Làng nghề gốm Lái Thiêu ở Bình Dương. Ảnh: Tạp chí Du lịch
Ấn phẩm có 28 trang gồm các làng nghề như: nghề sơn mài Tương Bình Hiệp; nghề gốm; nghề mây tre đan; nghề làm bánh tráng ở Phú An; nghề làm heo đất; Cơ sở sơn mài Định Hòa.
Bên cạnh đó, ấn phẩm còn giới thiệu đến du khách Trung tâm thương mại Minh Sáng, nơi trưng bày và bán các sản phẩm gốm sứ nổi tiếng Minh Long; hình ảnh quà lưu niệm từ các làng nghề truyền thống.
Ấn phẩm ra mắt góp phần giới thiệu về các làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh Bình Dương; đồng thời thông tin chi tiết cho du khách về những địa điểm tham quan tại các làng nghề có truyền thống lâu đời, phục vụ nhu cầu tìm kiếm thông tin, tham quan du lịch của du khách khi đến với Bình Dương.
Bìa ấn phẩm “Sổ tay Du lịch Bình Dương - Tinh hoa làng nghề”. Ảnh: Báo Bình Dương
Đây là bản ấn phẩm song ngữ Việt - Anh, được tích hợp mã QR thuận tiện cho việc tra cứu tìm đọc thông tin bằng máy tính hoặc điện thoại thông minh của du khách trong và ngoài nước.
Bình Dương được biết đến như cái nôi của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nam Bộ với các làng nghề truyền thống như: sơn mài, chạm trổ điêu khắc, gốm sứ, làm heo đất, mây tre đan, sản xuất nhang, làm bánh tráng, sản xuất guốc… Trong đó, nghề sơn mài đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Để đẩy mạnh phát triển du lịch làng nghề, bên cạnh việc triển khai các nội dung của Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch Bình Dương sẽ phối hợp với các địa phương, cơ sở sản xuất tại các làng nghề xây dựng du lịch làng nghề mang đặc trưng của Bình Dương.
Theo đó, triển khai các tour kết hợp tham quan làng nghề; đầu tư phát triển các sản phẩm thủ công độc đáo, mẫu mã đa dạng và phong phú; xây dựng tour trải nghiệm cho du khách tham gia vào quy trình sản xuất các sản phẩm truyền thống.
Lan Phạm/ toquoc.vn