Những năm gần đây, Sóc Trăng đã đầu tư phát triển một số hạng mục hạ tầng kết nối để làm tiền đề phát triển du lịch sinh thái vùng ven biển như đường dẫn vào Khu du lịch sinh thái Hồ Bể, Mỏ Ó, đê bao cồn Song Phụng…
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng cũng đã ban hành Nghị quyết số 05 về phát triển du lịch tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Chương trình hành động số 06 để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 05. Nhiều địa phương đã có những mô hình hoạt động khai thác du lịch hiệu quả như Tổ hợp tác du lịch cộng đồng cồn Mỹ Phước, Khu du lịch An Nghiệp, Cù lao Dung; tuyến du lịch biển Trần Đề - Côn Đảo, khu du lịch sinh thái Hồ Bể, bãi bồi An Thạnh Nam…
Hồ Bể là một điểm đến du lịch sinh thái mới ở Sóc Trăng
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, diện tích đất bãi bồi ven biển của tỉnh là trên 50.000 ha, trong đó riêng huyện Cù Lao Dung có hơn 16.000 ha, với khoảng 8.000 ha là bãi nghêu (gồm bãi nghêu giống trên 300 ha, nghêu thương phẩm trên 5.000 ha). Khu vực cửa sông và rừng ngập mặn là nơi trú ngụ của nhiều loại thủy, hải sản nước lợ và nước mặn có giá trị kinh tế cao, có tới 661 loài cá, 35 loài tôm, 23 loài mực. Ngoài ra còn có nhiều loài cua, ghẹ và nhuyễn thể khác, hứa hẹn sẽ tạo nên những điều lý thú để du khách khám phá.
Khu sinh thái Hồ Nước Ngọt
Thị xã Vĩnh Châu là địa phương có tới 43 km bờ biển và những bãi bồi, khu rừng phòng hộ rộng. Trong đó, khu bãi biển Hồ Bể tại ấp Huỳnh Kỳ, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu gần đây đã và đang trở thành một điểm du lịch ngày càng thu hút nhiều du khách đến tham quan, tắm biển. Tại khu vực bờ biển Hồ Bể đã hình thành một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giữ xe và dịch vụ tắm nước sạch.
Cách bãi biển Hồ Bể không xa là công trình tượng Quán Thế Âm Bồ tát đang được xây dựng, được đặt lộ thiên với kích thước khá lớn. Đó chính là khu vực đã được bàn giao cho nhà đầu tư để xây dựng Khu Văn hóa - Tín ngưỡng Hồ Bể với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng.
Không chỉ ở thị xã Vĩnh Châu, tại xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, loại hình du lịch biển, tham quan bãi bồi, sông nước miệt vườn cũng đang rất phát triển. Với mong muốn đem du lịch về phát triển tại quê hương, các bạn trẻ ở xã An Thạnh Nam đã hình thành ý tưởng xây dựng Khu du lịch sinh thái và bước đầu xây dựng chuỗi dịch vụ du lịch tại địa phương. Chỉ mất khoảng 20 phút đường sông, từ trung tâm xã du khách sẽ đến được bãi bồi. Trên đường đến bãi bồi, du khách có thể ngắm nhìn quang cảnh rừng ngập mặn dọc 2 bên bờ sông kéo dài hơn chục km, xen giữa là những cụm dừa nước với những buồng dừa sai trĩu quả.
Cù lao Dung có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, phát triển du lịch sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực cho tỉnh và nhân dân. Tỉnh chú trọng kêu gọi đầu tư, quan tâm phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái; khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch biển, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, giúp cải thiện đời sống, giải quyết việc làm cho lao động địa phương
Năm 2018, tỉnh Sóc Trăng đón trên 1,97 triệu lượt du khách, tăng gần 30% so với năm 2017, trong đó khách quốc tế hơn 70.200 lượt, tăng 17%. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 736,7 tỷ đồng, tăng hơn 32% so với năm 2017. Kết quả này cho thấy ngành Du lịch Sóc Trăng đã có những bước phát triển vượt bậc, đưa Sóc Trăng trở thành điểm đến của nhiều du khách khi đến Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo TTXVN