Du khách tham quan Bảo tàng gốm Thanh Hà
Giữ gìn di sản cha ông
Đã từng nghe những người dân trong phố cổ Hội An kể nhiều về làng nghề gốm Thanh Hà, nhưng phải tới Bảo tàng gốm Thanh Hà (còn có tên khác là Công viên Đất nung Thanh Hà, công viên gốm Thanh Hà) đặt ngay đầu làng, chị Trịnh Hồng Lệ, du khách đến từ Hà Nội mới hiểu được lịch sử thăng trầm của làng nghề, cũng như tình yêu với di sản cha ông để lại. Những câu chuyện về lịch sử, Tổ nghề, thăng trầm của làng trong một không gian mộc mạc màu nâu gốm giúp những du khách như chị hiểu được những giá trị tốt đẹp mà người làng Thanh Hà giữ gìn suốt 5 thế kỷ qua.
Từ Bảo tàng gốm Thanh Hà vào làng, trên con đường bê tông, những nồi, ấm lu, vại, ngói… xếp ngay ngắn theo lề đường nằm phơi nắng. Tương truyền, các tộc họ ở Thanh Hà đã có mặt ở đây từ thế kỷ 15, đều là những nhóm dân di cư từ miền Bắc, Bắc Trung Bộ xuống. Mang theo nghề gốm của quê hương, lại thêm địa thế vùng Thanh Hà gần sông Thu Bồn, với vị trí đắc địa cận lộ - cận giang - cận thị thuận lợi cho các hoạt động sản xuất cũng như trao đổi sản phẩm, phát triển nghề gốm nên đã làm nơi an cư và phát triển làng nghề.
Tính về tuổi đời, làng gốm Thanh Hà là một trong những làng nghề cổ của miền Trung còn phát triển cho đến ngày nay. Trong không gian thanh bình của làng quê, du khách có thể tham quan di tích tôn giáo - tín ngưỡng như đình Xuân Mỹ, di tích tổ nghề gốm Miếu Nam Diêu nằm trong làng nghề truyền thống. Trong làng vẫn còn giữ được hai loại lò nung đặc trưng - lò úp và lò ngửa, như một phần tư liệu, góp thêm giá trị cho di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề gốm Thanh Hà.
Theo thống kê, hiện làng Thanh Hà có 33 hộ sản xuất với khoảng 80 lao động, trong đó có 5 nghệ nhân ưu tú và 1 thợ giỏi. Những thế hệ nghệ nhân trẻ của làng không chỉ nỗ lực tiếp nối truyền thống của cha ông mà còn đưa nghề gốm phát triển với những dòng gốm đa dạng, gắn với nhu cầu thực tế của thị trường vừa bảo tồn những tinh túy đã trở thành niềm kiêu hãnh của xứ Quảng.
Đúng như chia sẻ của nghệ nhân Lê Quốc Tuấn, “cơm áo thì không cần lo nữa rồi. Cái lo là phải có sản phẩm mới, làng nghề phải bước đi. Một nhịp bước hiện đại mà không bỏ quên truyền thống”. Một trong những cách “bước đi” mà người làng Thanh Hà đang thực hiện là song hành giữa làng nghề và du lịch. Bên cạnh dòng gốm sành nâu, sản xuất các mặt hàng xây dựng, thiết kế, trang trí theo yêu cầu của thị trường thì làng cũng làm những sản phẩm nhỏ, đồ lưu niệm như bình vôi ăn trầu, chân đèn, tò he, tu huýt, ngói âm dương, ngói vẩy cá… để phục vụ khách du lịch.
Người dân làng Thanh Hà làm gốm thủ công
Trải nghiệm làm nghề dành cho du khách
Cách không xa đô thị cổ Hội An, làng gốm Thanh Hà thuận tiện cho những hành trình du lịch theo đoàn hoặc cho từng nhóm khách đi riêng lẻ. Ông Nguyễn Viết Trãi, Giám đốc Công ty du lịch Mai Linh miền Trung cho biết, khách tới đây theo lịch trình tour khám phá Hội An và các làng nghề rau Trà Quế, mộc Kim Bồng. Làng gốm Thanh Hà cũng là điểm dừng chân của du khách trên hành trình du lịch từ Hội An đến Khu di sản thế giới Mỹ Sơn.
Làng gốm Thanh Hà còn bảo lưu nguyên vẹn quy trình chế tác gốm thủ công truyền thống cách đây gần 500 năm cùng nhiều giá trị tri thức dân gian gắn liền quá trình hình thành làng xã, phát triển đô thị thương cảng Hội An. Anh Lê Khiếu Minh (phố Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ, dù hoạt động thương mại, du lịch diễn ra thường xuyên nhưng ở đây, bà con vẫn giữ được không khí làng nghề đặc trưng với những tàu ghe chở đất, củi cập bờ, những xưởng gốm trong làng luôn tất bật, hòa nhịp tiếng nện đất, lách cách củi lửa trong lò nung. Trên đường làng, những du khách thích thú sử dụng món quà lưu niệm độc đáo là những con thổi tạo ra những tiếng tu huýt rộn ràng.
Bà con trong làng không chỉ tập trung vào các hoạt động sản xuất nghề gốm mà còn rất nhiệt tình hướng dẫn khách tham gia vào các công đoạn thủ công, từ nhào đất, nặn, phơi… để họ có được những sản phẩm gốm do chính tay mình thực hiện tại làng. Anh Nguyễn Viết Sơn, cháu trai nghệ nhân Nguyễn Thị Được - một trong những nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Thanh Hà chia sẻ, du khách nước ngoài hay các gia đình có con nhỏ ở thành phố, các bạn sinh viên đều rất thích trải nghiệm này.
Du khách tham quan và trải nghiệm tại làng gốm
Có thị trường để lo đầu ra cho sản phẩm, kênh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch cũng mang lại thu nhập đáng kể. Nguồn thu từ bán vé du lịch tái đầu tư cho hạ tầng và vệ sinh môi trường khiến người dân Thanh Hà yên tâm giữ nghề, có ý thức trách nhiệm với di sản cha ông để lại. Ở làng không có hiện tượng chèo kéo, xô bồ hay nâng giá. Khi mua vé tham quan làng gốm Thanh Hà, du khách đều được trung chuyển bằng xe điện miễn phí từ bãi đỗ xe vào trong làng, xem các nghệ nhân trình nghề chuốt gốm, tham gia trải nghiệm “Thử tài là nghệ nhân chuốt gốm” và ai cũng được nhận quà lưu niệm là một con thổi bằng đất nung.
Theo người dân địa phương, ở làng đông vui nhất là vào mỗi dịp lễ hội. Vào đầu Xuân, dân làng tập trung về miếu Nam Diêu làm lễ tế cầu an. Còn tới ngày 10 tháng 7 âm lịch hàng năm là lễ giỗ Tổ nghề gốm. Những năm trở lại đây, lễ giỗ Tổ nghề gốm nằm trong danh sách các lễ hội lớn, tiêu biểu của Tp. Hội An. Với người dân làng Thanh Hà, mỗi dịp lễ hội còn là ngày đoàn tụ. Sau những nghi lễ thành kính dâng lên tổ tiên, nhiều hoạt động văn hóa tinh thần đậm tính dân gian được tổ chức thu hút đông đảo du khách tham gia. Trong đó có nhiều trò chơi dân gian đặc sắc như: cõng nàng về dinh, lái buôn xuất sắc, thi chuốt gốm, làm con thổi đất nung, nấu cơm bằng nồi đất, thi đập nồi, bịt mắt đánh trống... Dấu ấn văn hóa Trung bộ đặc trưng còn được bà con giới thiệu thông qua các hội đua thuyền, hô hát bài chòi, hát bội khiến du khách được hòa mình cùng dòng chảy văn hóa hiện hữu trên con đường di sản nổi tiếng của vùng đất miền Trung.
Theo baodulich.net.vn
Sáng nay (2/11), tại thành phố Tam Kỳ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Mỳ...
Lễ hội văn hóa các dân tộc huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, chủ đề “Âm vang đại ngàn năm 2022" vừa khai mạc...
Khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam được đánh giá có tiềm năng để phát triển du lịch xanh, du lịch cộng...
Tối 22/7, tại đảo Cù Lao Chàm, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam khai mạc Festival miền biển "Cù Lao Chàm -...
Trong 10 năm qua, tình trạng sạt lở bờ biển Hội An diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, nhiều khu nghỉ...
Tỉnh Quảng Nam là nơi được đông đảo du khách trong và ngoài nước chọn là điểm đến từ khi Chính phủ mở cửa...
Không chỉ có 2 Di sản văn hóa thế giới là Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn, những sản phẩm du lịch gắn...
Là 1 trong 6 chủ đề đặc sắc trong Năm Du lịch quốc gia – Quảng Nam 2022, Chương trình “Quảng Nam – Cảm xúc...
Trong khuôn khổ các hoạt động của Năm Du lịch Quốc gia - Quảng Nam 2022, từ ngày 19 đến 22/5 tới, sẽ diễn ra...
Trên vùng biển Hội An hiện nay có sóng mạnh cấp 6, giật cấp 7 nên UBND thành phố Hội An tiếp tục tạm dừng...
Tiếp nối các hoạt động Năm Du lịch Quốc gia 2022 với chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, sáng 22/4,...
Lễ hội Tam Kỳ - Mùa hoa sưa năm 2022 tại làng Hương Trà, phường Hoà Hương, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam...