Tại vùng đất cách mạng Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn), hàng trăm năm nay vẫn tồn tại một ngôi làng nổi tiếng với nghề làm ngói âm dương
Từ chân đèo Tam Canh, rẽ trái chưa đầy 50m, hai bên đường san sát những lán trại, bên trong từng hàng, từng hàng ngói máng thô mộc nhiều vô kể xếp đều tăm tắp đang chờ vào lò nung. Cách đó là những lò ngói mộc mạc, đơn sơ vẫn đều đặn nhả khói. Người giẫm đất, xén đất, người lọc sỏi, người vào khuôn… xung quanh chỉ còn âm thanh của “ngói chín” va vào nhau khi được lấy ra từ lò. Tất cả tạo nên khung cảnh hết sức bình dị của một làng quê.
Ngói âm dương hay còn gọi là ngói máng, là vật liệu xây dựng truyền thống để lợp những mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Nghề làm ngói âm dương đã xuất hiện ở đây cách đây hàng trăm năm. Với khoảng hơn 50 hộ dân làm nghề, tại đây hàng ngày vẫn nhộn nhịp xe chở ngói cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Bàn tay khéo léo của người thợ trong công đoạn đóng ngói
Công đoạn giẫm đất tạo độ dẻo và nhuyễn
Lọc sỏi là một khâu quan trọng quyết định độ mịn của viên ngói âm dương
Công đoạn nung đòi hỏi yêu cầu cao nhất về kỹ thuật
Ông Hoàng Công Ngọc (83 tuổi), người đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề làm ngói ở xã Long Đống cho biết, nghề này du nhập vào vùng đất Bắc Sơn từ rất lâu rồi. Vùng đất thuộc khu giáp ranh hai xã Long Đống và Quỳnh Sơn có loại đất sét rất phù hợp với yêu cầu, kỹ thuật làm ngói. Các nghệ nhân xưa đã mày mò học hỏi kiểu dáng mái ngói ở nhiều nơi, sau đó sáng chế ra những viên ngói âm dương đặc trưng miền sơn cước xứ Lạng.
Ông Hoàng Công Ngọc chia sẻ: “Trước đây, các cụ gọi là ngói máng, sau này gọi là ngói âm dương bởi trong cách lợp ngói có viên úp, viên ngửa. Người Tày đa số hiện nay vẫn ở nhà sàn, mà nhà sàn truyền thống tất yếu là dùng ngói âm dương bởi ngói này ưu điểm nhẹ, kín, mùa mưa không dột, mùa hè thì thoáng mát.”
Mỗi lò ngói thường tập trung 2-3 gia đình họ hàng làm chung. Dịp này các lò hoạt động hết công suất. Mỗi lò nung chứa được từ 40.000 - 60.000 viên ngói. Để làm mái ngói tốt thì khâu đầu tiên là phải chọn được đất, đất được thái nhỏ để loại bỏ đá sỏi, sau đó tưới nước ủ 20 ngày để đất dẻo, khi nung ngói sẽ không bị sống, sau đó mới giẫm sao cho đất được trộn đều và dẻo quánh. Sau khi đất đã được làm dẻo sẽ được những người thợ ở đây đóng vào khuôn, đợi khô và cho vào lò nung. Công đoạn nung đòi hỏi yêu cầu cao nhất về kỹ thuật.
Mỗi lò nung chứa được từ 40.000 - 60.000 viên ngói, nung liên tục trong khoảng thời gian từ 10 – 15 ngày đêm
Ông Hoàng Công Ngọc cho biết: “Đối với lò đun tròn thì ngói được xếp vào nhau như là úp bát nhưng phải úp sao cho thẳng, nếu úp cong thì ngói sẽ bị nứt nẻ, đổ vỡ. Ban đầu nung phải đốt từ từ khi nào thấy các ống hơi hết khói nước màu trắng, chuyển sang màu vàng thì tăng củi lên dần dần. Nhưng khi thấy lò đỏ sáng, các vách lò chuyển màu bạc thì lại phải đốt từ từ, nếu đốt to lửa quá thì ngói bên trong lại nhão ra, đổ và méo mó.”
Gia đình anh Hoàng Công Hưng, trú tại thôn Long Hưng, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn đã có truyền thống sản xuất ngói 3 đời nay. Hàng năm, gia đình sản xuất được khoảng 400.000 viên ngói với giá bán ra thị trường 1.600 đồng một viên. Nhờ duy trì nghề làm ngói, thu nhập của gia đình luôn ổn định, tạo công ăn việc làm cho gần chục lao động cố định và thời vụ.
Anh Hoàng Công Hưng cho biết: “Sản phẩm của gia đình mấy năm vừa rồi cũng mang bán ở Quảng Nam, Huế, Hà Nội, Bắc Ninh, Lào Cai và Hà Giang. Duy trì nghề về vấn đề thu nhập cho gia đình là quan trọng, một phần đây cũng là nghề truyền thống của địa phương. Làng nghề đã có từ thời cha ông truyền lại, đến bây giờ vẫn duy trì được thì cũng là một niềm tự hào của những người làm nghề như tôi.”
Hiện trên địa bàn xã Long Đống, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn có hộ sử dụng nhà sàn chiếm trên 98%, trong đó phần lớn các gia đình vẫn duy trì sử dụng ngói âm dương truyền thống. Việc bảo tồn và phát huy giá trị của làng làm ngói âm dương cũng có những thuận lợi, khó khăn nhất định.
Từ công trình nhà sàn của người dân miền núi đến các công trình hiện đại, mái ngói âm dương là biểu tượng sự hòa hợp giữa đất và trời, mang theo niềm tin về một cuộc sống yên bình, giản dị và đậm nét truyền thống
Ông Hoàng Công Hòa, Chủ tịch UBND xã Long Đống, huyện Bắc Sơn cho rằng: “Làng làm ngói âm dương truyền thống cũng được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các hộ gia đình và sự ủng hộ của các cụ cao niên trong làng, thành lập được những lớp dạy nghề cho lớp trẻ để duy trì. Tuy nhiên, khó khăn trong việc duy trì nghề làm ngói âm dương là các hộ gia đình đang thiếu nguyên vật liệu là đất làm ngói, do lượng đất đạt chuẩn ở địa phương đã cạn dần. Cùng với đó là cũng chưa thành lập được các hợp tác xã, hiện tại là chỉ các hộ gia đình đơn lẻ đứng ra thực hiện.”
Bà Dương Hồng Hạnh, Phó trưởng Phòng Thông tin và Văn hóa huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn cho biết, địa phương đã có những đề án định hướng, phát huy bảo tồn làng làm nghề truyền thống và đưa làng ngói âm dương tại xã Long Đống thành sản phẩm du lịch trải nghiệm trong thời gian tới.
Bà Dương Hồng Hạnh cho hay: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền để đồng bào thấy được vai trò và ý nghĩa của ngôi nhà sàn được lợp bằng ngói âm dương. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tham mưu UBND huyện phối hợp với Sở Ngoại vụ xây dựng đề án bảo tồn phát huy làng nghề truyền thống của địa phương, kêu gọi nguồn kinh phí. Chúng tôi cũng sẽ quy hoạch, định hướng phát triển du lịch tham quan trải nghiệm tại làng làm ngói âm dương.”
Người dân tộc Tày có câu “Mừng chắc, câu chắc, pài ngọa chắc” (mày biết, tao biết, mái ngói biết), nghĩa là mái ngói như một nhân chứng lặng thầm, không chỉ chở che cho con người mà còn cả những vui buồn, ký ức tốt đẹp theo tháng năm. Âm dương hài hòa cũng là mơ ước của người Việt về một gia đình trên kính dưới nhường, hòa hợp, hạnh phúc. Từ công trình nhà sàn ở người dân miền núi đến các công trình hiện đại kiến trúc kết hợp, mái ngói âm dương còn là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa đất và trời mang theo niềm tin về một cuộc sống yên bình, giản dị và đậm nét truyền thống./.
CTV Mai Linh/VOV Đông Bắc