Chùa Keo có tên là “Thần Quang Tự”, tọa lạc trên bờ sông Thái Bình tại làng Keo nay là xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Dân gian còn gọi ngôi chùa ở Thái Bình là Keo trên, phân biệt với chùa Keo dưới ở Nam Định, theo dòng chảy của con sông. Ngôi chùa Keo ngày nay được xây dựng từ thời vua Lê Trung Hưng năm 1632 theo lối kiến trúc “Nội công ngoại quốc” đặc trưng của kiến trúc chùa Việt Nam (có nghĩa là kiến trúc bên trong theo hình chữ Công, bên ngoài theo hình chữ Quốc). Toàn bộ khuôn viên chùa rộng hơn 41.500m2, gồm 16 tòa kiến trúc với 116 gian xây dựng. Trong khuôn viên chùa có 3 hồ lớn gồm hồ giữa tam quan ngoại và tam quan nội và hai hồ phía sau dãy hành lang đông và tây.
Chùa Keo là ngôi chùa có qui mô vào loại nhất trong các ngôi chùa cổ ở Việt Nam
Từ mặt đê đi xuống là tam quan ngoại. Men theo hồ sen hai bên tả, hữu là hai cổng tò vò, giữa là tam quan nội. Qua tam quan là khu thờ Phật gồm chùa ông Hộ, tòa thiêu hương và điện Phật. Phía trong khu thờ Phật là khu thờ Thánh thờ Thiền sư Không Lộ, vị đại sư thời nhà Lý. Cuối cùng là gác chuông 3 tầng nguy nga bề thế. Hai dãy hành lang Đông và Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông gồm hơn hàng chục gian là nơi để Phật tử sắp lễ và du khách nghỉ chân.
Sân chùa thanh tịnh
Chùa Keo Thái Bình được đánh giá là công trình có qui mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam, bên cạnh đó là nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh kiến trúc “Nội công, ngoại quốc” thì việc chùa được xây dựng quay mặt ra hướng nam với điểm đầu là Tam quan ngoại và điểm cuối Gác chuông nằm trên một trục bắc – nam được xem là đường “thần đạo” trong phong thủy kiến trúc.
Toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ lim
Vì kèo được chạm trổ tinh xảo
Toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán mà chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau. Mặc dù vậy qua mấy trăm năm, kết cấu của toàn bộ kiến trúc gỗ này vẫn rất chắc chắn. Các cột đỡ, vì kèo được các nghệ nhân điêu khắc thời Hậu Lê chạm khắc rất tinh xảo. Đặc biệt là gác chuông 3 tầng cao hơn 11 mét với bộ khung được kết cấu bởi gần 100 con sơn chồng lên nhau, được gọi là 100 đàn đầu voi liên kết bằng mộng gỗ, nâng đỡ 12 mái ngói cong thanh thoát.
Gác chuông là công trình kiến trúc độc đáo của chùa Keo
Khánh đá trong gác chuông
Toàn bộ mái chùa đều được lợp vảy cá mềm mại. Các kiến trúc đao loan uốn cong chạm trổ hình rồng, phượng, cá,.. rất tỉ mỉ công phu. Ở tam quan nội có bộ cửa gỗ chạm một đôi rồng và nhiều rồng con đang chầu nguyệt được xem là kiệt tác chạm khắc thế kỷ 17. Trong chùa có những pho tượng Phật được chạm khắc từ thế kỷ 17, 18, khánh đá và bộ chuông đồng ,.. đều là những di sản quý báu.
Bộ cửa chạm rồng tại tam quan nội
Kiến trúc đầu đao tinh xảo
Hàng năm chùa Keo Thái Bình có hai ngày hội chính. Hội Xuân vào ngày mùng 4 tháng giêng và hội Thu vào trung tuần tháng chín âm lịch để suy tôn Thiền sư Không Lộ, là người con của làng Keo và có công dựng lên chùa Keo cũ (ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ 11 tại làng Giao Thủy – làng Keo , ở Nam Định, sau đó bị lũ lụt cuốn trôi nên người dân làng Keo cũ đã dựng lên 2 ngôi chùa Keo mới gồm chùa Keo Thái Bình và chùa Keo – Hành Thiện ở Nam Định).
Với những giá trị lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật độc đáo, năm 2012 chùa Keo Thái Bình đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017 lễ hội chùa Keo cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phạm Hằng