Quá trình phát triển "kinh tế ban đêm" ở Trung Quốc
Những khu phố ẩm thực rực rỡ, tấp nập về đêm
Ở Trung Quốc, Bắc Kinh không phải là thành phố đầu tiên chú trọng phát triển “kinh tế ban đêm”, nhưng đằng sau những bước đi mạnh mẽ của Bắc Kinh, thủ đô của đất nước tỷ dân, là xu thế phát triển đồng loạt loại hình kinh tế này của nhiều thành phố lớn trong cả nước Trung Quốc. Nếu như đối với Bắc Kinh hay Thượng Hải, đây là những bước đi đầu tiên, thì với những địa phương "đời đầu", đây là phiên bản "kinh tế ban đêm" 2.0. Và sau nhiều năm, giờ đây, hàng loạt các thành phố của Trung Quốc đã có chung nhận thức rằng, thị trường của "kinh tế ban đêm" là một "đại dương xanh" (blue ocean), thuật ngữ được sử dụng trong kinh tế để chỉ một thị trường có tiềm năng phát triển mạnh. |
Mặc dù Trung Quốc bắt đầu phát triển “kinh tế ban đêm” từ đầu những năm 1990, nhưng phải đến năm 2004 chính sách phát triển loại hình kinh tế này mới chính thức xuất hiện tại thành phố Thanh Đảo, và phải 6 năm sau đó, tức 2010, mới tiếp tục xuất hiện ở Hà Bắc, một tỉnh tiếp giáp Bắc Kinh. 4 năm sau, Trùng Khánh, thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất ở miền Tây Trung Bộ Trung Quốc và Ninh Ba, thành phố cảng lớn thứ 3 thế giới thuộc tỉnh Chiết Giang tiếp tục cho ra đời chính sách tương tự.
Đánh giá về điều này, ông Bạch Minh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường quốc tế của Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng: “Ban đêm chính là không gian. Ở đó, chính phủ tạo sân chơi, doanh nghiệp và người tiêu dùng tham gia. Điều này đem lại nhiều lợi ích giúp nền kinh tế bản địa năng động hơn.”
Kể từ năm 2017 đến nay, đặc biệt là năm 2019, một loạt thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải đã lần lượt công bố những biện pháp và chính sách cụ thể nhằm phát triển “kinh tế ban đêm”. Dự báo, trong tương lai rất có thể sẽ còn nhiều nơi khác cũng ra nhập đội quân này. Theo phân tích của các chuyên gia Trung Quốc, dù còn không ít vấn đề và khó khăn, song “kinh tế ban đêm” có thể giúp nước này kéo dài thời gian hoạt động kinh tế, nâng cao hiệu xuất sử dụng hạ tầng, khuyến khích sáng tạo văn hóa, tạo thêm việc làm, kéo dài thời gian níu giữ du khách, nâng mức tiêu dùng và kéo theo sự phát triển về kinh tế.
Vì sao Trung Quốc phát triển "kinh tế ban đêm" vào lúc này?
Phố đi bộ kết hợp ẩm thực, mua sắm - mô hình thường thấy của tiêu dùng ban đêm ở Trung Quốc
Bên cạnh những phân tích trên, lý do nào thúc đẩy các đô thị, đặc biệt là hai siêu đô thị gồm Bắc Kinh và Thượng Hải lại cùng lúc tập trung sự chú ý vào "kinh tế ban đêm" khi nó đang đặt ra nhiều bài toán hóc búa về quản lý và an ninh đô thị, cũng như còn nhiều hoài nghi về hiệu quả kinh tế trên thực tế?
Nhiều chuyên gia Trung Quốc cho rằng, cuộc sống về đêm có thể phản ánh sự hiện đại, năng động và phồn thịnh về kinh tế của một thành phố. Sau nhiều năm tập trung phát triển kinh tế ban ngày, giờ đã đến lúc Trung Quốc cần phát triển “kinh tế ban đêm”.
Bà Triệu Bình, nghiên cứu viên Viện nghiên cứu thuộc Ủy ban xúc tiến mậu dịch quốc tế Trung Quốc (CCPIT) nói: “Tại sao rất nhiều thành phố ở Trung Quốc đều đề cập tới phát triển kinh tế ban đêm? Bởi điều này có quan hệ trực tiếp tới giai đoạn phát triển. Kinh tế ban đêm là sự kéo dài tự nhiên của kinh tế ban ngày. Hiện nay, nền kinh tế ban ngày của Trung Quốc xét về quy mô đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ngoài thị trường tiêu thụ cũng đứng thứ 2 thế giới, thì quy mô tiêu dùng hiện nay nếu so với Mỹ là thị trường số 1, Trung Quốc chỉ kém dưới 0,5. Với quy mô như vậy, động lực tăng trưởng của chúng tôi còn rất lớn. Rất nhiều cơ hội, nhu cầu và quan điểm phát triển của kinh tế ban ngày cần được tiếp tục với kinh tế ban đêm.”
Bên cạnh đó, theo một số báo cáo và nghiên cứu của Trung Quốc, khoảng 60% các khoản chi tiêu ở nước này phát sinh vào ban đêm. Trong khi đó, theo số liệu thống kê kinh tế 6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tiêu dùng tiếp tục đóng góp hơn 60% cho tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Trong dịp nghĩ lễ 1/5 năm nay, tiêu dùng ban đêm cũng chiếm gần 30% tổng tiêu dùng trong ngày của nước này.
Phát triển "kinh tế ban đêm" liệu có đem lại hiệu quả?
Cũng có những quán ăn sáng đèn nhưng vắng khách khi đêm về
Mặc dù “kinh tế ban đêm” đã đem lại hiệu quả cho một số thành phố ở Trung Quốc, như việc tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn về đêm tại một số nơi thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia, nhưng cũng có những thành phố dù đã phát triển “kinh tế ban đêm” nhiều năm những vẫn chưa có đột phá.
Thạch Gia Trang, thủ phủ của tỉnh Hà Bắc, ngay cạnh Bắc Kinh đã ra chính sách 10 năm nay, song “kinh tế ban đêm” vẫn chưa thực sự phát triển. Ông Đỗ Thiết Hành, quan chức Sở Thương mại thành phố Thạch Gia Trang chia sẻ về những khó khăn đang gặp phải: “Thứ nhất, Thạch Gia Trang là một thành phố miền Bắc điển hình, độ năng động của kinh tế ban đêm vào mùa hè rất cao, nhưng mùa xuân, mùa thu vì thường xuyên có gió, thời tiết lúc nóng lúc lạnh, nên ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế ban đêm. Sau nhiều năm cố gắng, mùa xuân và mùa thu đã có khởi sắc, nhưng mùa đông vì thời tiết khô, nên vẫn thiếu năng động. Ngoài ra, vì Thạch Gia Trang không phải là điểm đến du lịch, tiêu dùng ban đêm chủ yếu là của người dân địa phương. Còn nữa, Thạch Gia Trang là thành phố mới nổi, những yếu tố ngoài thương mại còn thiếu, đặc biệt là thiếu những khu phố thương mại đặc sắc có chiều sâu lịch sử, văn hóa.”
Những vấn đề về quy hoạch, hạ tầng cơ sở và dịch vụ, quản lý và an ninh đô thị đang đặt ra nhiều bài toán nan giải cho các địa phương mong muốn phát triển “kinh tế ban đêm” ở Trung Quốc. Doanh nghiệp dù được trợ cấp, nhưng nếu kinh doanh gặp khó khăn, họ cũng sẽ khó có thể đồng hành cùng chính quyền trong việc vực dậy “kinh tế ban đêm”.
Tuy nhiên, người Trung Quốc có một câu nói khá nổi tiếng: “Đường đi ngàn dặm, bắt đầu từ bước đầu tiên”, để vươn tới mục tiêu đã chọn, không còn cách nào khác họ phải tìm tòi những hướng đi mới và bắt tay vào làm. Trong khi đó, phát triển “kinh tế ban đêm” có thể giúp Trung Quốc chứng minh độ mở của nền kinh tế trong quá trình đi sâu cải cách mở cửa, giữ vững phát triển kinh tế trong nước, kích cầu và tiêu dùng nội địa, tạo thêm công ăn việc làm..., hay nói cách khác là giúp họ “làm tốt công việc của mình” như lời các lãnh đạo Trung Quốc thường nói, nhằm đối phó với những yếu tố bất định và thay đổi khó lường của tình hình thế giới./
Bích Thuận/VOV Bắc Kinh
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...