UBND thành phố Thủ Dầu Một tri ân các nghệ nhân, chủ cơ sở sản xuất sơn mài
Đề án “Bảo tồn và phát triển làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp kết hợp du lịch thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một” được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt thực hiện từ tháng 3/2020, với tổng kinh phí trên 100 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 70 tỷ đồng còn lại vận động xã hội hóa. Đề án được thực hiện từ nay đến năm 2024.
Thực hiện đề án, thành phố Thủ Dầu Một dành quỹ đất 6ha tại phường Tương Bình Hiệp xây dựng khu làng nghề sơn mài. Khu làng nghề có các hạng mục như: cổng làng; nhà thờ Tổ; trung tâm thiết kế mẫu sản phẩm; khu sản xuất; khu trưng bày sản phẩm; các điểm phục vụ khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm các quy trình sản xuất...
Du khách tham quan tại khu trưng bày sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp
Ông Trương Quang Tịnh, chủ cơ sở sơn mài Định Hòa chia sẻ, đề án được thực hiện sẽ góp phần bảo tồn nghề trước những “sóng gió” của làng nghề. Đây là niềm vui, hạnh phúc tất cả những người theo nghề này: “Khi đề án này xây dựng chúng tôi rất vui vì được Nhà nước quan tâm. Đề án khi đưa vào hoạt động sẽ là địa chỉ văn hóa đặc biệt của Bình Dương, cũng như địa điểm du lịch hấp dẫn du khách. Từ đó, làm tăng thêm thương hiệu của làng nghề”.
Còn nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh mong muốn chính quyền địa phương nhanh chóng triển khai thực hiện đề án một cách nghiêm túc. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện, UBND thành phố Thủ Dầu Một phải có những quy định, hướng dẫn cụ thể để các doanh nghiệp, chủ cơ sở sơn mài hoạt động: “Muốn thành công phải có sự nỗ lực từ phía chính quyền, doanh nghiệp, đưa ra những phương hướng, nội quy, quy củ khi vào hoạt động trong khu này. Từ đó sẽ đóng góp rất tích cực cho sự phát triển làng nghề vừa theo xu hướng mới, vừa bảo tồn để bắt kịp nhu cầu mới của khách hàng, của thị trường”.
Đề án được thực hiện sẽ thu hút đông khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất sơn mài Tương Bình Hiệp
Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp là nghề thủ công truyền thống lâu đời của thành phố Thủ Dầu Một, có nguồn gốc xuất phát từ những người di cư, khai hoang phát triển phương Nam từ miền Bắc, miền Trung đưa vào. Sự kết hợp tinh hoa văn hóa của các vùng miền đã tạo nên những đặc trưng, mang tính riêng biệt cho các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp.
Thời kỳ vàng son nhất của làng nghề là vào khoảng thập niên 1980-1990, hơn 700 hộ dân ở Thủ Dầu Một làm nghề và thu hút hàng ngàn lao động từ các nơi khác đến làm việc. Các sản phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp được tặng thưởng nhiều huy chương trong nước và xuất khẩu đi các nước như Đức, Pháp, Canada, Nhật Bản...
Cũng như các nghề truyền thống khác, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp đang dần mai một bởi cơ chế thị trường. Để vực dậy làng nghề truyền thống, Bình Dương đã lập hồ sơ xin công nhận nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công nhận vào năm 2016.
Thiên Lý/VOV TPHCM