Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày và các hoạt động chung của cộng đồng. Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, đồng bào đã thay đổi thói quen mặc trang phục truyền thống...
Tại Lạng Sơn hiện nay, đa số đồng bào Tày không còn mặc trang phục truyền thống mà chủ yếu mặc vào dịp giao lưu văn nghệ, lễ hội, ngày Tết. Đối với một số nhóm dân tộc thiểu số khác như: Mông, Dao, Nùng… việc sử dụng trang phục truyền thống hằng ngày vẫn có tần suất cao nhưng chủ yếu là người cao tuổi. Điều đáng lo ngại là các nghệ nhân biết dệt và may trang phục truyền thống ít dần. Bên cạnh đó, nguyên liệu để thêu, dệt cũng ngày càng khan hiếm.
Trước thực trạng đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo bảo tồn và phát huy trang phục dân tộc thiểu số. Tỉnh Lạng Sơn coi đó là một trong những nhiệm vụ chiến lược quan trọng để gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa. Theo đó, các cấp, ngành đã triển khai nhiều biện pháp nghiên cứu, sưu tầm, hệ thống hóa tư liệu về trang phục truyền thống dân tộc.
Nghệ nhân Liễu Thị Minh Thơ (huyện Cao Lộc, Lạng Sơn) luyện tập thực hiện nghi lễ then. Ảnh: Ngọc Tùng, TTXVN
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Phúc Hà, từ năm 2011 đến tháng 6/2019, ngành Văn hóa tỉnh đã lập hơn 3.200 phiếu kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (trong đó hơn 300 phiếu kiểm kê loại hình tri thức dân gian về trang phục dân tộc). Ngành đã tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh trang phục truyền thống các dân tộc thông qua việc tổ chức định kỳ Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc; Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch, thi trang phục dân tộc thông qua Liên hoan du lịch Mẫu Sơn…
Ngoài ra, ngành Văn hóa tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh công tác đào tạo, truyền dạy, phổ biến một số loại hình văn hóa dân tộc như làn điệu then, hát sli… kết hợp với mặc trang phục dân tộc khi biểu diễn. Trung bình mỗi năm, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh tổ chức 20 lớp truyền dạy, phổ biến dân ca trên địa bàn, thu hút hàng ngàn người tham gia.
Nghệ sĩ Ưu tú Triệu Thủy Tiên, Phó Chủ tịch Hội Bảo tồn dân ca tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hội hiện có gần 1.000 hội viên và 50 câu lạc bộ hát dân ca. Khi tham gia câu lạc bộ, các hội viên đều tự may trang phục dân tộc truyền thống để phục vụ sinh hoạt và biểu diễn. Điều này cũng góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn trang phục dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Công tác bảo tồn, phục dựng các lễ hội duy trì việc mặc trang phục truyền thống cũng được nhiều địa phương đẩy mạnh. Từ nhu cầu mặc trang phục đi chơi, dự hội, biểu diễn, nhiều địa phương đã chú trọng tới việc bảo tồn nghề dệt, may, thêu trang phục truyền thống như các xã: Hải Yến, Hòa Cư (huyện Cao Lộc); Quang Trung, Thiện Thuật (huyện Bình Gia)…
Chính quyền một số huyện cũng hỗ trợ may trang phục truyền thống cho học sinh ở các bậc học; đưa việc mặc trang phục truyền thống một số ngày trong tuần vào quy định bắt buộc của các trường để giúp giới trẻ làm quen với trang phục truyền thống của dân tộc mình. Từ đó, từng bước khôi phục, bảo lưu trang phục truyền thống các dân tộc.
Mới đây, UBND tỉnh Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch 117/KH-UBND về việc thực hiện Đề án "Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay" trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí dự kiến khoảng 35,3 tỉ đồng. Việc triển khai Đề án nhằm đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Ngọc Tùng, TTXVN