Để sống và chiến đấu trong điều kiện bom đạn chiến tranh vô cùng khốc liệt, quân và dân xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh đã đào địa đạo sâu trong lòng đất để trú ẩn, vừa chiến đấu, phục vụ việc vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường.
Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, với hơn 100 địa đạo là một kỳ tích của quân và dân Vĩnh Linh, Quảng Trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tuy nhiên, trải qua thời gian và tác động của thiên nhiên khắc nghiệt, phần lớn địa đạo đã trở thành phế tích, ít ai biết đến.
Địa đạo Mũi Si có chiều dài khoảng 500m, nhưng do bom đạn khiến địa đạo bị chia cắt
Trong số này, địa đạo Vịnh Mốc là công trình làng hầm độc đáo được quân và dân đào để sống và chiến đấu trong những năm chống Mỹ. Ngày nay, địa đạo Vịnh Mốc đang được bảo tồn, tôn tạo và trở thành một địa chỉ du lịch hấp dẫn, đã được công nhận là di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.
Đoạn địa đạo khoảng 200m thường có khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu
Địa đạo Mũi Si ở thị trấn Cửa Tùng (trước đây thuộc xã Vĩnh Thạch) hiện tồn tại gần như nguyên trạng, nhưng ít ai biết đến. Địa đạo Mũi Si được quân và dân xã Vĩnh Thạch đào trong những năm chống Mỹ để trú ẩn, vừa chiến đấu, phục vụ việc vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường.
Khung cảnh êm đềm tại Mũi SiKhu vực bãi biển với ghềnh đá khá đẹp thu hút giới trẻ đến tham quan
Mũi Si thuộc dải đất đỏ nhô ra biển khá tuyệt đẹp, là điểm đến lý tưởng của giới trẻ trên con đường tham quan Cửa Tùng, địa đạo Vịnh Mốc.
Ông Phan Văn Trung nhớ lại những năm tháng đào địa đạo để trú ẩn và đánh giặc
Ông Phan Văn Trung (86 tuổi, ở thôn Thạch Bắc), là một trong những người mở nhát cuốc đầu tiên mở địa đạo Mũi Si. Ông Trung cũng là người chỉ huy Trung đội dân quân Thạch Trung, xã Vĩnh Thạch đào địa đạo này.
Ông Trung kể: “Địa đạo Mũi Si được đào năm 1967, trong điều kiện chiến tranh rất ác liệt. Khu vực này luôn hứng chịu lượng lớn bom đạn từ trên không trút xuống, phía Hạm đội ngoài biển bắn vào.
Trong giai đoạn chiến tranh, lệnh cấp trên yêu cầu mọi người dân phải sơ tán để bảo toàn tính mạng. Lực lượng dân quân du kích, trong đó có tôi ở lại bám đất giữ làng, tiếp tục chiến đấu. Xã Vĩnh Thạch là một trong những điểm tập kết quân lực, vũ khí, hàng hóa chi viện cho bờ Nam và tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ. Vì thế, nơi đây được coi là “tọa độ chết”, mục tiêu hủy diệt của máy bay và tàu chiến Mỹ. Theo chủ trương của Huyện đội Vĩnh Linh, nhân dân và lực lượng vũ trang đào hầm để trú ẩn, vừa chiến đấu, vừa sản xuất”.
Phần cửa địa đạo hướng ra biển
Bằng sức người, trí thông minh sáng tạo và ý chí “một tấc không đi, một ly không dời”, quân và dân xã Vĩnh Thạch đã kiến tạo nên hệ thống địa đạo đồ sộ để chuyển toàn bộ cuộc sống xuống lòng đất.
“Cả trung đội phải thắp đèn dầu thay phiên nhau đào cả ngày lẫn đêm, đào không ngừng nghỉ. Ban đầu, dự kiến đào ra nhiều hướng, nhưng khi đào được 3 hướng thì phải ngừng lại. Địa đạo được nghiên cứu đào cách mặt đất 2m để vừa đổ đất, thoát nước và tránh ngập. Đất đổ ra biển gặp sóng cuốn đi để tránh bị địch phát hiện”, ông Trung cho biết.
Cửa địa đạo giúp cho không khí bên trong được điều hòa
So với Vịnh Mốc thì địa đạo Mũi Si có quy mô nhỏ hơn với chiều dài khoảng 500m, gồm 3 cửa ra vào và 1 cửa thông hơi hướng ra biển. Trong địa đạo có đoạn mở rộng để làm nơi họp, có chỗ để nghỉ, giếng nước. Mặc dù quy mô không lớn, cấu trúc không phức tạp nhưng do điều kiện địa chất đất đá xen lẫn, các phương tiện kỹ thuật thô sơ và phải đào trong tình thế bom đạn đánh phá ác liệt nên quân và dân thôn Thạch Bắc và xã Vĩnh Thạch đã phải khắc phục rất nhiều khó khăn gian khổ để hoàn thành công trình này.
Theo ông Trung, việc đào địa đạo với mục đích trước hết là bảo vệ lực lượng; bảo vệ địa bàn, không cho quân địch vào bên trong, phục vụ vận chuyển lương thực, vũ khí vào chiến trường miền Nam thông qua bến đò Tùng Luật, phục vụ cho các đơn vị pháo.
Địa đạo Mũi Si hoàn thành đã góp thêm một công trình quan trọng trong hệ thống làng hầm Vĩnh Linh. Địa đạo này mặc dù mang đầy đủ tính chất của hầm hào, nhưng đã phát huy hiệu quả to lớn trong việc trú ẩn, nơi họp bàn triển khai tiến công và chiến đấu của lực lượng quân, dân địa phương.
Địa đạo Mũi Si là công trình thể hiện ý chí, quyết tâm của quân và dân trong thời điểm chiến tranh ác liệt
Trong những năm sau đó, quân và dân thôn Thạch Bắc, xã Vĩnh Thạch đã tổ chức thắng lợi công cuộc sản xuất, chiến đấu và phục vụ chiến đấu, triển khai đánh địch trên biển, trên không, góp sức cùng các lực lượng giải phóng quê hương.
Địa đạo Mũi Si đã phát huy hiệu quả to lớn trong những năm chiến tranh và chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa. Địa đạo là công trình của sự đoàn kết, ý chí sắt đá, kiên trì vượt qua khó khăn, gian khổ của quân và dân để đương đầu, chiến đấu với kẻ thù.
Ông Trung trăn trở, hiện ở Vĩnh Linh không còn nhiều những địa đạo tồn tại đến bây giờ, ngoài địa đạo Vịnh Mốc. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp bảo tồn di tích nhằm phát huy giá trị giáo dục cho thế hệ sau, vừa phát triển du lịch.
Đ. Đức, dantri.com.vn
Tối 12/7, tại bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn, đông đảo các cựu chiến binh, cán bộ, nhân dân, đoàn viên...
Ngày 24/11, theo thông tin từ Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị, UBND tỉnh này đã ban hành Kế hoạch triển khai...
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 746/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ,...
Chiều 2/5, tại Khu dịch vụ - Du lịch Cửa Việt, huyện Gio Linh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị hợp tác...
Sáng ngày 22/10, tại Nhà thi đấu đa năng ở đường Trường Chinh, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị đã diễn ra...
Sau khi mưa tạnh, nước lũ tạm rút, hàng đoàn xe cứu trợ của nhiều tổ chức, nhà hảo tâm tìm đến giúp dân các...
Tranh thủ trời tạnh mưa, nước dần rút, các đơn vị Quân đội đã hành quân đến các điểm trường, trung tâm y tế…...
Sáng nay (20/10), trên địa bàn tỉnh Quảng Trị trời mưa trở lại, nước trên các sông xuống chậm, dưới báo động...
Sáng 19/10, ngay sau khi thông đường vào khu vực bị sạt lở ở xã Hướng Phùng, huyện...
Chỉ trong vòng 10 ngày, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị xuất hiện 4 đợt lũ đặc biệt lớn gây thiệt hại nặng nề về...
Chiều nay (18/10), lực lượng tìm cứu hộ cứu nạn tỉnh Quảng Trị hoàn tất chuẩn bị các khâu đưa thi thể các cán...
Hôm nay (18/10), Đoàn công tác Đài Tiếng nói Việt Nam do ông Vũ Hải Quang, Phó Tổng Giám...