Văn hóa

Độc đáo Tết khai hạ

10:54 - 11/02/2019
Buổi chiều ngày mùng 7 Tết Nguyên Đán, người Việt thường làm lễ hạ cây nêu, còn gọi là lễ khai hạ để kết thúc dịp Tết. Tuy nhiên đến nay, phong tục này đã phần nào mai một.
Tết Khai Hạ tại Mường Bi, Hòa Bình
Tết Khai Hạ tại Mường Bi, Hòa Bình

Ngày mồng Bảy kết thúc Tết Nguyên Đán thì cũng là lúc Tết khai hạ được bắt đầu. Tết Khai Hạ là một nghi thức để kết thúc dịp nghỉ lễ dài nhất trong năm đồng thời cũng mở ra một mùa xuân nhộn nhịp với vô vàn các lễ hội trên mọi miền đất nước. Tết khai hạ bản chất là ngày lễ hạ cây nêu, đến nay, cây nêu không còn quá phổ biến nhưng người Việt vẫn tiến hành làm lễ này như một phần của văn hóa tâm linh.

Tục trồng cây nêu mỗi dịp Tết đến là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Cây nêu là một thân cây được người dân Việt Nam nói chung, bao gồm cả một số dân tộc thiểu số và người Kinh, đem trồng trước sân nhà mỗi dịp tết Nguyên Đán, trên ngọn cây đeo một vòng tròn nhỏ và treo nhiều vật dụng có tính chất biểu tượng tùy theo địa phương, phong tục, dân tộc. Cây nêu được dựng với mục đích ban đầu, theo truyền thuyết, nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Tuy nhiên, theo thời gian, theo địa phương, theo dân tộc và tập quán của cộng đồng, ý nghĩa của việc trồng cây nêu ngày Tết mỗi nơi mỗi khác.

Cây nêu ngày Tết

Tại miền Bắc Việt Nam, cây nêu thường được người Kinh dựng vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch, là ngày Táo quân về trời, với quan niệm rằng từ ngày này cho tới đêm giao thừa, vắng mặt Táo công, ma quỷ thường nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu. Ngày dựng cây nêu gọi là lên nêu, và ngày 7 tháng giêng âm lịch, ngày làm lễ dỡ cây nêu xuống, gọi là ngày hạ nêu. Người Mường trồng cây nêu vào ngày 28 tháng Chạp âm lịch, trong khi đó cây nêu của người H’ Mông vùng Tây Bắc Việt Nam được dựng trong lễ hội Gầu tào (cầu phúc hoặc cầu mệnh) tổ chức từ ngày 3 đến ngày 5 tháng giêng âm lịch. Nghi thức hạ nêu được gắn liền với Tết khai hạ - một trong những Tết nằm trong hệ thống lễ Tết quan trọng của người Việt.

Cây nêu được dựng vào 23 tháng Chạp  

Tết khai hạ có một ý nghĩa quan trọng đối với người Việt, nó vừa là sự kết thúc vừa là dấu mốc cho sự khởi đầu của xuân sang. Người Việt chúng ta vốn coi trọng tín ngưỡng tổ tiên. Theo quan niệm dân gian, trong suốt dịp Tết nguyên đán, trước khi làm Lễ tạ (lễ Khai hạ), các vị thần linh và những bậc gia tiên luôn luôn ngự trên ban thờ mỗi nhà, họ về ăn tết cùng con cháu, gia chủ.

Lễ hạ nêu tại Đại nội Huế 

Ngày lễ khai hạ là một trong những ngày lễ đặc biệt thể hiện lòng biết ơn của người Việt đối với Trời, Phật, Thần linh và gia tiên, sau một năm đã trở về “ăn tết” cùng gia đình, để chứng giám cho lòng thành, sự hòa thuận đầm ấm của gia đình đó. Lễ khai hạ mang trong mình cội nguồn văn hóa và tâm lý dân tộc, nó nhắc nhớ cho những thế hệ tiếp nối về nguồn cội và ý thức tự giác từ trong tâm.

Mâm cúng Tết khai hạ giống với mâm cúng bình thường 

Tuy là một ngày lễ thiêng liêng, giàu bản sắc và chứa đựng những giá trị văn hóa đáng quý, nhưng Tết khai hạ đang dần trở nên xạ lạ đối với các thế hệ trẻ Việt Nam. Vài năm trở lại đây, phong tục trồng cây nêu ngày Tết đã dần mất và được thay thế với tục chơi hoa đào, hoa mai ngày Tết. Có lẽ đối với những thế hệ tương lai của đất nước, các em chỉ còn biết đến cây nêu của dân tộc qua câu thơ:

"Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh"

Anh Vũ, theo Báo Du lịch