Cây lanh trong văn hoá ẩm thực
Từ xa xưa, người Mông trồng lanh không chỉ lấy sợi để làm ra những cái áo, cái quần, mà cây lanh còn sử dụng trong văn hoá ẩm thực. Mặc dù việc sử dụng các cành, lá, hạt lanh trong ăn uống chỉ ở mức hạn chế, nhưng nó đã tạo nên một nét độc đáo trong văn hoá ẩm thực người dân nơi đây.
Lá lanh thường được người Mông sử dụng như một thứ gia vị, phụ gia cho một món ăn nào đó để tăng sự hấp dẫn cho món ăn hay là thứ nguyên liệu để ăn kèm chữa bệnh. Việc này giống như người Kinh sử dụng các loại lá xả, gừng, hành... cho vào các món ăn. Khi nấu ăn, người Mông cũng biết lựa chọn các loại lá để làm phụ gia tăng thêm sức cuốn hút của món ăn.
Lá lanh có vị hơi chua và chát được dùng để ăn sống, nhất là khi rang thịt gà người Mông hay dùng lá lanh để cho thịt gà thơm hơn, hay khi kho cá, lá lanh cũng được dùng với mục đích làm át đi mùi tanh của cá. Đồng thời, khi chế biến món thắng cố - một món ăn truyền thống của dân tộc Mông, họ sử dụng khá nhiều phụ gia. Trong đó, lá lanh cũng được đưa vào làm một vị đặc biệt. Ngoài ra, lá lanh cũng được dùng để đun nước uống.
Cây lanh và trang phục người Mông
Khi nhắc đến người Mông đặc biệt là phụ nữ, mọi người thường nghĩ đến chiếc váy bằng vải lanh với những đường nét, màu sắc hoa văn đặc trưng không thể lẫn với một loại trang phục nào, với một dân tộc nào khác.
Người phụ nữ Mông luôn gắn liền với nghề trồng lanh dệt vải, bó sợi lanh như là vật bất ly thân của họ. Trên đường đi làm, đi chợ, trên đường đi gặp người yêu... người phụ nữ luôn xe lanh, nối sợi lanh.
Người phụ nữ Mông luôn gắn với nghề trồng lanh dệt vải
Từ cây lanh, cây chàm, sáp ong và các kỹ thuật giản đơn, họ đã sáng tạo nên một nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc. Nghề dệt vải được phát huy đến tầm cao của nghệ thuật hội hoạ và kỹ thuật may vá. Họ duy trì nghề dệt vải không phải vì kinh tế, mà đơn giản là các sản phẩm đó tạo ra từ lanh - một loài cây mang tín hiệu tộc người, nhắc nhở họ luôn luôn nhớ về cội nguồn.
Vì thế, dù hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại vải khác nhau, bền hơn, đẹp hơn, nhưng họ vẫn thích dùng loại vải lanh đó, loại vải mà do chính bàn tay, công sức lao động của họ làm ra.
Trong làm nhà
Nhà người Mông là kiểu nhà trình tường hay là các tấm ván xẻ được ghép với nhau, mái nhà là hệ thống các cột, kèo, xà được nối với nhau bởi kỹ thuật ngàm hay mộng và buộc lạt. Do vậy khi làm nhà, người Mông sử dụng những sợi lanh thay thế cho lạt để buộc các kèo và xà với nhau, các cánh cửa, những tấm ván ghép thành tường... Bởi sợi lanh sau khi được phơi và luộc nên rất dai và không dễ bị mục.
Hơn nữa, theo quan niệm của người Mông thì cây lanh có sức sống vĩnh cửu, do vậy, họ dùng lanh để buộc cũng với ý nghĩa hy vọng mái nhà của mình sẽ được bền chặt, không bị hỏng.
Trong đám cưới
Quy định trang phục cưới của cô dâu chú rể phải là những bộ trang phục làm từ vải lanh, được thêu thùa rất kỳ công. Ngoài ra, người Mông ở một số vùng như xã Lùng Tám, huyện Quảng Bạ, tỉnh Hà Giang còn có tục lệ khi tổ chức hôn lễ bắt buộc phải có hai cuộn vải lanh, mỗi cuộn dài khoảng 10 m, cuộn màu trắng dành cho cô dâu, cuộn màu đen dành cho chú rể, hai cuộn vải này trải ra và cuộn lại theo các nghi thức được thầy cúng hướng dẫn.
Vẽ hoa văn trên vải thổ cẩm của người Mông, tỉnh Hà Giang
Trong tang ma
Lễ tang của người Mông là một hiện tượng văn hóa đặc sắc bao gồm nhiều nghi lễ khác nhau, phản ánh quan hệ về lịch sử xã hội, về cộng đồng dân tộc. Trong đám ma của người Mông chia làm hai lần: làm ma tươi lúc có người vừa mới chết và lễ ma khô lúc người chết đã chôn được nửa tháng trở đi. Trong lễ tang, người Mông quy định trang phục cho người chết phải làm từ vải lanh, như vậy khi sang thế giới bên kia ông bà, tổ tiên mới nhận ra. Người đến phúng viếng cũng phải mặc vải lanh, do đó lanh là một sản phẩm không thể thiếu.
Người chết có bao nhiêu con sẽ được bấy nhiêu bộ trang phục bằng lanh do con gái và con dâu làm cho. Nhìn vào số khăn đắp lên mặt người chết ta có thể biết được người chết có bao nhiêu con. Vì thế người con gái Mông sau khi lấy chồng, ngoài trách nhiệm may quần áo cho chồng con, họ còn phải chuẩn bị cho bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng mỗi người một bộ trang phục bằng vải lanh để mặc khi chết.
Người Mông ở một số nơi treo cáng người chết gần bàn thờ tổ tiên, cáng này tượng trưng cho ngựa trời, khi khênh người chết ra bãi chôn, người Mông phải dùng dây lanh buộc thi hài vào cáng, nếu người chết không có con trai thì buộc bằng sợi lanh, nếu người chết có con trai thì buộc bằng vải lanh trắng do người con dâu dệt cho. Dây lanh hoặc vải lanh, ngoài tác dụng giữ cho thi hài người chết không bị rơi ra khỏi cáng khi khênh đi chôn, nó còn có vai trò là dây “dắt ngựa”, dây dẫn đường cho người chết về với tổ tiên.
Trang phục của phụ nữ Mông luôn được chị em lưu giữ và sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Ảnh: Xuân Tư
Trong đời sống tâm linh
Không chỉ đóng vai trò trong tín ngưỡng, lanh còn là chất liệu đặc sắc của văn hóa Mông. Lanh không chỉ đi vào thơ ca trở thành biểu tượng của phụ nữ, của tình yêu, niềm khát khao hạnh phúc. Biểu tượng ấy càng sâu sắc hơn khi cây lanh, vải lanh, sợi lanh được đặt ở vị trí trang trọng linh thiêng. Lanh thành cây thiêng, vật dẫn đường sang thế giới siêu nhiên, lanh là vũ khí thiêng trừ tà.
Lanh còn là vật bảo vệ người Mông. Hàng năm, trước khi vào mùa phát nương, làm rẫy, đồng bào bao giờ cũng tổ chức lễ cúng bảo vệ hồn những người trong gia đình. Toàn bộ thành viên gia đình phải ở trong nhà khi làm lễ cúng. Thầy cúng lấy sợi dây lanh bôi máu chó buộc xung quanh vách nhà với ý niệm hồn của mọi người được bảo vệ, không gặp tai nạn khi làm nương rẫy.
Trong lễ giải hạn cho dòng họ, thầy cúng dùng một tấm vải lanh trắng nhúng nước thiêng cúng gà, cầu mong thần linh nhập vào tấm vải lanh và che chở cho các thành viên dòng họ. Kết thúc buổi lễ, trưởng họ dùng kéo cắt vải lanh thành nhiều mảnh phát cho từng hộ gia đình. Các gia đình chôn mảnh vải lanh trước cửa nhằm tạo ra bức tường vô hình ngăn chặn ma ác vào nhà. Riêng trưởng họ lại treo tấm vải lanh trước cửa chính trừ tà ma cho cả dòng họ.
Minh Hoàng/ langvietonline.vn