Lễ hội đua thuyền tứ linh mừng đón mùa xuân mới ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: MINH HOÀNG
Từ cảng biển Sa Kỳ (Quảng Ngãi), di chuyển bằng tàu cao tốc chừng một tiếng là đến Ðảo Lớn, Lý Sơn. Nhìn từ xa, hòn đảo tiền tiêu hiện lên nên thơ như một bức tranh sơn dầu nhiều mầu sắc. Những năm gần đây, nơi này trở thành điểm đến có sức mời gọi đối với du khách gần xa. Không chỉ bởi Lý Sơn sở hữu cảnh sắc hữu tình mà còn vì nơi đây luôn ẩn chứa nhiều nét đẹp văn hóa đặc sắc, trong đó không thể không nói đến lễ hội đua thuyền tứ linh.
Ðến Lý Sơn những ngày cận Tết, dễ dàng nhận ra không khí rộn ràng khác biệt hiện diện khắp nơi trên "đảo tỏi". Ở sân đình các xã An Vĩnh, An Hải, người dân quây quần trang trí, sơn phết để hoàn thiện những công đoạn cuối cùng chuẩn bị sẵn sàng cho ngày thuyền đua được hạ thủy. Dưới nắng gió đượm vị mặn mòi của biển, sắc mầu của những chiếc thuyền tứ linh càng lung linh, rực rỡ hơn. Tất cả đều háo hức chờ đón lễ hội đua thuyền bắt đầu từ ngày mồng bốn Tết. Hàng trăm năm nay, hoạt động này đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người dân nơi đây. Ngay cả các bậc cao niên ở huyện đảo cũng không biết rõ hội đua thuyền tứ linh chính xác xuất hiện khi nào. Chỉ biết từ khi họ sinh ra, dân Lý Sơn đã quan niệm chưa thấy hội đua thuyền là chưa thấy Tết. Thế nên những người con của "đảo tỏi" đi làm ăn xa về đón Tết ở Lý Sơn luôn cố nán lại cho đến khi xong hội đua thuyền mới lên đường.
Với người dân Lý Sơn, lễ hội đua thuyền tứ linh không chỉ là hoạt động khai xuân truyền thống mang tính cộng đồng mà còn là nét đẹp văn hóa tín ngưỡng độc đáo, tưởng nhớ và gửi gắm sự tri ân, lòng biết ơn của cư dân vùng biển đối với các bậc tiền nhân và đội hùng binh Hoàng Sa khi xưa đã vượt biển đo đạc thủy trình, cắm mốc, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc; đồng thời cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa biển cũng như nông nghiệp được bội thu.
Hằng năm, từ ngày mồng bốn đến mồng tám Tết, người dân huyện đảo và nhiều du khách từ đất liền lại tìm đến Lý Sơn để xem hội đua thuyền. Mỗi hội thường có tám thuyền đua. Mỗi thuyền đua là của một xóm trong xã và được lựa chọn trang trí theo hình ảnh "tứ linh" (long - ly - quy - phụng). Các thuyền này thường được đặt ở các lăng, miếu để thờ cúng. Trước khi tham gia đua, tối hôm trước hoặc sáng sớm hôm sau, mỗi đội thuyền đều tổ chức cúng tế thần linh theo những nghi thức riêng.
Người Lý Sơn cho rằng, thuyền nào về nhất thì năm đó xóm làng sẽ bình yên, mùa màng bội thu cho nên trai tráng xóm nào cũng ra sức tranh tài. Người được tuyển vào đội đua phải được lựa chọn kỹ càng để bảo đảm có cả sức khỏe và sự khéo léo. Thuyền đua được đóng theo dáng thon, nhẹ sao cho có thể lướt nhanh trên sóng nước. Trước đây, mỗi thuyền chỉ đóng cho 14 trai làng ngồi đua, nhưng gần đây, do nhu cầu được tham gia thuyền đua, mỗi thuyền thường có tới 24 chàng trai tham dự. Ðội nào cũng có đồng phục riêng với khăn đỏ chít trên đầu. Mỗi lần diễn ra hội đua, không khí sôi nổi, náo nhiệt khắp một vùng biển với tiếng reo hò cổ vũ và hình ảnh những tay chèo ra sức tăng tốc để sớm về cán đích. Ðây không phải hội đua thuyền duy nhất nhưng có lẽ là trường đua thuyền lớn nhất và quy củ nhất của nước ta.
Lễ hội đua thuyền Lý Sơn không chỉ hấp dẫn bởi sự kịch tính, khí thế thi đua giữa các đội thuyền mà còn thu hút bởi những trang trí tinh xảo của mỗi thuyền đua, nhất là phần đầu và đuôi tứ linh của thuyền. Người dân nơi đây cho rằng, thuyền trang trí càng đẹp càng mang lại may mắn, hứng khởi cho đội đua nên người được giao vẽ và trang trí thuyền đua phải là các nghệ nhân có tay nghề cao để có thể thổi hồn vào linh vật...
Hỏi thăm người dân xã An Vĩnh, chúng tôi dễ dàng tìm được nhà ông Bùi Thanh Hên - nghệ nhân đã hơn 30 năm gắn bó với nghề vẽ thuyền đua tứ linh, cũng là người được cho là trang trí đầu, đuôi thuyền tứ linh đẹp nhất hiện nay ở Lý Sơn. Vừa tiếp đón chúng tôi, ông vừa tranh thủ hoàn thiện những họa tiết mầu cuối cùng cho chiếc đầu phụng của thuyền đua. Ông nói, riêng đợt cuối năm nay, ông nhận lời làm bảy bộ đầu, đuôi thuyền đua tứ linh cho các xóm ở Lý Sơn và đất liền. Ngắm thật gần từng bộ đầu, đuôi thuyền tứ linh càng thấy sự tinh xảo trong cách tạo hình, phối mầu của người thực hiện. Mỗi bộ có tới cả trăm chi tiết nhỏ được đẽo, gọt nhưng chi tiết nào cũng sắc sảo, có hồn. Cùng là đầu rồng nhưng ở mỗi bộ vẫn toát lên thần thái, dáng vẻ khác nhau, hoặc cũng cùng là đuôi ly nhưng mỗi bộ lại được lên dáng, phối mầu một khác. Sự sáng tạo không ngừng nghỉ nơi đôi tay, khối óc của người thợ giàu kinh nghiệm khiến nhiều năm nay, ở tuổi ngoài 50, ông Hên vẫn luôn là người bận rộn nhất với nhiều hợp đồng trang trí thuyền đua tứ linh, dù ở Lý Sơn cũng có vài người làm công việc này. Người dân nơi đây vẫn truyền tai nhau: không những đẹp mà thuyền đua do ông Hên làm còn rất "hên" nữa, nên năm nào cũng vậy, những người đặt ông trang trí thuyền đua thường phải mở lời từ khá sớm để ông tiện sắp xếp thời gian. Ông Hên chia sẻ, cái khó nhất của công việc này là phải biết vận dụng các chi tiết, mầu sắc mang tính đặc trưng của tứ linh để thổi hồn của từng linh vật cho mỗi chiếc thuyền đua. Hơn nữa, mỗi lần làm là mỗi lần đòi hỏi sự sáng tạo để sản phẩm sau không lặp lại sản phẩm trước, vì vậy người thực hiện luôn phải đổi mới, linh hoạt. Nhìn những chiếc thuyền đua tứ linh do ông Hên trang trí với những đường nét tinh xảo, ai cũng nghĩ ông phải là người được đào tạo bài bản hoặc được truyền nghề kỹ càng. Song hỏi ra mới biết, tất cả đều được ông thực hiện dựa vào quá trình tự mày mò, học hỏi. Từ ngày còn là cậu học trò nhỏ theo cha đi xem hội đua thuyền, ông đã rất ấn tượng với những họa tiết, hoa văn trang trí trên thuyền đua. Thời đó không sẵn máy ảnh, điện thoại để chụp lại như bây giờ nên tất cả đều được cậu trò nhỏ ghi nhớ bằng quan sát. Có năng khiếu mỹ thuật nên đến năm 19 tuổi, ông đã có thể trang trí thuyền đua, vẽ tranh tường, dựng hòn non bộ... Ngoài công việc vẽ thuyền đua tứ linh, ông còn nhận nhiều dự án thi công, trang trí các công trình kiến trúc cổ như những dinh, miếu ở Lý Sơn, các chùa ở Quảng Ngãi và ở nhiều tỉnh, thành phố như Huế, Ðà Nẵng, Bình Ðịnh...
Ông Bùi Thanh Hên trang trí đầu thuyền đua Phụng. Ảnh: TRANG ANH
Ông Bùi Thanh Hên cho biết, trước đây, đầu và đuôi thuyền đua tứ linh thường làm bằng gỗ, khi các thuyền va đập dễ bị cong, vênh, thậm chí sứt, vỡ. Chính ông đã sáng tạo thay gỗ bằng mút để chuyên làm các bộ đầu, đuôi thuyền. Ðặc tính của mút là nhẹ, mềm, có độ dai, do vậy khi các thuyền va chạm, các chi tiết trang trí khó bị hỏng hơn, nhờ đó mà độ bền cao hơn. Nhưng cái khó là mỗi tấm mút chỉ dày năm phân, nên để tạo thành khối, phải mất nhiều thời gian để ghép các tấm lại sao cho thật khít, từ đó mới có thể đẽo, gọt, tạo hình theo ý muốn. Nếu không thạo nghề, phải mất hai đến ba tháng mới xong một bộ đầu, đuôi. Như ông Hên, dù là người lão luyện cũng mất tới một tháng để hoàn thiện, cộng thêm khoảng một tuần trang trí cho ghe thuyền. Nghe chúng tôi hỏi vui: Chất liệu bền hơn, sản phẩm ít hỏng hơn thì có sợ sẽ ít hợp đồng đi không, ông cười nói: Ngoài độ bền, quan trọng là mẫu mã nữa. Nhiều đội đua muốn thay đổi mẫu mới thì vẫn phải đặt làm mới... Ông cho hay, mỗi bộ đầu, đuôi thuyền tứ linh cần dùng khoảng sáu tấm mút kích thước khoảng 1,2 x 2 mét, trừ hết chi phí nguyên vật liệu, ông được hơn chục triệu đồng.
Ông Hên tự hào vì được làm công việc mình yêu thích và qua đó lan tỏa những nét văn hóa độc đáo của quê hương. Song điều luôn khiến ông trăn trở là sau thế hệ của ông, chưa thấy nhiều người, nhất là những người trẻ ở Lý Sơn yêu thích công việc này. Nhận thấy con trai có năng khiếu mỹ thuật, ông đang âm thầm hướng dẫn, chỉ dạy, rủ con tham gia công việc của mình, những mong từng bước khơi dậy đam mê thổi hồn cho những chiếc thuyền đua tứ linh, qua đó góp phần gìn giữ và lưu truyền nét đẹp văn hóa của lễ hội đua thuyền tứ linh Lý Sơn ngày Tết.
Theo nhandan.com.vn
Sáng nay (16/5), tức ngày 16 tháng Tư Âm lịch, huyện Trà Bồng tổ chức Lễ hội Xuân Điện Trường Bà năm 2022,...
Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thứ 2 sẽ được tổ chức từ ngày 20- 24/5 tới tại huyện đảo Lý...
Theo dự báo, dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, thời tiết xấu, khả năng ảnh hưởng đến vùng biển Lý Sơn, tỉnh Quảng...
Miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng du lịch phong phú. Tuy nhiên thời gian qua, việc đầu tư, khai...
Ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đang dần hồi phục với nhiều tín hiệu khởi sắc. Nhiều sản phẩm, tour du lịch...
Sau thời gian ngưng trệ, những ngày đầu tháng 2 này, lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ngãi tăng trở lại....
Dịp Tết này, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đón hơn 4.000 lượt du khách ra đảo du xuân. Đây là tín hiệu...
Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn dần được kiểm soát, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa cho phép các cơ sở...
Kể từ 00 giờ ngày 29/6, tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đi các tỉnh, thành phố và ngược...
Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay dự kiến có khoảng 10 ngàn lượt khách du lịch ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Để...
Nguyên nhân dẫn tới việc UBND tỉnh Quảng Ngãi dừng đề án là do qua nghiên cứu, rà soát, Công viên địa chất Lý...
Sau thời gian dài suy giảm do dịch bệnh, thiên tai, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi đang dần hồi phục. Tỉnh...