Nằm giữa một khu rừng dầu ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chùa Hội Khánh là một kiến trúc Phật giáo độc đáo được xây dựng từ thế kỷ 18 (năm 1741).
Trải qua nhiều lần trùng tu, nhưng về cơ bản ngôi chùa vẫn giữ được phần lớn kiến trúc ban đầu, trong đó có 92 cây cột gỗ quý từ giai đoạn xây dựng đầu tiên. Ngôi chùa cổ rộng 700m2 gồm 4 phần chính là Tiền điện , Chánh điện, Đông lang và Tây lang bố trí theo kiểu nối liền. Đây được xem là một kiểu biến tấu trong kiến trúc chùa cổ ở Nam Kỳ. Trong khuôn viên chùa có ngôi tháp 7 tầng cao 27 mét, được xây dựng năm 2007, cạnh đó là tháp tổ Từ Vân cổ kính.
Ngôi chùa cổ chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật. Ảnh: vietnamtourist.vn
Trong lần trùng tu gần đây nhất năm 2013, nhà chùa đã khánh thành bức tượng Đức Bổn sư Thích Ca nhập niết bàn, dài 52m, cao 12m nằm trên mái ngôi chùa mới, cách mặt đất 23m. Xung quanh bệ tượng được trang trí 840 cánh sen đắp nổi. Công trình được Tổ chức Kỷ lục châu Á xác lập là “Tượng Phật nhập Niết bàn trên mái chùa dài nhất châu Á” và là bức tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam.
Ngôi chùa mới phía dưới tượng rộng 600m2, xung quanh là 20 bức phù điêu thể hiện cuộc đời Đức Phật từ lúc Đản sinh đến lúc nhập Niết bàn. Ngôi chùa mới này hiện nay là thư viện, nơi tổ chức hội nghị, hội thảo, học tập, và là Trung tâm văn hóa Phật giáo của tỉnh Bình Dương.
Pho tượng Phật nằm dài nhất Việt Nam. Ảnh: wiki.org
Tuy nhiên giá trị nổi bật của ngôi chùa là sự phong phú về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, đặc biệt là những di tích, cổ vật hàng trăm năm vẫn được lưu giữ tại đây.
Các hiện vật tiêu biểu tại đây phải kể đến gần 100 pho tượng gỗ, các vị La Hán và thập điện Minh Vương được tạc từ gỗ mít, sơn son thếp vàng được đặt trong Chánh điện. Đặc biệt trong Chánh điện còn có hai bức phù điêu chạm hình 18 vị La Hán và Bồ Tát, mang đặc trưng của phong cách điêu khắc gỗ Bình Dương xưa.
Chùa Hội Khánh còn nổi tiếng với nghệ thuật trang trí nội thất trên các cột kèo, đầu đao, cửu võng, câu đối. Các họa tiết chạm trổ hoa văn , các bộ bao lam, tứ linh, cửu long, dây nho, hoa phù dung,.. đều rất công phu sắc sảo như bộ bao lam Thập bát La Hán, bức phù điêu Tứ thời và các bàn thờ chạm trổ tinh vi.
Các pho tượng quý của chùa Hội Khánh. Ảnh: ivivu.com
Trong chùa Hội Khánh còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo độc nhất vô nhị như các bộ mộc bản, kinh sách, liễn đối, tài liệu văn thơ, địa lý, y học cổ. Tại đây lưu giữ bộ mộc bản in sách kinh cách đây trên 120 năm và đây có thể là bộ mộc bản ra đời sớm nhất ở Bình Dương. Các bộ kinh sách A Di đà, Hồng danh, Vu lan, Bát dương được lưu hành trong chùa đều là các bản in được phát hành vào loại sớm nhất ở Nam bộ.
Với những giá trị kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử và văn hóa to lớn, chùa Hội Khánh đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia từ năm 1993
Địa chỉ : đường Yersin, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Phạm Hằng (tổng hợp)