Làng du kích Đồng Khởi
Thuộc xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, cách thành phố Bến Tre 15km, là cái nôi của phong trào khởi nghĩa Đồng Khởi năm 1960. Ở đây có nhà triển lãm trưng bày các loại vũ khí thô sơ, tư liệu, hiện vật quý được người dân sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Làng du kích Đồng Khởi đã được Bộ Văn hóa – Thông tin ra quyết định công nhận là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia vào năm 1993.
Khu lăng mộ tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu
Ảnh: Sưu tầm
Đây là nơi thờ nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, tác giả của truyện thơ nổi tiếng "Lục Vân Tiên". Nguyễn Đình Chiểu sinh ra ở Gia Định vào năm 1822, đến năm 1861, ông ở ẩn ở huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre và qua đời ở đó. Khu lăng mộ của ông được xây dựng vào năm 1969.
Hàng năm vào ngày sinh của Nguyễn Đình Chiểu (1/7), người dân tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa tưởng nhớ ông như hóa trang Lục Vân Tiên - Kiều Nguyệt Nga, hội thi mâm cơm ngày giỗ, mâm xôi ngày hội, thi đấu cờ tướng…thu hút nhiều người dân đến tham gia. Khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu đã được nhà nước công nhận là khu di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia đặc biệt.
Cồn Tiên
Ảnh: vietnamtourism
Cồn Tiên ở trên sông Tiền, ngang với làng Cái Mơn, thuộc xã Tiên Long, huyện Châu Thành. Cồn Tiên là một bãi cát đẹp, phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với nhịp sống dân dã, giản dị. Vào Tết Đoan Ngọ mùng 5 tháng 5 âm lịch hàng năm, có nhiều người đến tắm và tổ chức các hoạt động vui chơi ở đây.
Tắm vào lúc giữa trưa (giờ Ngọ) ở Cồn Tiên vào dịp Tết giết sâu bọ đã trở thành hoạt động không thể thiếu của người dân ở đây. Với không khí trong lành, quang cảnh bình dị, hiền hòa, cồn Tiên còn là điểm ngắm bình minh và hoàng hôn thú vị đối với nhiều du khách.
Cồn Phụng (Cồn Đạo Dừa)
Ảnh: wiki.youvivu.com
Cồn Phụng nằm trên một cù lao nổi giữa sông Tiền, thuộc xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố Bến Tre 12km đường bộ. Đây là khu vực có hệ sinh thái miệt vườn đặc trưng. Đến đây, du khách có cơ hội trải nghiệm cuộc sống thú vị miền sông nước tại một trong “tứ linh” của Đồng bằng sông Cửu Long.
Cồn Phụng còn có tên là Cồn Đạo Dừa vì có khu Đạo Dừa rộng 1500m2, nơi ông Đạo Dừa giảng kinh pháp và truyền bá đạo giáo. Tới đây, du khách có thể lên xe ngựa thăm các vườn cây ăn quả, dừng chân ở nhà dân uống trà pha với mật ong và nghe đờn ca tài tử.
Cồn Quy
Ảnh: TITC
Cồn Quy là vùng đất rộng 65ha, nằm trên sông Tiền giữa hai xã Tân Thạch và Quới Sơn. Cồn Quy cũng là một trong “tứ linh” của Đồng bằng sông Cửu Long còn lưu giữ được vẻ đẹp hoang sơ, được biết đến với nhiều vườn cây trái như bưởi, hồng xiêm, mít, xoài nhưng ngon và nổi tiếng nhất là nhãn… Cồn Quy là một trong những địa chỉ thú vị cho chuyến tham quan miệt vườn.
Sân chim Vàm Hồ
Ảnh: wiki.youvivu.com
Đây là một quần thể sinh thái hấp dẫn bởi quy tụ hàng nghìn con cò, vạc và các loài chim hoang dã khác cùng chung sống. Có lẽ cách nhanh nhất để quên đi những mệt mỏi, ồn ào của cuộc sống thành thị là đến hòa mình với những khúc ca của các loài vật ở sân chim Vàm Hồ. Địa danh này thuộc hai xã Mỹ Hoa và Tân Xuân, huyện Ba Tri, cách thành phố Bến Tre 52km.
Làng hoa kiểng chợ Lách
Ảnh: dulichbentre.blogspot.com
Làng hoa kiểng chợ Lách là địa chỉ quy tụ nhiều loài cây, hoa cảnh đa dạng, phong phú, được chăm sóc công phu, tỉ mỉ, nổi tiếng nhất là các loại hoa cúc vạn thọ, cẩm chướng, mai vàng, cúc đại đóa, cúc mâm xôi. Đây là nơi có nhiều nghệ nhân tài năng trong lĩnh vực chăm sóc cây hoa cảnh. Làng hoa kiểng chợ Lách rực rỡ nhất, tất bật nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.
Làng cây trái Cái Mơn
Ảnh: dulichdongque
Cái tên “Cái Mơn” có nguồn gốc khá thú vị, từ “Cái” có nghĩa là con rạch lớn, “Mơn” là nói chệch đi của từ “Mum” tiếng Khmer có nghĩa là mật ong. Có cái tên như vậy vì khu vực này từ xưa tới nay là vùng đất trồng được nhiều hoa thơm quả ngọt, thu hút rất nhiều ong mật đến. Tới làng cây trái Cái Mơn, bạn sẽ được thưởng thức những loại quả ngon đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long như sầu riêng, chôm chôm, roi, bưởi, măng cụt.