng cũng rất độc đáo – đất sét. Thay vì vàng, bạc, đồng như các bức tượng ở những ngôi chùa khác, ở Chùa Đất Sét, các bức tượng thờ lớn nhỏ đều được làm bằng đất sét.
Suốt hàng chục năm trời miệt mài với hơn 1.000 bức tượng và linh vật bằng đất sét, ông đã tạo nên những tác phẩm điêu khắc tôn giáo có một không hai. Và cũng chính bởi lẽ ấy mà ngôi chùa có tên là Chùa Đất Sét.
Bên trong khuôn viên Chùa Đất Sét. Ảnh: Hoàng Liên
Bước qua cửa chùa, du khách sẽ bước vào chính điện với nhà Tam giáo cộng đồng, nơi đặt tượng A-di-đà, Quan Thế Âm Bồ Tát, Bổn sư Thích Ca, Khổng Tử, Lão Tử,...Trong khuôn viên chùa còn có các gian thờ Phật mẫu Diêu Trì, Ngọc Hoàng cùng nhiều miếu nhỏ khác.
Năm 2013, Chùa Đất Sét đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục Tháp Đa bảo và Bảo tòa Liên hoa bằng đất sét lớn nhất Việt Nam. Tháp Đa bảo bằng đất sét cao hơn 3m, nặng khoảng 300kg, và Bảo tòa Liên hoa bằng đất sét cao hơn 2m.
Với tổng diện tích gần 500 m2, đây không chỉ là nơi du khách có cơ hội chiêm ngưỡng những hiện vật bằng đất sét độc nhất vô nhị tại Việt Nam, mà còn choáng ngợp trước những cây nến khổng lồ cao hơn 2 mét và nặng 200 kg.
Nhờ vào những nét đặc sắc độc đáo, mà giữa vô số ngôi chùa ở Sóc Trăng, Chùa Đất Sét vẫn luôn là cái tên mà du khách tìm đến đầu tiên khi ghé thăm mảnh đất Tây Nam Bộ này.
Hoàng Dương