Tin tức

Nếp sống đặc biệt ngày Tết của gia đình danh giá ở Hà Nội xưa

10:59 - 10/02/2021
Ngày mùng 3 Tết, gia đình bà Yến thường có món bún thang đãi khách. Món ăn vừa giúp mọi người giải tỏa sự ngán ngấm của mỡ hành, vừa thể hiện sự tinh tế trong ẩm thực của người Hà Nội xưa.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1941 - Hoàn Kiếm, Hà Nội) là con gái của nhà báo Nguyễn Tường Phượng (1899 - 1974) chủ bút tạp chí Tri Tân.

Trong ký ức của bà, Tết ở Hà Nội giai đoạn thập niên 1950 của thế kỷ trước luôn là những kỷ niệm đẹp. Thời điểm đó, bà mới ở độ tuổi lên 10.

Hoài niệm Tết xưa

Với gia đình bà Yến, Tết bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp. Sau khi tiễn ông Công ông Táo về chầu trời, mọi người chuẩn bị dọn dẹp và sắm sửa Tết. Cha và anh trai phụ trách lau dọn ban thờ. "Quan niệm Á Đông, con trai luôn là người phụ trách nhang khói. Cha tôi là người rất coi trọng chuyện này nên ban thờ nhà tôi chỉ do cha và anh làm", bà Yến bắt đầu kể.

Mẹ bà lên chợ Đồng Xuân mua hoa quả, mứt sen, trà biếu Tết nội - ngoại, họ hàng và những người đã giúp đỡ mình

Trà biếu là loại hảo hạng, đựng trong lọ thủy tinh, bọc giấy đỏ của tiệm Chính Thái - tiệm trà nổi tiếng nhất Hàng Ngang. Thời ấy, gia đình bà sống trong căn biệt thự ở 21 Trần Hưng Đạo (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Nhiều người nghĩ, gia đình danh giá như vậy sẽ đón Tết rất to. Tuy vậy, bà chia sẻ hai cụ thân sinh của bà có lối sống giản dị.

"Cha mẹ tôi thường nói, Tết không phải là dịp để khoe khoang, thể hiện sự giàu có. Tết là dịp để sum họp, gắn kết và là khởi đầu cho một năm mới nhiều may mắn", bà Yến nhớ lại. Việc trang hoàng nhà cửa đón Tết, đặc biệt là phòng khách - nơi tiếp đón khách được vợ chồng nhà báo Nguyễn Tường Phượng chú trọng hơn cả.

"Phòng khách được coi như linh hồn của một ngôi nhà, cho thấy gu thẩm mỹ và gia cảnh của chủ nhà, nên nơi này rất được chú trọng", bà nói. Mẹ của bà Yến thường mua một chậu cúc vàng đặt trên đôn sứ, cành đào nhỏ xinh và chậu hoa thủy tiên bày trên bàn tiếp khách.

"Cây to, nhỏ không quan trọng, cốt làm sao chúng có dáng thế đẹp. Năm nào, mẹ tôi chỉ mua đúng ba loại hoa đó, nhìn đơn giản mà vẫn phảng phất không khí Tết", nhà nghiên cứu Hải Yến xúc động nói.

Gia đình bà Yến có lệ, chiều 30 Tết cả gia đình sẽ quây quần bên mâm cơm, tổng kết một năm đã qua 

Sáng mùng Một, cha mẹ bà Yến dậy từ sớm, sắp xếp mâm cơm cúng. Mùi nhang thơm quyện với hương hoa, thêm cái se se lạnh của đất trời khiến thời gian như lắng đọng. Hình ảnh cha mẹ kính cẩn đứng trước ban thờ khấn vái vào ngày đầu tiên của năm mới là khoảnh khắc ấm áp theo bà suốt nhiều năm tháng. Cha mẹ bà Yến nhờ người họ hàng sống tại 46 Thợ Nhuộm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) có con cái thành đạt, giỏi giang đến xông đất lấy may.

Về trang phục mặc Tết, phụ nữ Hà Nội những năm giữa thế kỷ 20 thường mặc áo dài, đàn ông mặc vest, quần âu. Trang phục thể hiện nếp sống thanh lịch của người dân thị thành Hà Nội. Vào ngày Tết, người ta dễ bắt gặp những thiếu nữ trẻ trung, tóc thả xuống như dòng suối óng ả. Họ mặc áo dài màu hoàng yến, trắng... Phụ nữ trên 30 tuổi mặc áo dài nhung màu đỏ, be vàng phối với quần lụa đen.

Trong ký ức của bà, vào dịp Tết, thời tiết Hà Nội thường dịu mát. Mọi người đi bộ du xuân, không có xe máy, xe ô tô như bây giờ. Trên đường chỉ loáng thoáng vài chiếc xích lô, xe kéo… Cảm giác rất thanh bình và nhẹ nhàng, ai gặp nhau ngoài dường dù không quen biết cũng lịch sự chào nhau, chúc năm mới tốt lành.

"Tôi diện áo dài, đi giày nhung đỏ, đeo kiềng bạc lấp lánh, mái tóc kẹp hai bên, cùng mẹ lên phố cổ chúc Tết. Vì họ hàng nhà tôi ở Lãn Ông, Hàng Đào, Hàng Ngang rất đông", bà bồi hồi kể.

Món ăn đặc biệt

Món ăn là nét đặc trưng, tạo nên hương sắc Tết, với gia đình bà Yến cũng vậy. Sau khi khoản quà cáp, biếu xén xong xuôi, mẹ bà Yến bắt đầu đi mua tôm he, mực, bào ngư, gà, cá... phục vụ cỗ cho gia đình.

Cụ là mẫu phụ nữ truyền thống, hội tụ đủ công, dung, ngôn, hạnh. Nhà có đầu bếp nhưng các bữa cỗ chính, bao giờ cụ cũng phụ trách nấu nướng.

Bát đĩa cúng dùng loại riêng, cùng màu sắc, đũa ngà. Trên mâm bày theo nguyên tắc bốn bát sáu đĩa, mỗi thứ chỉ một chút đủ ăn, không được quá đầy 

Bà Yến là con gái duy nhất nên được mẹ dạy nữ công gia chánh nghiêm khắc. Mỗi lần mẹ vào bếp, bà đứng bên cạnh học và hỗ trợ.

Các món nấu như khoai tây, su hào, củ cải thái đều nhau, không to quá, không bé quá. "Mẹ tôi dạy, nếu cắt không đều, khi nấu miếng bé sẽ bị nhừ, miếng to lại sống. Như vậy, món ăn sẽ không ngon", bà Yến nói. Riêng món mực, gia đình bà Yến chỉ ăn vào ngày 30 Tết và trước thời khắc Giao Thừa. Một khoanh giò được chia thành 8 miếng hoặc 6 miếng đều tăm tắp. Tôm he bóc nõn, măng thẻ cắt vuông như bao diêm.

"Mẹ tôi cẩn thận bày mỗi bát một miếng măng, nhỏ nhỏ xinh xinh", bà Yến cho hay. Mỗi khi có khách ăn cơm, đàn ông sẽ ngồi ở bàn, còn phụ nữ ngồi ở sập gỗ, trên kê chiếc mâm đồng có chân khắc họa tiết "Tùng, Cúc, Trúc, Mai".

"Chúng tôi được cha mẹ dạy, ngồi ăn phải mời người lớn, ăn nhẹ nhàng lấy vui chứ không lấy no. Đặc biệt, không được phát ra tiếng húp sột soạt", nhà nghiên cứu 79 tuổi chia sẻ.

Món ăn đơn giản nhưng đặc biệt nhất có lẽ là bún thang. Bát bún thang nhỉnh hơn bát ăn cơm và có nắp đậy. Món hay được ăn vào ngày mùng 3 Tết, khi mọi người đã ngấy thịt mỡ, bánh chưng, nem gián… Trong bát bún, màu sắc được chú trọng, trứng tráng mỏng, giò, thịt gà thái chỉ, rau răm, tôm he bóc vỏ, đảo qua rồi dùng kim băng khía cho bông lên. Năm màu sắc hiện lên trên bát bún một cách hài hòa, màu xanh của rau răm được đặt ở chính giữa tạo điểm nhấn.

Ngoài bát bún, gia chủ chuẩn bị thêm đĩa củ cải dầm ăn kèm. Cuối bữa cỗ ngày mùng 3, mẹ bà Yến gọi người giúp việc mang bát bún đã chuẩn bị sẵn, chan nước dùng nóng hổi lên và bưng ra mời khách. Món bún thang ngày thường sẽ có chút mắm tôm nhưng ngày Tết, loại gia vị này sẽ được bỏ đi. Vì theo quan niệm dân gian, đầu năm ăn mắm tôm sẽ gặp điều đen đủi.

"Cha tôi giải thích, chữ Thang trong Đông y có nghĩa là các thang thuốc. Khi bốc thuốc, người ta lấy từng loại, làm thành 1 thang. Bún thang có nghĩ là nhiều món kết hợp", người phụ nữ lớn tuổi cho hay.

Theo Dân trí

Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV

Tin tức liên quan

Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam và nhãn hàng Doppelherz
Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam và nhãn hàng Doppelherz

06/11/2023

Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...

Có gì ở Seoul Land – Công viên giải trí đầu tiên của Hàn Quốc?
Có gì ở Seoul Land – Công viên giải trí đầu tiên của Hàn Quốc?

09/10/2023

Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...

Ấn tượng Lễ Trao giải Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023
Ấn tượng Lễ Trao giải Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023

19/03/2023

Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...

Nhìn lại 18 sắc màu trong đêm Chung kết Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023
Nhìn lại 18 sắc màu trong đêm Chung kết Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm 2023

18/03/2023

Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...

Phiên chợ Vùng cao và những nét đặc trưng Tây Bắc
Phiên chợ Vùng cao và những nét đặc trưng Tây Bắc

17/03/2019

“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...

Đắm say sắc trắng hoa sưa giữa trời Hà Nội
Đắm say sắc trắng hoa sưa giữa trời Hà Nội

22/02/2023

Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.

Học sinh Hà Nội so tài nhảy đối kháng tại sàn đấu HBDC Konnect 2023
Học sinh Hà Nội so tài nhảy đối kháng tại sàn đấu HBDC Konnect 2023

20/02/2023

Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...

Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp (Điện Biên) trở thành di tích quốc gia
Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp (Điện Biên) trở thành di tích quốc gia

31/03/2019

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...

Infographics: Người dân khi bị mắc COVID-19 sẽ được hưởng những quyền lợi gì?
Infographics: Người dân khi bị mắc COVID-19 sẽ được hưởng những quyền lợi gì?

14/02/2023

Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...

Infographics: Toàn cảnh trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria
Infographics: Toàn cảnh trận động đất Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

10/02/2023

Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...

Hàn Quốc: Giới trẻ chạy theo trào lưu mua hàng xa xỉ theo người nổi tiếng
Hàn Quốc: Giới trẻ chạy theo trào lưu mua hàng xa xỉ theo người nổi tiếng

08/02/2023

Độ tuổi người tiêu dùng các nhãn hiệu cao cấp tại Hàn Quốc ngày một trẻ hóa khi hàng loạt thần tượng K-pop...

Lớp học nhảy miễn phí cho trẻ em vùng cao
Lớp học nhảy miễn phí cho trẻ em vùng cao

03/02/2023

Lớp học nhảy hoàn toàn miễn phí dành cho các em học sinh vùng cao tại thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hoà,...