Tân Sơn có cảnh quan tự nhiên nên thơ, thanh bình. Một phần Biển Hồ như vòng cung lượn vào ôm lấy đất Tân Sơn, và phía bên kia hồ là những dãy núi liền kề nằm nối tiếp nhau khiến nơi đây vừa có non nước hữu tình, vừa có ruộng vườn quanh năm tươi tốt.
Khoảng gần chục năm nay, người Jrai ở đây đã mở những quán ăn với các món truyền thống và khá thành công, Tân Sơn dần trở thành điểm đến quen thuộc vào ngày nghỉ cuối tuần, dịp lễ Tết của người dân Phố núi, các huyện lân cận, rồi du khách từ nơi khác đến theo các tour du lịch.
Đặc biệt, khi lễ hội hoa dã quỳ - núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) được tổ chức hàng năm, Tân Sơn thành một trong 2 tuyến đường chính dẫn vào Chư Đang Ya, thì nơi này càng được nhiều du khách biết đến.
Thả bộ dọc con đường Đào Duy Từ, trục đường chính của xã, chỗ nào cũng gặp cảnh đẹp nên thơ được tạo thành bởi trời mây non nước và cây lá. Trên con đường ấy còn có nhà thờ hơn 100 năm tuổi của giáo xứ Tiên Sơn nằm giữa bốn bề cổ thụ rợp bóng rất yên bình. Qua nhà thờ một quãng là một địa điểm khá nổi tiếng được gọi bằng cái tên phổ biến được truyền nhau bằng tên gọi “bãi dê”.
Đó là khu vực lòng hồ, vào mùa khô, khi nước rút để lộ ra bãi đất trống rộng lớn, cỏ mọc xanh biếc tạo nên một thảo nguyên ngút ngát tầm mắt kéo dài mãi tận đến chân núi. Thời gian cỏ xanh tốt thường là vào cuối mùa khô, thời tiết rất đẹp, người lớn đưa trẻ nhỏ đến thả diều, từng nhóm du khách đủ mọi độ tuổi đến hóng gió, vãn cảnh, chụp hình, nhiều người “mượn” những chú dê được chăn thả quanh đó làm “đạo cụ” cho những tấm hình của mình, cái tên “bãi dê” hình thành từ đó.
Mùa mưa, nước dâng ngập bãi cỏ, lòng hồ rộng mênh mông, vài hộ gia đình đã tận dụng được view rất đẹp ấy để tạo nên những quán cà phê với kiến trúc khá hài hòa, gần gũi với thiên nhiên.
Theo chia sẻ của chị Đỗ Bích Tuyền - nhân viên lễ tân tại Homestay Tiên Sơn Pleiku (thôn Tiên Sơn 3, xã Tân Sơn), không chỉ khách trong nước mà khách nước ngoài cũng rất ấn tượng với phong cảnh thiên nhiên hầu như còn giữ lại nét nguyên sơ quanh khu vực như đập thủy lợi Tân Sơn, cánh đồng Chư Jôr hay những miệng núi lửa nằm kề nhau như những lòng chảo ở Chư Đang Ya; kể cả những vườn thanh long, cà phê, hồ tiêu hay ruộng lúa mướt xanh của người dân cũng được rất nhiều người check-in.
Đặc biệt, du khách rất có cảm tình với các món ăn bản địa như cơm nướng ống tre, lá mì xào cà đắng, các món chế biến từ tép Biển Hồ… Điều đó chứng tỏ xu hướng du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng đang được du khách hướng đến. Sau những bộn bề của cuộc sống, chúng ta thường có nhu cầu hướng đến một nơi yên tĩnh, không gian mở, gần gũi với thiên nhiên để lấy lại sự cân bằng.
Những người tham gia làm du lịch ở Tân Sơn đều là những người rất trẻ. Họ biết tận dụng địa thế và những gì sẵn có để phục vụ du lịch. Họ biết cách nắm bắt thị hiếu du khách, biết cách quảng bá hình ảnh qua các kênh truyền thông khác nhau. Điều đáng quý mà tôi cảm nhận được ở những người trẻ ấy là họ đang làm những việc rất mới mẻ trên quê hương mình nhưng biết giữ lại giá trị cốt lõi nhất, đó là văn hóa.
Trong quá trình đưa khách đi tham quan, họ đã nhận ra rằng, những điều mà du khách thực sự hứng thú ngoài cảnh đẹp tự nhiên nguyên sơ, còn là những món ăn đậm đà phong vị vùng miền, là điệu chiêng, nhịp xoang bên những ghè rượu cần nồng say men lá. Nhiều bạn bè của tôi, trong những lần đến với Pleiku, hòa vào một đêm ấm nồng như thế, đã luôn ước ao được quay trở lại.
Pleiku là đô thị có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Và những vùng ven đô như Tân Sơn hoàn toàn đáp ứng yêu cầu để phát triển du lịch nếu được quy hoạch, đầu tư xây dựng bài bản, có tầm nhìn chiến lược dài hơi. Nếu một lần đến với Tân Sơn, chắc chắn bạn sẽ cảm nhận được những điều thật thanh bình từ vùng ngoại ô ấy.
Theo Báo Gia Lai
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |