Văn hóa

Có một bản Mông ở đại ngàn Tây Nguyên

17:21 - 22/07/2019
Đồng bào người H’Mông ở Tây Bắc đã di cư vào Tây Nguyên sinh sống từ nhiều năm qua. Họ yêu thương đùm bọc với nhau, đoàn kết chung lòng xây dựng quê hương mới và vẫn giữ được lối sống, trang phục truyền thống.

Nhắc đến người H'Mông là nhắc đến những bản làng xa xôi tận biên giới phía Bắc, ít ai biết rằng ngay tại đất rừng Tây Nguyên cũng có một cộng đồng người H'Mông sinh sống đã an cư nhiều năm qua.

Trên mảnh đất tình người

Cách QL 26 gần 10 km, thuộc xã Cư Króa, huyện M’Drăk (Đắk Lắk) có rất đông đồng bào người H’Mông đã di cư vào sinh sống từ nhiều năm qua. Họ yêu thương đùm bọc với nhau, đoàn kết chung lòng xây dựng quê hương mới và vẫn giữ được lối sống, trang phục truyền thống.

Người Mông nơi đây phần đông quê ở Bắc Hà, Lào Cai vào đây những năm 1998. Họ tập trung tại Thôn 7, xã Cư Króa với 187 hộ (99% là người Mông), kinh tế còn nhiều khó khăn do trình độ văn hóa thấp, lại đông con. Thế nhưng, hàng chục năm qua nơi đây vẫn là “chốn quê nhà” của những người di cư từ miền núi phía bắc vào. Với họ, mảnh đất này chính là quyê hương thứ hai, gắn bó máu thịt với họ không khác gì quê cũ.

Hình ảnh cụ bà trong trang phục truyền thống, những đứa trẻ trên lưng trâu giúp gia đình, hay nụ cười hồn nhiên của những cô gái tuổi đôi mươi… mang cảm giác đang ở giữa đất rừng Tây Bắc xa xôi.

ban mong o dai ngan tay nguyenNhững bộ trang phục truyền thống và lối sống vẫn được gìn giữ

Trong những năm qua, người Mông ở Tây Nguyên luôn được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân địa phương đã mở đường, xây trường học, kéo hệ thống lưới điện, có nhà sinh hoạt cộng đồng… chăm lo các công việc làm ăn như trồng lúa nước, trồng sắn (củ mì), trồng rừng, do đó đời sống của đồng bào từng bước được ổn định. Nhiều hộ gia đình xây được nhà to, nhà sàn kiên cố, mua sắm xe máy loại đắt tiền.

Anh Thào Rìu Sẻng cười khi nói chuyện với chúng tôi: “Lúc đầu mới cưới, vợ chồng mình còn trẻ chưa có tiền, kinh nghiệm nên phải ở với ba mẹ. Vợ chồng mình đi làm rẫy, nuôi mấy con gà, một thời gian thì tự dựng nhà ra ở riêng. Nhà nghèo nên bố mẹ 2 bên cũng không giúp được gì nhiều, chủ yếu là công sức gầy dựng của 2 vợ chồng mình thôi. Ở quê cũ không có đất để trồng, nhưng vào M’Drăk thì đất nhiều lắm, tha hồ trồng mía, trồng mì không đói ăn thiếu thốn như ngoài Bắc nữa”.

ban mong o dai ngan tay nguyenVợ chồng anh Giàng Seo Lành cũng sinh nhiều con

Ông Giàng Seo Chấu, Trưởng ban Công tác mặt trận của thôn 7, xã Cư Króa, cho biết: “Thôn chúng tôi hiện nay có khoảng 187 hộ, 833 khẩu, trong đó có 145 hộ đã có hộ khẩu thường trú. Đồng bào chúng tôi phần đông quê ở Bắc Hà, Lào Cai vào đây những năm 1998".

Về xã Cư Króa thời điểm này, tấp nập những chuyến xe ra vào để chở gỗ rừng trồng đi tiêu thụ. Trên những triền đồi là những hàng keo lai thẳng tắp, xanh tốt. Ông Nguyễn Văn Song, Chủ tịch UBND xã Cư Króa phấn khởi khoe: "Từ khi gỗ rừng trồng có giá, bộ mặt nông thôn ở Cư Króa đã thay đổi, có đến 70% hộ dân ở địa phương có diện tích đất trồng rừng, một số hộ dân nhờ đó đã trở thành tỷ phú, trong đó, hộ bà Vân là một điển hình về trồng rừng, gắn bó lâu dài với rừng và giàu lên từ rừng".

Nỗi buồn dân số

Mặc dù có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp, cùng sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ y tế-dân số trong việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách nhưng công tác dân số ở Cư Króa (Đắk Lắk) vẫn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân là do xã Cư Króa có địa bàn rộng với diện tích tự nhiên 20.895 ha, địa hình phức tạp, trình độ dân trí không đều. Nhưng đáng lo ngại hơn cả vẫn là phong tục tập quán thích sinh đông con và phải có con trai vẫn còn tồn tại, đặc biệt ở thôn 7, thôn 9, nơi có 100% dân số là người dân tộc Mông di cư từ miền Bắc vào.

ban mong o dai ngan tay nguyenDân số đang là vấn đề làm đau đầu những người lãnh đạo ở địa phương

Hàng năm, tỷ lệ trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên chiếm 19%, tình trạng gia tăng dân số, tảo hôn vẫn còn diễn ra. Những năm qua trên địa bàn thôn xảy ra nhiều trường hợp tảo hôn. Có nhiều người lên chức cha, chức mẹ còn rất sớm, khi chưa đủ tuổi kết hôn. Theo ghi nhận từ chính quyền địa phương thì trong vài năm qua, xã vẫn có 4 cặp vợ chồng cưới nhau khi chưa đủ tuổi kết hôn. Ở đây người ta quan niệm con cái phải lấy vợ lấy chồng sớm là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tảo hôn. Lễ cưới của những cặp vợ chồng tảo hôn diễn ra giống những đám cưới khác, tức vẫn làm mâm cỗ, vẫn ra mắt tổ tiên, có điều đám cưới lớn hay bé thì còn tùy thuộc vào độ giàu có của gia chủ.

Đơn cử như trường hợp hai vợ chồng anh Giàng Seo Lành (38 tuổi) và chị Hoàng Thị Pa (35 tuổi) ở thôn 7 cưới nhau năm 1995, đến nay có với nhau 9 đứa con. Mặc dù nhiều lần được cán bộ dân số tuyên truyền, tư vấn các biện pháp tránh thai, nhưng anh Lành và chị Pa đều không chịu áp dụng.

ban mong o dai ngan tay nguyenVợ chồng anh Giàng Seo Lành tiếp khách theo phong tục của người Mông

Ông Nguyễn Văn Song, Chủ tịch UBND xã Cư Króa không giấu nổi sự thất vọng: "Tình trạng tảo hôn không chỉ có ở Ea Rớt, mà còn có ở một số nơi trong huyện. Hàng năm chúng tôi đã tổ chức rất nhiều buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào để hạn chế tình trạng trên, nhưng do một số đồng bào dân tộc thiểu số từ phía Bắc vào và một số đồng bào địa phương có nếp ăn, nếp nghĩ đã ăn sâu vào họ từ rất lâu rồi nên rất khó thay đổi. Sắp tới chúng tôi sẽ quyết liệt hơn và sâu sát hơn".

Những chính sách và ưu đãi của nhà nước như: điện, đường, trường, trạm đã tới được những vùng sâu xa nhất của đất nước, thông tin luôn được cập nhật, nhưng đó đây những hủ tục vẫn còn tồn tại. Thiết nghĩ, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở những nơi như thế này cần được quan tâm hơn nữa.

Theo Thời đại