Du lịch Cần Thơ chủ động chuyển mình sau đại dịch Covid-19
Nhận diện khó khăn
Cần Thơ hiện có khoảng hơn 500 công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Dịch Covid-19 kéo dài, nhiều cơ sở vừa và nhỏ phải đóng cửa hoặc ngưng hoạt động, hàng trăm lao động ngành du lịch cũng bị thất nghiệp, nghỉ không lương, phải tìm việc làm khác để đảm bảo cuộc sống…
Khó khăn là thế, nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp không “đầu hàng” số phận, đã chủ động biến thời gian nghỉ dịch thành thời điểm vàng “thay da đổi thịt” từ tư duy, cách thức vận hành truyền thống sang một phương thức phù hợp với tình hình mới…
Du lịch cộng đồng Cồn Sơn đóng cửa ngưng tiếp khách, những chiếc xuồng nhỏ cứ nằm im trên sông
Năm 2020, khách du lịch đến thành phố Cần Thơ đạt hơn 5 triệu 600 ngàn lượt, giảm 36,8% so với năm trước đó, đạt 60,9% kế hoạch năm; thu từ du lịch đạt 3.169 tỷ đồng, giảm 28,6% so với năm 2019, đạt hơn 62% kế hoạch năm. Trong 7 tháng của năm 2021 lượng du khách đến Cần Thơ chỉ đạt trên 2 triệu lượt người (chủ yếu ở giai đoạn 4 tháng đầu năm), ở mức 33,4% kế hoạch năm. Nặng nề nhất là từ nửa đầu tháng 7 đến tháng 10 là giai đoạn Cần Thơ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Mới khởi sắc, nhưng đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 lại đến khiến các doanh nghiệp chịu tác động nghiêm trọng. Hầu hết các công ty, doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, du lịch lâm vào tình cảnh bị hủy tour, nhu cầu khách đặt đoàn giảm đáng kể, các điểm du lịch không thể mở cửa đón khách tham quan.
Tại khu du lịch Hieu’s Cottage, huyện Phong Điền, có diện tích hoạt động khoảng 15.000m2, theo ghi nhận của phóng viên, bảng thông báo “Tạm ngưng đón khách để phòng, chống dịch Covid” được treo ngay cổng vào khu du lịch. Ông Nguyễn Hồng Hiếu, Giám đốc kiêm nhà sáng lập của Hieu’s cottage chia sẻ, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khu du lịch Hieu’s cottage phải gián đoạn hoạt động nhiều lần. Đặc biệt, với lần bùng phát dịch thứ 4 này, hoạt động đón tiếp khách hoàn toàn “tê liệt”.
Ông Hiếu cho biết, doanh nghiệp chỉ có chi chứ không có thu do vẫn duy trì cơ cấu hoạt động của các bộ phận, vẫn hỗ trợ khách hàng online, cập nhật các thông tin kịp thời đến khách hàng khi cần. Việc tổ chức các chương trình tour đến các tinh thành lân cận bằng đường bộ hoặc đường thủy là bế tắc.
Nông trại sạch Cần Thơ – Can Tho Farm cũng chịu số phận không thể đón khách đến tham quan. Thu nhập không có, nhưng chi phí thức ăn cho cá, phân bón, nhân công chăm sóc… vẫn không thay đổi
Việc không có khách đến khu du lịch đồng nghĩa với nguồn thu vào không có, nhưng chi phí hoạt động lại không thể không chi. Đó cũng là khó khăn tại Nông trại sạch Cần Thơ – Can Tho Farm (quận Bình Thủy), khi tất cả hoạt động đón tiếp khách đã được ngưng hoàn toàn để phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Phong, điều hành Cần Thơ Farm cho biết, nông trại có diện tích hơn 7.000 m2, gồm khu trưng bày đặc sản Ðồng bằng sông Cửu Long, quầy kinh doanh thực phẩm sạch, khu vực trồng rau sạch thủy canh và địa canh, nhà ươm cây giống, nhà trồng dưa lưới, nhà trồng nho, táo… cùng diện tích mặt nước nuôi cá.
Với quy mô như vậy, việc ngừng đón khách khiến nông trại rơi vào tình trạng khó khăn. Thu nhập không có, nhưng chi phí thức ăn cho cá, phân bón, nhân công chăm sóc… vẫn không thay đổi. Hơn thế nữa, do mô hình nông trại cung cấp nông sản phục vụ cho nhu cầu tại chỗ của khách tham quan, nên việc không có khách còn khiến nông sản đến kỳ thu hoạch như dưa lưới, rau sạch…bị ùn ứ, hư hỏng do không thể bảo quản được dài ngày.
Không chỉ các khu du lịch sinh thái bị ảnh hưởng, mà du lịch cộng đồng tại Cần Thơ cũng chịu chung “số phận”. Điển hình như tại Làng Du lịch cộng đồng Cồn Sơn. Do là mô hình du lịch cộng đồng, mọi người cùng chung tay làm du lịch, cùng chia sẻ lợi nhuận, nên khi doanh thu không còn, tất cả mọi nhà đều bị ảnh hưởng.
Những vườn cây trái là điểm đến thường xuyên của du khách, giở cũng phải bán thành phẩm giá rẻ, để duy trì trong khi du lịch bị "đóng băng"
Bà Phan Kim Ngân (Nghệ nhân Bảy Muôn), Chủ nhiệm CLB Liên thế hệ tự giúp nhau làm du lịch, Làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn, cho biết, cái khó khăn lớn nhất là các hướng dẫn viên cho các khu du lịch cộng đồng tạm mất việc hàng loạt. Họ phải xoay đủ nghề để kiếm sống và sự hỗ trợ của chủ các khu du lịch không đủ “cầm hơi”:
Dịch bệnh khiến mọi “lối đi” đều trở nên khó khăn đối với doanh nghiệp cũng như lao động lĩnh vực du lịch. Là một người có nhiều năm trong nghề hướng dẫn viên, anh Trần Trí Trung, cộng tác đơn vị Công ty du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ chia sẻ, chưa bao giờ đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chật vật, khó khăn như hiện nay, nhất là đối với đội ngũ hướng dẫn viên tự do. Không có hợp đồng lao động với doanh nghiệp nào, đồng nghĩa với việc không được đóng bảo hiểm, không có sự hỗ trợ, giúp đỡ của doanh nghiệp trong lúc thất nghiệp.
Đóng cửa, mất nguồn thu, nhân lực bị ảnh hưởng… đã và đang là những nút thắt kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp và du lịch Cần Thơ.
Khai thác tài nguyên bản địa – Hướng mở cho du lịch Cần Thơ hậu Covid-19
Trong cái khó ló cái khôn, đợt bùng phát dịch lần này kéo dài, các doanh nghiệp đồng lòng biến “thời gian nghỉ dịch” thành chuỗi hoạt động tự chỉnh trang lại “bộ mặt”.
Tại Nông trại sạch Cần Thơ – Can Tho Farm, tiếp chúng tôi trong khu nhà màng trồng nho, ông Nguyễn Văn Phong, điều hành Cần Thơ Farm cho biết, hướng đi mới của nông trại là khi mở cửa đón khách trở lại, các khu cây giống với nhiều loại trái mới chính là điểm cho khách tham quan, chụp hình, thu hoạch và thưởng thức tại chỗ; còn nếu đóng cửa như hiện nay thì khu thực nghiệm sẽ trở thành nguồn cung cấp cây giống, bán hàng và tư vấn trồng trọt theo hình thức online. Tất cả các cây giống này đều được cam kết đã qua công đoạn thuần chủng hơn 2 năm để thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở ĐBSCL.
Ông Nguyễn Văn Phong, điều hành Cần Thơ Farm đang kiểm tra lại các giống nho trồng trong nông trại chuẩn bị mở cửa số lượng lớn các loại trái cây, rau củ tươi để đón khách
Tại khu du lịch Hieu’s Cottage, huyện Phong Điền, chúng tôi cũng ghi nhận có nhiều nhóm nhỏ nhân viên đang thực hiện các công việc chỉnh trang, tu sửa, xây mới các tiểu cảnh. Theo ông Nguyễn Văn Nhung, Quản lý khu du lịch Hieu’s Cottage, để tạo sức hút khi quay trở lại sau dịch, Hieu’s Cottage đang triển khai nhiều hạng mục “lần đầu tiên có mặt tại Cần Thơ”, như khu Yoga sky cao 15m, trong khuôn viên 200m2, khách lưu trú sẽ đến để tập yoga với thầy hướng dẫn, nhâm nhi ly cà phê; Sân golf mini 3 lỗ, rộng gần 3.000m2; Khu vườn rau sạch và cây dược liệu…
Ngoài ra, Hieu’s Cottage còn đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị “ra mắt” các mô hình “Staycation - Du lịch tại chỗ” như chợ quê, biểu diễn võ thuật Vovinam, workshop nghệ thuật và không gian giới thiệu nét văn hóa nghệ thuật của các dân tộc sinh sống tại ĐBSCL… đảm bảo du khách không lúc nào “rảnh rỗi” hay nhàm chán.
Hieu’s Cottage còn đang trong quá trình hoàn thiện để chuẩn bị “ra mắt” các mô hình chợ quê, biểu diễn võ thuật Vovinam, workshop nghệ thuật và không gian giới thiệu nét văn hóa nghệ thuật của các dân tộc sinh sống tại ĐBSCL
Bên cạnh việc đẩy mạnh mô hình du lịch khai thác thêm tiềm năng sẵn có với nhiều hình thức và vùng tư liệu mới, mô hình du lịch “sinh thái – cộng đồng” cũng đang được khoác tấm áo mới với sự đầu tư bài bản hơn. Tại Cù lao Tân Lộc, bên cạnh những vườn cây ăn trái như các vùng khác, nơi đây đang được định hướng phát triển sản phẩm du lịch dựa trên thế mạnh ở các “xóm nghề” như xóm giăng câu, thả lưới; xóm làm mắm cá tra;…
Tại Cồn Sơn, cộng đồng du lịch đang được định hướng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù về ẩm thực, như bánh tét hồng đẳng sâm, lẩu nhiệt đới cung đình thực dưỡng… kết hợp các mô hình tham quan “độc quyền” của cồn với tên gọi “Cồn Sơn hồi đó” và “Cồn Sơn ngày mới”.
Nghệ nhân Lê Thị Bé Bảy, một trong các hộ thuộc Làng du lịch cộng đồng Cồn Sơn bày tỏ, “Cồn Sơn hồi đó” mang ý nghĩa sâu hơn, thích hợp với những người muốn tìm hiểu giá trị tinh thần, giá trị văn hóa khi đến vùng đất nào đó. Còn “Cồn Sơn ngày mới” là trải nghiệm những điều mới “giật gân” và ghi dấu điều đó trong lòng. Cồn Sơn là nơi thu hút cả hai nguồn khách: khách nội địa và khách quốc tế, nhưng theo hai lối đi riêng, một cách đa dạng hóa dịch vụ trên một diện tích đất và những con người giống nhau.
Đợt bùng phát dịch lần này kéo dài lâu hơn dự tính, lại diễn biến khó lường. Các doanh nghiệp đồng lòng biến “thời gian nghỉ dịch” thành chuỗi hoạt động tự chỉnh trang lại “bộ mặt”
Ngoài việc triển khai các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng, đề án bảo tồn và phát triển di sản văn hóa phi vật thể, mô hình du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, khen thưởng, sự kiện, triển lãm)… ngay khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ đã tham gia Hội chợ Du lịch Quốc tế Busan năm 2021 theo hình thức trực tuyến với gian hàng có chủ đề “Cần Thơ, Việt Nam - đô thị miền sông nước”.
Cần Thơ đã cung cấp cho Ban tổ chức Hội chợ các bài viết, ấn phẩm giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, điểm đến hấp dẫn của du lịch Cần Thơ, ảnh và video về các điểm đến tại Cần Thơ như chợ nổi Cái Răng, bến Ninh Kiều, chợ nổi Phong Điền, nhà cổ Bình Thủy…
Người làm du lịch tại cộng đồng Cồn Sơn đảm bảo các sản phẩm miệt vườn, trải nghiệm thực tế sẽ thu hút khách khi được mở cửa hoạt động lại
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ cho biết, ngoài tham gia các hội chợ trực tuyến, Sở sẽ phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực ngành du lịch. Sở cũng tham mưu Ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn các khu điểm vườn và cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố để đảm bảo điểm đến an toàn cho du khách.
Sự vào cuộc tích cực từ hai phía là cơ quan quản lý và doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tạo cú hích đưa “ngành công nghiệp không khói” tại Cần Thơ sớm ổn định và phát triển đầy sáng tạo trong giai đoạn “bình thường mới” sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt./.
Nguyễn Đắc Hồng Phương/VOV ĐBSCL
Chiều 20/7, tại Cần Thơ, UBND thành phố phối hợp cùng Bộ Du lịch Vương quốc Campuchia tổ chức xúc tiến quảng...
Trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch “Văn hóa chợ nổi Cái Răng” năm 2022, UBND quận Cái Răng, TP Cần Thơ đã phối...
Chiều nay 21/4, UBND quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ tổ chức họp báo về hoạt động ra mắt tuyến phố đi bộ vào dịp...
Sau lễ khánh thành công trình Đền thờ Vua Hùng vào tối ngày 6/4, từ ngày 7/4, công trình mở cửa đón người dân...
Trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ IX tại Cần Thơ, Hội thi Bánh dân gian Nam bộ năm 2022...
Tối 7/4, tại quảng trường Bình Thủy, Cần Thơ, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND TP. Cần Thơ...
Sau một thời gian dài dừng hoạt động vì dịch bệnh, ngày 19/2, tàu cao tốc Mai Linh Express đã tái khởi động...
Sáng 7/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ tổ chức cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức các hoạt...
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, TP Cần Thơ sẽ không tổ chức đường hoa...
Trong bối cảnh chịu sự tác động của dịch Covid-19, các nền tảng số, ứng dụng trực tuyến là một gợi ý cho...
Sở Giao thông vận tải TP. Cần Thơ vừa thông báo mở lại hoạt động tuyến vận tải hành khách cổ định liên tỉnh...
Hậu Covid-19, nhiều doanh nghiệp du lịch ở Cần Thơ đã không chịu đầu hàng dịch bệnh, đang chủ động chuyển...