Các bức tượng sinh hoạt được trang trí tại một số công viên trên địa bàn tỉnh Gia Lai. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng đang bước vào mùa lễ hội, điển hình là Lễ Pơ-thi (hay còn gọi là Lễ bỏ mả) - một nghi thức văn hóa độc đáo được lưu truyền lâu đời của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn.
Đây cũng là dịp để những nghệ nhân tạc tượng trong mỗi buôn, làng chỉ bằng dụng cụ thô sơ và tư duy sáng tạo thổi hồn vào những khúc gỗ vô tri, biến chúng thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong mùa lễ hội.
Thạc sỹ Hoàng Thanh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công tác Tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Gia Lai, người có đề tài nghiên cứu "Bảo tồn và phát huy giá trị tượng gỗ dân gian dân tộc Bahnar và Jrai ở tỉnh Gia Lai hiện nay" cho biết tượng gỗ dân gian Tây Nguyên được chia làm 2 loại.
Thứ nhất là loại tượng gỗ để dựng tại khu vực chôn cất người chết của làng (hay còn gọi là tượng nhà mồ), loại tượng gỗ này chỉ được tạc, điêu khắc khi dân làng tiến hành làm lễ Pơ-thi (Lễ bỏ mả).
Một loại nữa được trang trí tại các điểm du lịch, công viên, nhà rông, nhà sàn mô phỏng đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân trong buôn, làng.
Thạc sỹ Hoàng Thanh Hương (phải) giới thiệu về khu tượng gỗ dân gian được trưng bày tại nhà rông làng Ốp, thành phố Pleiku. (Nguồn: TTXVN)
Tượng gỗ dân gian ở Gia Lai vừa có chức năng trang trí, vừa chứa đựng tín ngưỡng dân gian, đồng thời phản ánh đời sống tâm linh của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Tượng gỗ dân gian cùng những nghệ nhân sáng tạo nên chúng đã và đang đóng góp một vẻ đẹp độc đáo và mang lại nhiều giá trị to lớn cả về vật chất lẫn tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ Bahnar, Jrai tại Gia Lai.
Qua khảo sát tại 177 làng thuộc 88 xã của 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, hiện còn khoảng gần 1.500 tượng gỗ của 2 dân tộc Bahnar và Jrai.
Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết tượng gỗ dân gian mang đậm nét văn hóa của các dân tộc Tây Nguyên. Vừa qua, một số nghệ nhân tạc tượng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nhưng tỉnh Gia Lai không còn nhiều nghệ nhân biết tạc tượng. Để bảo tồn được nghề, trước tiên phải quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của nghệ nhân, đáp ứng được không gian trưng bày tượng.
Để thổi hồn vào những bức tượng gỗ, các nghệ nhân thường là những người lớn tuổi, hiểu thấu văn hóa dân tộc, với nhiều năm kinh nghiệm sống. Họ tạc nên những bức tượng có hồn, sinh động và gần gũi với đời sống sinh hoạt của bà con dân làng. Chỉ sử dụng đục, rìu, rựa, dao, nhưng những bức tượng luôn ẩn chứa tình cảm người tạc để khi nhìn vào tượng, du khách như thấy được đời sống hằng ngày của người Tây Nguyên.
Nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh (xã Ia Ka, huyện Chư Păh) dạy nghề cho thế hệ trẻ để giữ gìn văn hóa dân tộc. (Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN)
Là nghệ nhân có thâm niên hơn 50 năm trong nghề tạc tượng, Nghệ nhân ưu tú Ksor Krôh, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, Gia Lai, tâm sự: Ông biết tạc tượng khi còn là một đứa trẻ theo cha trong những lần làng tổ chức Lễ Pơ-thi cách đây hàng chục năm. Nghề như ăn vào máu thịt của ông vì đam mê và vì quá yêu văn hóa dân tộc mình. Ông thường xuyên khuyên bảo lớp trẻ, phải giữ lấy nghề để sau này thế hệ cha ông có mất đi thì văn hóa dân tộc vẫn còn được lưu giữ.
Nghệ nhân ưu tú Ksor HNao, làng Kep, thành phố Pleiku (Gia Lai) cho hay ông đã kết hợp việc bảo tồn giá trị truyền thống dân tộc với việc quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam, con người Gia Lai qua việc tạc các tượng sinh hoạt để trang trí cho quán ẩm thực của mình. Khách đến quán rất thích thú với các bức tượng này, đặc biệt là người nước ngoài. Mô hình này được nhân rộng, hiện tỉnh Gia Lai có rất nhiều quán ẩm thực địa phương trang trí tượng gỗ dân gian, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Nhằm khuyến khích người dân tộc thiểu số trên địa bàn lưu giữ và phát huy nghề tạc tượng, ông Nguyễn Đức Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết đơn vị đã tiếp tục đề nghị, khuyến khích các địa phương duy trì tổ chức các cuộc thi văn hóa các dân tộc thiểu số, qua đó đẩy mạnh khuyến khích các nghệ nhân say mê với nghề.
Đồng thời, Sở đang tiến hành kế hoạch phối hợp với Sở Công Thương và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thu nhỏ tượng gỗ dân gian làm quà lưu niệm cho du khách đến với Gia Lai./.
Theo Vietnam+