Quần thể danh thắng di tích Hòn Chông có rất nhiều điểm tham quan hấp dẫn nhưng có ba điểm tham quan chính là Bãi Dương, Chùa Hang, Hòn Phụ Tử. Ngoài ra du khách có thể đi tàu hoặc ca nô trên biển xanh sóng nhỏ để tới các đảo, mỗi đảo lại có những sự tích khác nhau. Ở đây có những chùa chiền, đền miếu, nhà thờ, hang động rất thú vị, vừa hoang sơ vừa kỳ bí thâm nghiêm, in dấu chứng tích lịch sử của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực xây căn cứ chống thực dân Pháp xâm lược.
Điều kiện tự nhiên
Hòn Chông trước kia là đảo nằm trong vịnh biển Cây Dương. Do sự bồi đắp của phù sa, ngày nay Hòn Chông đã trở thành một bán đảo nên còn gọi là núi Hòn Chông. Hòn Chông có tên chữ là Chung Sơn. Do địa hình đá vôi lởm chởm, có nhiều mỏm núi nhọn và dựng đứng như những cây chông cắm ngược nên gọi là Hòn Chông.
Đỉnh núi cao nhất của Hòn Chông là 161 mét, vách đá dựng đứng chằng chịt các loại thực vật dây leo. Những con sóng vỗ vào vách núi tung bọt trắng xoá liên hồi, núi và biển không bao giờ rời nhau. Xưa kia đường vào Hòn Chông đất liền là rừng rậm hiểm trở, đường biển phải qua hai quần đảo Bà Lụa và Bình Trị với trên 70 đảo lớn nhỏ. Thông thường đá vôi hình thành từ các trầm tích hàng triệu năm về trước bởi các sinh vật có nguồn gốc biển như san hô, vỏ sò, các loài rong và các vi sinh vật. Các kiến tạo địa chất nâng đẩy chúng lên khỏi mặt nước và mưa gió, xói mòn, sóng, gió, nhiệt độ, nước biển... tạo dáng cho khối núi đá vôi đã tạo nên vẻ đẹp kỳ lạ và đa dạng cho quần thể cấu trúc đá vôi ở Hòn Chông, trong đó có Hòn Phụ Tử.
Những mỏm đá nhọn Hòn Chông
Hang Cá Sấu
Một số dấu vết mài mòn của sóng biển ghi nhận ở vùng Hòn Chông cho thấy có những lần biển tiến, mực nước biển xưa kia từng cao hơn mực nước biển ngày nay 5-10 mét. Các núi đá vôi tại Hòn Chông khá đặc trưng với hình dáng gãy khúc, vách thẳng đứng và sừng sững nhô cao tạo nên những thắng cảnh đẹp nhất phía Nam nước ta
Khu dự trữ sinh quyển tỉnh Kiên Giang đã được UNESCO công nhận. Hòn Chông nằm trong khu dự trữ sinh quyển Kiên Giang, được nhà nước bảo tồn cảnh quan và đa dạng sinh học. Núi Hòn Chông tồn tại nhiều loài dây leo, cây tạp sinh và một ít cây gỗ lớn. Nhóm thú có 17 loài, đáng chú ý nhất là loài Voọc bạc rất quý hiếm được xếp trong sách đỏ thế giới, cấm săn bắt. Nhóm chim có đến 77 loài. Hòn Chông là điểm nóng có tính đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới về khu hệ động vật trong hang động.
Danh lam cổ tự Chùa Hang
Chùa Hang là ngôi “Phật động” nổi tiếng, nằm trong ruột núi đá thâm u, mờ ảo. Gọi là Chùa Hang vì chùa được xây dựng trong hang núi. Chùa có tên chữ là Hải Sơn Tự. Sơ đồ bố trí không gian chùa Hang chia thành ba khu vực nhỏ: Khu ngoài phía trước cửa động, trong lòng động và không gian phía sau cửa động thứ hai nơi được thông ra biển. Bước qua cổng tam quan là khoảng sân trống chạy dài tới chân núi Hải Sơn. Trước sân thờ tượng Phật Di Lặc bằng đá Non Nước (Đà Nẵng) nặng tới 22 tấn. Ngẩng nhìn lên không gian phía trên là vách núi có những cây cổ thụ đứng cheo leo buông ra giữa khoảng không những chùm rễ dài lơ lửng.
Chính điện Chùa Hang nằm gọn trong lòng núi với một động đá vôi hai cửa chạy thẳng theo trục Đông Bắc –Tây Nam chiều dài hơn 50 mét, cửa động sau nhìn thông ra biển. Căn cứ vào diêm hào và vỏ sò hến trên các khe đá trên đỉnh núi ta có thể phỏng đoán vài vạn năm trước, núi Chùa Hang nằm dưới mực nước biển. Cái hang có hai cái cửa này là nơi có dòng nước ngầm chảy qua. Ngày nay lòng hang nơi sâu nhất là 0,5 mét so với mặt đất.
Tượng đá bên vách núi Chùa Hang
Trong lòng Chùa Hang
Động có nhiều thạch nhũ muôn hình, muôn vẻ, khi ta gõ vào các thạch nhũ thì âm thanh ngân lên như tiếng chuông. Trong động có Hang Kim Cương có đường lên trời, còn Hang Phật Ngủ thì nửa tối nửa sáng với tảng đá hình Phật nằm dài. Động sâu thăm thẳm, ánh sáng mờ ảo. Ở giữa chánh điện thờ hai tượng Phật Thích Ca cỡ lớn. Theo truyền thuyết thì hai tượng Phật này có từ lúc các vị sư người Thái Lan ẩn tu cách đây 300 năm. Đại đức Thích Minh Nhẫn trụ trì Chùa Hang cho biết tượng rỗng, khi gõ vào tượng thì phát ra tiếng ngân, hiện nay chưa rõ tượng làm bằng chất liệu gì. Ngoài ra còn có một số tượng nhỏ khác bày hai bên vách hang.
Từ chính điện có đường hang thông ra bờ biển. Đi khoảng mươi mười lăm phút theo lòng hang ngoằn ngoèo trong ruột núi, cuối cùng bạn sẽ nghe những ngọn gió từ biển thổi vào mát rượi, oà ra trước mặt là một khoảng sáng. Cửa hang phía sau này nằm sát biển. Ngẩng nhìn, trước mắt bạn là một vùng biển trời bao la rộng mở. Ngoài cửa hang có xây một thành đá vuông vắn cao hơn 2 mét, trên thành đá có một ngôi đền nhỏ, thờ tượng bà Chúa Xứ, .Du khách tiếp tục đi thẳng khoảng 60 mét thì đến biển, nhìn thấy Hòn Phụ Tử hùng vĩ, chân bước trên bờ cát mịn, để đến gần với thiên nhiên, hít thở không khí trong lành.
Chùa Hang trước đây còn gọi là chùa Thiện Thành hay Hải Sơn Tự có từ đầu thế kỷ 18 tồn tại đến nay gần 300 năm. Các vị sư trụ trì nơi đây đã trải qua rất nhiều đời hoà thượng, có vị là người Xiêm La, có vị là người Khmer, nhưng người để lại dấu ấn có công chỉnh trang và mở rộng chùa là hai vị hoà thượng người Kinh. Họ là hai anh em Võ Thường Lễ và Võ Thường Nghĩa.
Đến năm 1865 cả hai vị đều viên tịch, một vị hoà thượng pháp danh là Thiện Tông được cư dân cung thỉnh về. Vị hoà thượng này tịnh tu nên ít ra ngoài. Ngày rằm của năm 1920, thiện nam tín nữ đến cung cấp thực phẩm thì không thấy hoà thượng đâu nữa. Mãi 10 năm sau mới phát hiện di cốt của hoà thượng. Nơi hang phát hiện di cốt đặt tên là hang Phật Ngủ.Hàng năm Chùa Hang tổ chức lễ hội long trọng từ ngày mùng 8 kéo dài đến ngày 15/4 âm lịch. Riêng những ngày lễ hội vía Bà du khách đến tham quan, chiêm bái tăng đột biến.....
Truyền thuyết kể rằng: Công chúa Ngọc Tuyền là em gái chúa Nguyễn Ánh, là vị hôn thê của Nguyễn Hữu Thoại. Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn lan rộng xuống phương Nam, tập đoàn Nguyễn Ánh phải chạy ra biển. Khi Nguyễn Ánh ở Hòn Nghệ, chúa Nguyễn bị bao vây gắt gao phải chạy vào đất liền ẩn vào một hang đá. Sau khi kiểm điểm danh tánh, chúa ra lệnh: “Địa thế hang này rất sầm uât mà lại không có thú dữ, vậy các ngươi muốn yên thân hãy tự tìm những vách đá cao ráo nghỉ tạm”.
Nhìn thấy một hang nhỏ khô ráo, chúa liền bảo:
- Công chúa tạm nghỉ nơi này để tránh gió.
Hai tên lính vừa dọn dẹp xong liền bước ra cung kính mời công chúa vào. Quá mệt mỏi, công chúa vừa đặt lưng đã ngủ rất say. Một hang đá lớn mà vắng lặng. Đêm vào khuya, gió biển luồn qua khe đá mát rượi. Tên lính gác cũng mệt mỏi, gục đầu ngủ thiếp.
Trong cảnh vắng vẻ của đêm trường, bỗng từ ngoài khơi, qua Hòn Phụ Tử, hàng chục chiếc thuyền lặng lẽ tiến vào bờ, chĩa mũi vào hang đá cập bến. Tên lính gác bất thần tỉnh giấc thì cũng là lúc bị đâm chết, chưa kịp hô hoán hết câu. Trong hang, chúa Nguyễn nghe tiếng hô, đánh động mọi người luồn các ngách hang đá chạy vào rừng. Tới rừng sâu, thiếu công chúa, chúa bèn cho người trở lại nhưng hang đã bị bao vây tứ phía. Quân khởi nghĩa vây hang, đốt đuốc thị oai. Biết không thể trốn thoát, công chúa Ngọc Tuyền nhảy xuống cái hang ở dưới cạn nước và đợi thuỷ triều dâng lên để tuẫn tiết, giữ trọn tình chung. Quân khởi nghĩa rút đi, chúa Nguyễn trở lại hang cũ, tìm thấy xác công chúa chết co trong kẹt đá. Sau này để tưởng nhớ người em gái của mình, Nguyễn Ánh cho xây chùa trong hang núi để thờ phụng. Ngôi chùa đó ngày nay gọi là chùa Hang.
Thắng cảnh Hòn Phụ Tử
Hòn Phụ Tử là hai trụ đá cao nghiêng nghiêng cùng một chiều tượng trưng cho hình hai cha con quấn quýt bên nhau trông ra biển cả. Hòn lớn cao chừng 33,6 mét được hình dung là cha và khối đá nhỏ hơn chừng 32,9 mét là con. Hai khối đá nối với nhau bằng một dề đá cao hơn mặt nước biển khoảng 5 mét. Người Khmer ở địa phương thì lại hình dung hai khối đá này như hai cột cờ nên gọi Hòn Phụ Tử là Phnum-đong-tông nghĩa là “núi là cột cờ”.
Hai bên Hòn Phụ Tử là hai đảo có hình dáng giống như một con thỏ quỳ hai chân sau để giỡn với sóng biển và một con rùa. Nhìn ra xa hơn là đảo xanh nhấp nhô trên biển bạc bao la ngút tận chân trời. Núi Phụ Tử và chùa Hang tạo thành cái eo biển nhỏ ghe tàu đi lại dễ dàng để vào neo đậu.
Nước biển trong xanh ngăn ngắt không thua kém vẻ đẹp biển miền Trung. Phong cảnh trời biển thật bao la hùng vĩ. Từ Chùa Hang có thể ra thăm Hòn Phụ Tử bằng tàu du lịch. Hòn Phụ Tử đẹp và hấp dẫn hơn bởi vì nó còn gắn liền với nhiều truyền thuyết mang tính nhân văn, có truyền thuyết rất đẹp và xúc động.
Truyền thuyết kể: Vùng biển Hà Tiên xưa có một con thuồng luồng rất hung dữ, người dân đi chài luôn bị nó tấn công và ăn thịt. Trước cảnh mỗi ngày một người dân lành bị thuồng luồng cướp đi sinh mạng, một người dân chài sống gần chùa Hang đã liều thân làm mồi cho thuồng luồng, để cứu dân trong vùng. Ông lấy nước lá độc tẩm vào người, rồi bơi ra biển, nhử thuồng luồng. Con thuồng luồng ăn thịt ông bị trúng độc mà chết.
Người con trông chờ cha về mỏi mòn, vẫn không thấy nên ra biển tìm cha. Đến nơi, chỉ còn thấy mảnh xác của người cha bị thuồng luồng ăn còn lại, người con ôm mảnh xác đó khóc, gọi cha thảm thiết. Chất độc từ mảnh xác người cha đã ngấm vào nên người con cũng chết.
Nhân dân thương người đã liều thân cứu mình, nên thắp hương, thả đèn ra biển. Những ngày đó bỗng nhiên trời nổi mưa giông, sấm sét liên tiếp cả ngày đêm. Khi mưa giông tạnh hẳn, người ta thấy từ nơi hai cha con người dân chài chết mọc lên hai hòn đá lớn, và nhỏ. Mấy cụ bô lão trong vùng gọi hòn lớn là Hòn Phụ, hòn nhỏ là Hòn Tử. Lâu dần, người dân quen gọi là Hòn Phụ Tử.
Sự kiện Hòn Phụ bị đổ ngày 9.8.2006 đã làm biến đổi một trong những thắng cảnh quốc gia nổi tiếng ở phía Nam và là biểu tượng của du lịch Kiên Giang, nhưng không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động du lịch khu vực này. Sự xuống cấp, gãy đổ của Hòn Phụ là nằm trong quy luật tự nhiên. Việc phục nguyên toàn bộ di tích đang gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật, nghệ thuật và đặc biệt là ý nghĩa bảo tồn nguyên gốc.
Bãi Dương – vẻ đẹp nên thơ
Bãi Dương nằm trong quần thể danh thắng Hòn Chông, là một bãi biển đẹp quyến rũ du khách đến tắm biển, nghỉ ngơi rất thú vị. Bờ biển Bãi Dương chạy dài khoảng hai cây số, một nửa bãi có hàng cây dương xanh và nửa bãi kia thì có loài cây dầu cổ thụ nên người địa phương gọi khu vực này là Bãi Dương và Bãi Dầu.
Phía trước Bãi Dương có đảo Kiến Vàng cách bờ khoảng 500 mét án ngữ trước mặt. Xa hơn về phía biển, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi chùa Hang nổi lên sừng sững, các hòn khác, đảo khác nổi lên xanh mờ giữa biển khơi. Tất cả tạo nên một phong cảnh thiên nhiên rất hữu tình, thơ mộng như một bức tranh thuỷ mạc. Bãi tắm là bãi cát mịn màng không hề pha sỏi đá. Nước biển trong xanh. Đây là vùng biển nông, sóng nhỏ. Bãi tắm kín đáo bởi hàng cây và rừng cây tạp như bức rèm ngăn cách với đường xe chạy. Bãi biển dài nên rất thoáng đãng.
Du khách đến đây có thể hồn nhiên vui đùa với sóng nước tận hưởng niềm vui. Phao đỏ, phao xanh, nổi trôi ngụp lặn. Canô cao tốc phóng như bay trên mặt biển, rẽ nước trắng xoá, vòng liệng lúc xa, lúc gần. Từng đôi, từng đôi ngồi trên ca nô vẻ mặt hớn hở...
Bãi Dương
Câu chuyện lịch sử có ghi rằng năm 1867 thành Hà Tiên bị mất, Nguyễn Trung Trực danh nghĩa là Thành thủ uý, cùng một số quân sỹ từ Hà Tiên rút về lấy Hòn Chông làm căn cứ địa, xây dựng lực lượng chờ đợi thời cơ. Hòn Chông lúc đó địa thế hiểm trở, núi đồi trùng điệp, rừng rậm rạp, dân cư thưa thớt, đường sá đi lại rất khó khăn. Ở ngoài biển có khoảng 70 hòn đảo án ngữ tạo thành hàng rào bảo vệ vững chắc cho khu căn cứ Hòn Chông.
Nguyễn Trung Trực đã đưa nghĩa quân kháng Pháp về đồn trú ở làng Bình An, lập căn cứ chuẩn bị kháng chiến lâu dài. Doanh trại đóng ở quanh Hòn Trẹm, dưới chân núi Hòn Chông nên nơi ấy gọi là Ba Trại. Nghĩa quân đào 7 cái giếng ở khu vực hậu cần, nay là ấp Bảy Giếng. Nghĩa quân còn đào một con kinh để ghe xuồng ra vào, gọi là kinh Tà Ẩm. Một bộ phận khác của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã phá rừng làm rẫy ở chân núi phía Bắc Hòn Chông nên gọi nơi ấy là Rẫy Mới. Những dấu vết lịch sử tồn tại qua các địa danh đến nay vẫn được giữ nguyên. Sau khi tham quan ba điểm nổi tiếng nhất, du khách có thể lên tàu du lịch, tiếp tục cuộc hành trình khám phá các hòn đảo, hang động trong quần thể danh thắng Hòn Chông.
Giếng Tiên – Hang động huyền thoại
Giếng Tiên nằm khuất bên kia núi, sát một bên là vách đá dựng đứng, một bên là biển nên không có đường bộ. Tại chùa Hang có đội tàu đưa khách đi tham quan Giếng Tiên, đi về chỉ khoảng một tiếng đồng hồ. Đường vào hang khúc khuỷu, quanh co, mờ ảo. Hang có nơi hẹp vừa hai người qua lọt, có nơi lại rộng như một căn phòng lớn. Có rất nhiều thạch nhũ với dáng hình Tượng Nam Hải, Quan Thế Âm, tượng Tam Tạng ngồi trên yên ngựa đi thỉnh kinh, tượng Tề Thiên Đại Thánh, Trư Bát Giới, Sa Tăng, tượng nàng Tiên Cá. Nơi đây còn có phiến nhũ như chiếc ngai là nơi ngự của vua Gia Long ngày xưa. Đi sâu vào tận cùng hang, khoảng chừng 150 mét thì đến Giếng Tiên - một cái hồ đá nhỏ, nước trong xanh như ngọc bích. Ngày xưa nó đã cứu sống đoàn quân Nguyễn Ánh ẩn nấp trong hang động này khỏi chết khát giữa bốn bề biển mặn. Bởi thế Nguyễn Ánh cho rằng, đây là giếng nước của thần tiên ban tặng cho họ trong những giờ phút khó khăn ấy.
Hòn Đá Lửa
Hòn Đá Lửa nằm trước mặt cảng Hòn Chông. Đây là một khối đá khổng lồ có hình thù con nghê. Ở Hòn này có nhiều đá trắng, hai cục đá chạm nhau toé lửa, nên nhân dân lấy sự việc này đặt tên cho hòn đảo. Biển xanh sóng vỗ ì ầm, đập vào những ghềnh đá xám tạo ra những vùng trắng xoá khiến khung cảnh hoang sơ càng thêm kỳ ảo. Bên sườn núi lác đác vài căn nhà nhỏ thoắt hiện trên sườn đá xanh rì cây cỏ. Biển cả bao la đã khéo lèo lái những con sóng ngày ngày đẽo thành những ghềnh đá đủ hình đủ dạng. Trước mặt du khách là những ghềnh đá nằm rải rác trên biển. Xa xa là những rặng dừa cao tít khiến khách nhàn du có cảm giác thèm ngả lưng dưới bóng dừa, lim dim giữa trưa hè nóng bức.
Hang Tiền
Từ Hòn Chông du khách đi về phía Tây Nam bằng ghe nhỏ 4 km đến Hang Tiền. Cửa hang nằm khuất bên ghềnh đá. Hang Tiền có nhiều ngóc ngách, bên trong hang có nhiều thạch nhũ lạ mắt. Tại đây người ta tìm thấy những đồng tiền bằng kẽm, mặt tiền có hai chữ “Thái Bình”. Nhiều đồng tiền còn rơi rớt lại, nhiều cục đá còn dấu vết là khuôn đúc. Có người cho rằng đó là tiền chúa Nguyễn cho đúc khi lẩn trốn. Tuy nhiên lại có nhiều người cho rằng Mạc Thiên Tứ đã mở cục đúc tiền ở đây để buôn bán với hải ngoại.
Những đồng tiền cổ của dòng họ Mạc ở Hà Tiên tại Bảo tàng Kiên Giang
Một bài viết không thể nói hết mọi điều. Cảnh đẹp tuyệt vời và những câu chuyện lịch sử Hòn Chông đang đợi chờ bạn đến đây tiếp tục khám phá.