Được truyền nghề qua 4 đời, bà H’Trên Êban (dân tộc Ê Đê) ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) rất tự hào với nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Bắt đầu làm quen với khung dệt và sợi chỉ màu từ khi 12 tuổi, đến nay chị H’Trên Êban đã có hơn 20 năm gắn bó với thổ cẩm, và là một trong những người có tay nghề giỏi ở buôn Kmrơng Prong A.
Chị H’Trên Êban cho biết: “Tôi học dệt từ khi 12 tuổi, nghề dệt truyền thống đã được 4 đời rồi, từ hồi bà cụ đến bà ngoại rồi tới mẹ và giờ tới tôi. Vì đồ này là đồ truyền thống của dân tộc, phải giữ gìn đồ truyền thống về lâu dài. Sau này, truyền cho con gái, cho cháu của mình".
Bắt đầu làm quen với nghề dệt thổ cẩm từ khi mới 12 tuổi, chị H’Trên Êban đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề truyền thống
Cũng với ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc, bà H’Biếk Byă ở buôn Kmrơng Prong A, xã EaTu, thành phố Buôn Ma Thuột, đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm hơn 30 năm.
Bà H’Biếk Byă tâm sự, để làm ra được sản phẩm thổ cẩm đẹp phải tốn rất nhiều thời gian, công sức; đòi hỏi người dệt phải kiên trì, khéo léo. Sản phẩm thổ cẩm làm ra vừa để sử dụng trong gia đình, vừa làm quà tặng trong các dịp cưới hỏi, mừng nhà mới, quà lưu niệm tặng khách quý.
Mặc dù sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, nhưng gia đình vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm theo phong tục từ xưa để lại.
Bà H’Biếk Byă chia sẻ: “Có ngày dệt, có ngày không, đi bán cũng khó, không được ổn định, không đủ nuôi gia đình, họ mà mở công ty mua thì được ổn định. Giữ bản sắc văn hóa từ cái hồi xưa, từ ông bà để lại cho con cháu sau này, để mãi để mãi, không làm mất đi công việc của mình. Sau này, để cho con cái mình học hỏi lâu dài, tại vì phong tục mà".
Dù là nghề truyền thống, được xã hội tôn vinh và chính quyền khuyến khích phát triển nhưng dệt thổ cẩm ở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột đang có nguy cơ mai một.
Ông Y Bây Kbuôr, Buôn trưởng buôn Kmrơng Prong A cho biết, buôn có 342 hộ, nhưng hiện chỉ còn 85 người biết dệt thổ cẩm, hầu hết là người lớn tuổi.
Dù việc tiêu thụ sản phẩm thổ cẩm gặp khó khăn nhưng bà H’Biếk Byă vẫn gắn bó với nghề truyền thống
Nhu cầu sử dụng thổ cẩm trong mỗi gia đình không còn nhiều, đặc biệt thế hệ trẻ chỉ ưa chuộng thời trang hiện đại. Mặc dù Nhà nước khuyến khích duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng thực tế nguồn thu nhập từ công việc này không đảm bảo cho cuộc sống.
Đã có nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm được thành lập, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn. Buôn trưởng Y Bây Kbuôr trăn trở, với tình hình này, nghề truyền thống của người Ê Đê trong buôn có nguy cơ thất truyền.
Buôn trưởng Y Bây Kbuôr cho biết: “Buôn mình vẫn còn duy trì được nghề truyền thống của ông bà để lại. Hiện tại, nói chung là lớp trẻ ít biết được nghề này, vì đa số các bạn học xong rồi đi làm xa, các cụ già, gọi là các nghệ nhân cao tuổi, đã ra đi. Nhưng sau này, nếu muốn nghề này tồn tại về lâu về dài, tôi mong có một tổ hợp tác tập trung các chị em lại. Hợp tác xã đó sẽ thu mua các sản phẩm của chị em mình làm ra. Nhưng mà hơi khó, thứ nhất phải có nguồn vốn và con người để làm, ví dụ một hợp tác xã cần ít nhất 15 người và phải đầu tư máy móc hơn 100 triệu đồng”.
Mặc dù chính quyền và ngành chức năng khuyến khích duy trì và phát triển, nhưng nghề dệt thổ cẩm của người Ê Đê ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn đứng trước nguy cơ mai một. Đây là nỗi trăn trở của những người có tâm huyết với nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Thảo Nguyễn/VOV Tây Nguyên