Trong khi nhiều lễ hội đang mất dần tính truyền thống thì tại lễ hội Đền Trần, tỉnh Thái Bình vẫn lưu giữ được phần hội đậm tính dân gian, phục dựng lại những nét văn hóa của tổ tiên. Trong đó hội thi cỗ cá là tục lệ độc đáo có nguồn gốc hơn 700 năm và được nhân dân địa phương duy trì dịp lễ hội hàng năm.
Hội thi cỗ cá được tổ chức vào ngày 14 tháng Giêng, ngay sau ngày khai mạc. Để phục vụ hội thi, nhân dân các thôn chuẩn bị chu đáo từ nhiều ngày trước và làm lễ rước từ các thôn đến sân đền.
Tục lệ này nhắc nhở con cháu ghi nhớ về tổ tiên nhà Trần trước kia vốn sinh sống bằng nghề chài lưới.
Cá dùng trong hội thi được các thôn chuẩn bị từ đầu năm trước, chủ yếu là cá trắm, cá chép và cá mè từ 5-12 kilogam. Khi làm cỗ, cá không được gãy vây, gãy đuôi và để nguyên vảy.
Cá được tạo dáng theo tư thế tự nhiên nhất và làm chín bằng cách tưới dầu rán nóng lên mình cá để cá chín từ từ và có màu vàng rất bắt mắt. Chính vì tính cầu kỳ, nghệ thuật và đậm tính dân gian mà năm nào hội thi cỗ cá cũng thu hút đông đảo du khách thập phương tới tham quan.
Năm nay, mâm cỗ cá của thôn Phú Vật, xã Tiến Đức trình bày đẹp nhất và được mang vào Đền dâng vua Trần. Đến nay tục cỗ cá đã trải qua hơn 700 năm lịch sử.
Người dân đất Long Hưng xưa, Hưng Hà nay vẫn cố gắng khôi phục và gìn giữ tục lệ đẹp về văn hóa ẩm thực của người xưa. Đây cũng dịp để thắt chặt tình đoàn kết của người dân địa phương và nhắc nhớ lịch sử của các bậc tổ tiên nhà Trần đến con cháu sau này.
Hà Thu (Vietnam Journey)