Giữa cao điểm mùa khô, huyện biên giới Cư Jút của tỉnh Đắk Nông thiếu nước trầm trọng. Nước mặt, nước ngầm quanh vùng đều đã cạn kiệt, kéo theo những vườn cà phê, hồ tiêu và những vườn cây ăn trái như bơ, sầu riêng đang dần khô héo, nhiều vườn cây đã chết cháy. Một vài nơi, người dân gắng gượng cứu hạn cho cây trồng nhưng bất thành. Từ thị trấn Ea Tling, qua xã Nam Dong, đến xã Ea Pô, rồi xã Đăk Wil, đâu đâu cũng thấy cảnh vườn cây điêu tàn vì hạn.
Nhiều vườn cây đã chết cháy khi nước mặt, nước ngầm cạn kiệt
Bơm nước lên núi |
Đứng trên đỉnh cao nhất trong dãy núi Ea Pô, một bên là hồ thủy điện Sêrêpôk 3 mênh mông nước, một bên là cảnh cây trồng khô cháy, ông Hồ Sơn, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cư Jút không khỏi xót xa và tiếc nuối: “giá như nước của sông Sêrêpôk có thể bơm lên tưới cho cây trồng”. Ông bắt đầu nói về sáng kiến bơm nước lên núi của huyện. Một hoặc một vài trạm bơm sẽ được xây dựng để bơm nước từ sông Sêrêpôk lên trên núi. Nhờ áp lực nước khi được bơm lên cao nên chỉ cần làm các hồ trung chuyển quy mô nhỏ chừng vài héc ta trên núi, sau đó làm hệ thống ống dẫn nước xuống núi, tỏa đi quanh vùng, tưới cho cây trồng. Phương án cấp nước cho sản xuất này tương tự như cách thức cấp nước cho sinh hoạt đang triển khai ở các đô thị, khu vực đông dân cư.
Đứng trên dãy núi Ea Pô, một bên là hồ thủy điện Sêrêpôk 3 mênh mông nướcMột bên là cả một vùng rộng lớn cây trồng khát khô
Theo ông Hồ Sơn, việc xây dựng trạm bơm là cấp thiết vì ở khu vực phía Tây của huyện bao gồm các xã Nam Dong, Ea Pô và Đăk Mil, Đăk Đrông hầu hết không có hồ chứa. Nguồn nước mặt, nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất mùa khô rất khó khăn, thiếu nước mỗi năm một trầm trọng. Về tính khả thi, ông Hồ Sơn cho biết, khu vực đề xuất đặt trạm bơm không quá cao, độ cao của núi chỉ hơn 300m. Độ chênh cao với bề mặt sông Sêrêpôk chỉ khoảng 100m. Việc lắp đặt và vận hành trạm bơm có thể thực hiện được. Vấn đề ở đây là nguồn vốn để làm hệ thống ống dẫn nước cho khoảng 5.000ha cây trồng trong vùng, chủ yếu là cây cây công nghiệp.
“Có thể tính đến phương án xã hội hóa một phần để triển khai trạm bơm. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư và sẽ thu hồi vốn bằng cách thu phí nước tưới của người sử dụng. Mức thu phí trên mỗi mét khối nước sẽ được tính toán cho hợp lý. Huyện cũng sẽ vận động người dân áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước. Nhà nước cũng đã có những chính sách cụ thể để hỗ trợ người dân đầu tư áp dụng công nghệ mới. Việc triển khai trạm bơm sẽ có hiệu quả đối với một vùng sản xuất rộng lớn mà thiếu nước chư Cư Jút.”- ông Hồ Sơ khẳng định .
Các hồ thủy lợi chủ yếu tưới cho vùng thấp hơn thông qua kênh dẫn. Với hệ thống tưới động lực kết hợp áp lực, các vùng trên cao vẫn có nước tưới. Đường ống dẫn nước động lực kết hợp áp lực qua vườn cà phê, hồ tiêu
Về sáng kiến trạm bơm nước lên núi, ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông cho biết, đơn vị đã nhận được kiến nghị của huyện Cư Jút. Công trình trạm bơm nước cũng đã được tỉnh đưa vào dự thảo quy hoạch thủy lợi vùng Tây Nguyên do Bộ NN&PTNT lấy ý kiến. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ công trình có được phê duyệt trong quy hoạch hay chưa. Về phía tỉnh, với một công trình cấp nước cho 5.000ha thì đòi hỏi nguồn vốn lớn. Nếu dùng ngân sách của tỉnh thì rất khó, do đó khi khảo sát, đánh giá mà thấy khả thi thì tỉnh cũng phải đề xuất Chính phủ, các Bộ ngành xem xét hỗ trợ mới có thể triển khai.
Xây bể trên cao |
Cũng dựa vào nguyên lý áp lực nước trên cao, để ứng phó với khô hạn, tỉnh Đắk Lắk đã đưa ra sáng kiến xây dựng hệ thống tưới động lực kết hợp với áp lực. Theo sáng kiến này, tỉnh sẽ xây dựng các trạm bơm, bơm nước từ các hồ chứa, hồ thủy lợi lên các bể trung chuyển đặt ở các vị trí cao nhất trong khu tưới. Nước từ bể sẽ thông qua hệ thống đường ống về khu tưới, dọc theo tuyến ống có bố trí các hố van để người dân lấy nước tưới.
Dự án xây bể trên cao nhằm tận dụng và phát huy nguồn nước ở các hồ thủy lợi sẵn có ở Đắk Lắk
Lưu lượng của mỗi hố van là 5lít/s và một vòi như thế có thể tưới cho 5ha cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu. Trước đây, các hồ thủy lợi chủ yếu chỉ tưới được cho vùng thấp hơn mặt hồ. Nhưng nay, mô hình này sẽ khắc phục được hạn chế này, những vùng trên cao vẫn có nước tưới và tận dụng ngay những hồ thủy lợi sẵn có.
Ông Khuất Văn Sơn, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp phát triển nông thôn, kiêm Phó giám đốc Dự án ADB8 tỉnh Đắk Lắk cho biết, sáng kiến làm bể trên cao, tưới động lực đã được tỉnh trình bày trong đề xuất thực hiện Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hạn hán” do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư vào tháng 5/2018; Chủ tịch nước ký quyết định phê duyệt phê chuẩn Hiệp định vay và các Hiệp định viện trợ cho dự án vào tháng 5/2019.
Trong 5 tỉnh thực hiện dự án, sáng kiến của tỉnh Đắk Lắk đã được phê duyệt triển khai thành một tiểu dự án trong tổng số 8 tiểu dự án được ADB tài trợ. Với nguồn vốn 545 tỷ đồng, dự án dự kiến thực hiện tại các huyện là Krông Pắk, Ea H’leo, Cư M’gar, Ea Kar. Qua đó, đảm bảo cung cấp nước tưới cho khoảng 2.200ha cây trồng, chủ yếu là cà phê, hồ tiêu. Hiện nay dự án đã đi đến bước lựa chọn nhà thầu thiết kế bản vẽ thi công và dự kiến đến đầu năm 2021 có thể lựa chọn nhà thầu xây lắp và bắt đầu thi công.
Công nghệ 4.0 sẽ được áp dụng khi có một hệ thống đồng bộ tưới cho cây trồng trong khuôn khổ dự án ADB8 tại Đắk Lắk
Ông Khuất Văn Sơn cũng cho biết thêm, mô hình tưới nước động lực mà tỉnh đề xuất là dựa trên việc tham khảo mô hình tưới nước tiên tiến, tiết kiệm tại Australia. Các chuyên gia của nước bạn đã nhiều lần đến Đắk Lắk tư vấn cho dự án. Qua đó, định hướng xây dựng hệ thống tưới động lực kết hợp với áp lực của tỉnh càng ngày càng được hoàn thiện khi có thể áp dụng những công nghệ tiên tiến nhất tại Australia đang áp dụng.
“Công nghệ 4.0 sẽ được áp dụng trong mô hình tưới động lực mà Đắk Lắk đang triển khai với sự tài trợ vốn của ADB. Việc quản lý, vận hành hệ thống tưới là qua hệ thống máy tính. Đồng thời, người dân vùng dự án khi sử dụng nước cũng áp dụng các công nghệ tưới nước tưới tiết kiệm. Một hệ thống đồng bộ như vậy sẽ rất hiệu quả, có thể nâng cao hiệu quả tưới của các hồ thủy lợi lên 5 lần.”- Ông Khuất Văn Sơn tự tin nói về dự án hệ thống tưới động lực kết hợp áp lực đang triển khai.
Đắp đập liên hoàn |
Cũng trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hạn hán” do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ, tỉnh Đắk Nông đã đưa ra sáng kiến đắp đập liên hoàn trên suối.
10 đập dâng sẽ được xây dựng trên suối Ea Diêr để tạo ra 10 hồ chứa liên hoàn, tưới cho gần 3.000ha cây trồng huyện Cư Jút
Ông Trần Huy Tuấn, Phó giám đốc Dự án ADB8 tỉnh Đắk Nông cho biết, đắp đập trên sông, suối làm hồ thủy lợi là cách làm lâu nay. Nhưng đắp đập liên hoàn trên một dòng suối, tính toán một cách khoa học để tạo các hồ chứa liên tục, chứa nước mùa mưa, sử dụng trong mùa khô thì chưa ở đâu làm được. Do đó, khi có Dự án của Chính phủ với nguồn vốn hỗ trợ từ ADB, tỉnh đã mạnh dạn đề xuất khảo sát thực hiện tại huyện Cư Jút.
Với tổng mức đầu tư khoảng 210 tỷ đồng, dự án sẽ được triển khai trên suối Ea Diêr, bằng việc xây 10 đập dâng để tạo ra 10 hồ chứa, phục vụ nước tưới cho gần 3.000ha cây trồng của 4 xã gồm: Đắk Đrông, Cư K’nia, Nam Dong và xã Tâm Thắng. Dự kiến đến năm 2024 dự án sẽ hoàn thành, góp phần quan trọng để người dân huyện Cư Jút có nguồn nước chủ động chống hạn trong mùa khô.
Vấn đề đáng quan tâm khi thực hiện xây dựng các đập dâng liên hoàn là việc đánh giá tác động môi trường thế nào, hiệu quả sử dụng ra sao. Ông Trần Huy Tuấn khẳng định, từng bước trong quá trình lập hồ sơ dự án được làm rất kỹ, đảm bảo các quy trình, quy định pháp luật. Bởi với việc Ngân hàng Châu Á tài trợ vốn thì dự án được giám sát rất chặt chẽ ở từng khâu, từng giai đoạn để dự án có thể phát huy hiệu quả một cách bền vững ở cả 3 khía cạnh kinh tế- xã hội- môi trường.
“Chúng tôi đang cố gắng để dự án sớm đi vào thi công. Và với hệ thống sông suối ở Đắk Nông rất đa dạng, việc đắp đập liên hoàn kiểu như Dự án thực hiện tại Cư Jút có khả năng nhân rộng rất cao. Vấn đề ở đây là nguồn vốn để triển khai. Nếu có thể có thêm những nguồn vốn ưu đãi, tài trợ của Chính phủ, các tổ chức Quốc tế, Đắk Nông có thể nâng cao năng lực tưới của hệ thống thủy lợi, góp phần ứng phó hiệu quả với khô hạn.”- Ông Trần Huy Tuấn nhận định.
Khu vực dự kiến làm đập dâng để tạo hồ chứa nước mùa mưa, sử dụng trong mùa khô
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, khô hạn ngày càng khốc liệt, việc chủ động nguồn nước để chống hạn ở Tây Nguyên ngày càng trở nên cấp thiết. Bơm nước lên núi, xây bể trên cao hay đắp đập liên hoàn là những sáng kiến mà các địa phương trong khu vực đang đề xuất hoặc đang trong quá trình triển khai để chủ động nguồn nước ứng phó với khô hạn./.
Công Bắc/ VOV Tây Nguyên
Hôm nay, ngày 10/11/2024, Cuộc thi Giải toán trên máy tính cầm tay Lần thứ Nhất năm 2024 chính thức được phát...
Sáng ngày 6/7 tại Cần Thơ, Sở Văn hóa, Thể Thao và Du Lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Liên Đoàn Cờ Việt...
Ngày 6/11/2023, tại Hà Nội diễn ra Lễ ký kết giữa Liên đoàn Cờ Việt Nam với Công ty Cổ phần MasterTran- nhãn...
Nằm cách trung tâm thủ đô Seoul của Hàn Quốc khoảng 35 phút đi tàu điện ngầm, công viên Seoul Land nằm ở...
Trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2023, tối 18/3, đêm trao giải Cuộc thi Tiếng hát Người làm báo mở rộng năm...
Trải qua 4 tháng với nhiều vòng tuyển chọn, 18 tiết mục đặc sắc nhất đến từ 25 giọng ca chính thức tranh tài...
“Phiên chợ vùng cao” là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội hoa Ban lần 6 do tỉnh Điện Biên tổ chức. Tham dự...
Thời điểm cuối tháng 2, sắc trắng tinh khôi của hoa sưa trở thành điểm nhấn phố phường Hà Nội.
Ngày 12/2 và 19/2 vừa qua, sự kiện HBDC Konnect thuộc mùa giải High School Best Dance Crew 2023 đã diễn ra...
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định về việc xếp hạng Di tích cấp quốc gia đối với quần thể di...
Theo Thông tư 02/2023/TT-BYT sửa đổi Thông tư 15/2016/TT-BYT quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm...
Trận động đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng 6/2 (giờ địa phương) tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hơn 11.000...