Lý Sơn là điểm đến mới nổi được khách du lịch ưa khám phá rất yêu thích
Mức phí được các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi thông qua là: đảo Lớn thu 70.000 đồng/người/lượt, đảo Bé thu 30.000 đồng/người/lượt. Thời gian và phương pháp thu cụ thể chưa được ấn định.
Đại biểu Lê Viết Chữ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi cho rằng: “Vì nguồn ngân sách rất hạn hẹp, không đủ đầu tư hạ tầng nên cần phải có sự đóng góp của khách tham quan khi đến với Lý Sơn”.
Trước đó, cũng trong khuôn khổ kỳ họp thứ 15 của HĐND tỉnh Quảng Ngãi, ông Nguyễn Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn đã đề nghị ban hành Nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan trên địa bàn đảo Lý Sơn.
Vẻ đẹp hoang sơ, bình dị của Lý Sơn
Theo đó, mức thu phí tham quan các danh thắng, di tích, bảo tàng trên đảo Lý Sơn được đề xuất: tại đảo Lớn (xã An Hải và An Vĩnh) là 100.000 đồng/người/lượt, phí tham quan tại đảo Bé (xã An Bình) là 50.000 đồng/người/lượt áp dụng cho cả người Việt Nam và nước ngoài.
Trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng, người dân, người đang làm việc ở Lý Sơn, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang đi công tác ra Lý Sơn được miễn thu phí. Ngoài ra, chính quyền sẽ không thu phí trong ngày tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm.
Trẻ em 6- 16 tuổi, những người được hưởng chính sách ưu đãi hưởng thụ văn hóa, người khuyết tật nặng, người cao tuổi được giảm 50% mức phí. Học sinh, sinh viên các trường THPT, trung cấp, dạy nghề, cao đẳng, đại học trong tỉnh do trường tổ chức tham quan có đăng ký với địa phương thì được giảm 70% mức phí (đề xuất của UBND tỉnh là 50%).
Khách du lịch trên cổng Tò Vò
Ngay khi biết thông tin này, nhiều khách du lịch và doanh nghiệp du lịch rất bất ngờ và cho rằng nếu áp dụng mức phí này, thời điểm này là không hợp lý.
Lý Sơn (Cù lao Ré) là huyện đảo duy nhất của Quảng Ngãi, nằm về phía Đông Bắc, cách đất liền 15 hải lý. Đảo được cư dân Việt đến khai hoang lập làng từ thế kỷ 16. Trước đó hàng nghìn năm cũng đã có dấu tích của cộng đồng cư dân khác sinh sống trên đảo. Ba lớp cư dân Sa Huỳnh - Chăm pa - Việt đã gắn bó chặt chẽ với sự hình thành và phát triển của đảo Lý Sơn. Họ đã bảo vệ chủ quyền hòn đảo và để lại nhiều di sản văn hóa vô cùng giá trị đến nay vẫn được bảo tồn và phát huy. Với vị trí chiến lược quan trọng trên vùng biển Việt Nam, ngày 1/1/1993 huyện đảo Lý Sơn chính thức được thành lập theo Quyết định số 337/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
Chùa Hang trên đảo Lý Sơn
Năm 2018, Lý Sơn đón 230.000 lượt khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 276 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm nay, có hơn 123.500 du khách đến Lý Sơn.
Không thể phủ nhận, với cảnh quan hoang sơ, độc đáo, những trầm tích núi lửa hàng triệu năm, những bãi san hô muôn màu, vị trí chiến lược, ý nghĩa lịch sử to lớn, con người hồn hậu, đảo Lý Sơn đang trở thành một điểm đến thu hút khách du lịch những năm gần đây. Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Thu, Giám đốc công ty CP dịch vụ Quốc Việt - Viettourist: “Việc thu phí tham quan đối với khách vào đảo phải hết sức cân nhắc vì hiện nay hạ tầng của đảo gần như chưa có gì, khách sạn có khoảng 10 cái, trong đó Mường Thanh Lý Sơn là khá nhất, còn lại phần lớn chỉ như nhà nghỉ. Hệ thống giao thông yếu kém, đường nhỏ như đường làng, bến tàu không có mái che, khách chờ tàu lếch tha lếch thếch, điểm tham quan, bãi tắm cứu hộ không có, biển chỉ dẫn cũng không. Nước ngọt trên đảo thì lờ lợ, đục ngầu, điện phập phù, nắng to là điều hòa tắt ngấm. Cả đảo không có lấy cái thùng rác nào để khách bỏ rác, trong khi đó rác thải ngập đảo…”
Đoàn khảo sát của Tổng cục Du lịch trên đảo Lý Sơn cuối tháng 6/2019
Vừa tham gia chương trình Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch biển đảo, khảo sát bãi tắm sau khu vực lặn ngắm san hô, hòn Đụn, cổng Tò Vò, làng tranh bích họa, núi Thới Lới, chùa Hang, hang Câu, Nhà trưng bày lưu niệm hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và tọa đàm “Phát triển sản phẩm du lịch biển đảo khu vực miền Trung” tại đảo Lý Sơn hồi tháng 6/2019 do Tổng cục Du lịch tổ chức với sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp du lịch trên cả nước, đại diện các cơ quan báo chí, chính quyền, sở ngành địa phương của tỉnh Quảng Ngãi, ông Thu cho rằng: Quảng Ngãi đang nói một đằng, làm một nẻo.
“Mới chưa đầy 1 tháng trước họ nói rằng sẽ tạo mọi điều kiện để đón khách ra đảo, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp đưa khách đến và đầu tư vào đảo, thế mà giờ họ đã thông qua chủ trương thu phí rồi. Rõ ràng là lời nói và hành động trái ngược nhau”, ông Thu nói.
Tọa đàm về phát triển sản phẩm du lịch biển đảo miền Trung có sự tham gia của đại diện sở, ngành, địa phương của tỉnh Quảng Ngãi
Việc thu phí tham quan sẽ khiến giá thành tour tăng lên. Số tiền 100.000 đồng/khách/lượt cho đảo Lớn và đảo Bé không phải là nhiều nhưng cho toàn bộ khách lên đảo thì rất lớn. Đến nay địa phương cũng không giải thích rõ tiền ấy do đơn vị nào quản lý, chi vào những mục đích gì? Khách không phải vì 100.000 đồng phí tham quan mà không tới Lý Sơn, nhưng mất phí là khách không vui, lên tới đảo mà dịch vụ không tiện ích, thiếu thốn, rác thải bừa bãi, mộ phần của dân không được quy hoạch thì họ càng không vui nữa. Phải làm sao để khách cảm thấy “được đóng phí” chứ không phải là “bị đóng phí”.
“Tôi đồng ý là nên thu phí để tái đầu tư vào các danh lam, thắng cảnh, di tích, cơ sở hạ tầng du lịch trên đảo, bảo vệ môi trường của đảo nhưng thu phải có lộ trình và mức phí hợp lý. Mức thu ban đầu cho cả 2 đảo nên là 50.000 đồng/người/lượt. Nếu việc thu phí được áp dụng ngay thì Quảng Ngãi quá nóng vội. Lý Sơn đã có gì để phục vụ du khách mà bắt khách du lịch trả phí?”, ông Thu góp ý thêm.
Làm sao để khách thấy mình "được thu phí" góp phần phát triển Lý Sơn?
Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, Quảng Ngãi nên có đầu tư cơ bản cho Lý Sơn, quy hoạch phát triển du lịch trên đảo, vận động người dân và du khách bảo vệ môi trường, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời trên đảo, để việc phát triển du lịch đi vào nề nếp rồi hãy tính đến chuyện thu phí. Thu phí là cần thiết để tái đầu tư, bảo tồn tôn tạo di tích, thắng cảnh nhưng phát triển du lịch như Cô Tô (Quảng Ninh), Cù Lao Chàm (Quảng Nam) còn chưa thu phí nữa là một điểm đến mới như Lý Sơn. Đã toàn chỉ khai thác những thứ sẵn có, giờ lại đè khách ra mà thu phí nữa thì quá là tận thu.
Theo Báo Văn Hoá
Sáng nay (16/5), tức ngày 16 tháng Tư Âm lịch, huyện Trà Bồng tổ chức Lễ hội Xuân Điện Trường Bà năm 2022,...
Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn quốc gia lần thứ 2 sẽ được tổ chức từ ngày 20- 24/5 tới tại huyện đảo Lý...
Theo dự báo, dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay, thời tiết xấu, khả năng ảnh hưởng đến vùng biển Lý Sơn, tỉnh Quảng...
Miền núi phía Tây tỉnh Quảng Ngãi có tiềm năng du lịch phong phú. Tuy nhiên thời gian qua, việc đầu tư, khai...
Ngành Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đang dần hồi phục với nhiều tín hiệu khởi sắc. Nhiều sản phẩm, tour du lịch...
Sau thời gian ngưng trệ, những ngày đầu tháng 2 này, lượng khách du lịch đến tỉnh Quảng Ngãi tăng trở lại....
Dịp Tết này, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đón hơn 4.000 lượt du khách ra đảo du xuân. Đây là tín hiệu...
Trước tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn dần được kiểm soát, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa cho phép các cơ sở...
Kể từ 00 giờ ngày 29/6, tỉnh Quảng Ngãi tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đi các tỉnh, thành phố và ngược...
Dịp lễ 30/4 và 1/5 năm nay dự kiến có khoảng 10 ngàn lượt khách du lịch ra đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Để...
Nguyên nhân dẫn tới việc UBND tỉnh Quảng Ngãi dừng đề án là do qua nghiên cứu, rà soát, Công viên địa chất Lý...
Sau thời gian dài suy giảm do dịch bệnh, thiên tai, ngành du lịch tỉnh Quảng Ngãi đang dần hồi phục. Tỉnh...