Văn hóa

Hát xẩm xứ Nghệ đạt giải A Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc

16:06 - 09/12/2019
CLB Xẩm Nghệ thuộc Đoàn Nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội đạt giải cao tại Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc.

Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc năm 2019 Do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa Thể thao Ninh Bình, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc - Viện nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc diễn ra từ ngày 3-4/12 tại Ninh Bình.

Tại Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc 2019 vừa qua, CLB Xẩm Nghệ thuộc Đoàn Nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ tại Hà Nội đã mang đến chương trình dự thi với tên gọi “Lắng tiếng quê hương” với các làn điệu hát xẩm đặc sắc của xứ Nghệ như: Xẩm Thuốc Nam, Xẩm Kiều, Giặm Xẩm, Xẩm Thương, Xẩm Nam.. Do nghệ sỹ Trẻ Thanh Phong biên kịch và đạo diễn, Dàn dựng âm nhạc Nhạc sỹ Thúy My, Biên đạo múa: NSUT Hiền Trang.

Hát xẩm xứ Nghệ đạt giải A Liên hoan hát Xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc. Ảnh: Dai Dao

Chương trình “Lắng Tiếng quê hương” kể câu chuyện của lời mẹ ru con với điệu Xẩm Thương mang lời non nước, câu xẩm đưa con về tích xưa với nàng Kiều tài sắc một thủa long đong, câu xẩm dạy con thêm yêu đất và người trải qua bao gian lao cùng cực từ kiếp đời nô lệ đến ngày vinh quang. Hôm nay đây câu xẩm vang lên cùng lời ca đất nước có Đảng dẫn đường phơi phới cờ hoa, có lời Bác Hồ lời của nong sông trong ngày vui Độc Lập.

Chương trình đã gây được sự xúc động mạnh cho giám khảo và khán giả đến xem. Đoàn không làm đơn điệu là diễn các bài mà lại xâu chuỗi thành một ca cảnh xẩm có nội dung có hình tượng nghệ thuật nhưng không làm mất đi vốn cổ và phong cách diễn xướng dân gian xưa cũ.

Nghệ sỹ trẻ Lê Thanh Phong – trưởng đoàn Nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ, đạt giải A của liên hoan với tiết mục Lẩy, Xẩm Kiều “Chị em Thúy Kiều” Trích Truyện Kiều Đại thi hào Nguyễn Du chia sẻ: "Ban đầu, tôi cảm thấy rất lo lắng khi 14/15 CLB về dự thi điều hát xẩm của Miền Bắc đã quen thuộc như: Xẩm tàu điện, Xẩm Chợ, Ba Bậc, Chênh bong…, Cá nhận tôi và toàn đoàn đã quyết tâm cố gắng làm thật tốt, và kết quả may mắn đã mỉm cười".

Bên cạnh đó Tiết mục Xẩm Thương “Thập ân Phụ Mẫu” lời cổ đạt giải C và liện khúc Giặm Xẩm, Xẩm Nam “Kể chuyện ngày xưa - Xứ Nghệ quê ta” của tác giả Nguyễn Trung Phong và Thanh Lưu là một trong những tiết mục xuất sắc.

Nghệ sỹ trẻ Lê Thanh Phong – trưởng đoàn Nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ. Ảnh: Dai Dao

Nhạc sỹ Thao Giang, Giám đốc Trung tâm phát triển âm nhạc nghệ thuật Việt Nam, trưởng ban giám khảo nhận xét về các bạn Trẻ Nghệ An đã đưa được dòng Xẩm Nghệ ra đến đất Bắc đi thi là một điều đáng trân trọng và phải khích lệ các em sáng tạo hơn nữa những vẫn giữu được hồn xẩm cổ trong dân gian. Minh chứng cho việc hát xẩm rất đa dạng và qua mỗi vùng miền lại kết hợp với văn hóa bản địa, thổ âm giọng nói để phù hợp với cuộc sống nhân dân.

Theo UBND tỉnh Ninh Bình, tham gia Liên hoan là các nghệ nhân, nghệ sỹ, câu lạc bộ hát xẩm các tỉnh, thành phố phía Bắc. Ban Tổ chức cho biết, có 9 tỉnh, thành với 15 đoàn tham gia Liên hoan. Clb Xẩm Nghệ - Đoàn NT Unesco Di sản dân ca xứ Nghệ đã góp thêm một bông hoa đẹp trong vườn hoa nghệ thuật hát xẩm Quốc gia. Thành công của Liên hoan là tiền đề quan trọng để Ninh Bình tiếp tục xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận xẩm là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và nhân loại trong thời gian tới./.

Hát Xẩm là một loại hình dân ca truyền thông của dân tộc Việt Nam. Theo dòng chảy văn hóa của người dân Việt đi mở cõi từ Bắc vào Nam, nghệ thuật xẩm cũng đồng hành trên chặng đường ấy. Khi về với xứ Nghệ bao gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Hát xẩm đã được nhân dân xứ Nghệ đón nhận và Nghệ hóa theo thổ âm tiếng nói và phong tục địa phương để ra đời loại hình hát xẩm riêng của xứ Nghệ. 

Hát xẩm xứ Nghệ khá đa dạng với các làn điệu, phù hợp với đời sống và phong cách của nhân dân Nghệ Tĩnh. Như xẩm chợ khi vào Nghệ Tĩnh được gọi là xẩm Nam, nghề đi rừng hái thuốc thì hình thành ra điệu Xẩm Thuốc Nam với cách hát di dỏm, vui vẻ,  trong hát ru con thì có điệu Xẩm Thương điển hình là bài “Thập ân phụ mẫu”, rồi xẩm vẫn có mặt trong dân ca Ví và Giặm tạo là làn điệu “Giặm xẩm” làm phong phú thêm cho dân ca Ví, giặm của Nghệ Tĩnh. Ở Nghệ Tĩnh thường thích đọc và mê Truyền Kiều của đại thi hào Nguyễn Du có nhiều cách chơi Kiều như “Lẩy Kiều, diễn trò Kiều, Ngâm Kiều, Ví Kiều, thì có thêm hát Xẩm Kiều rất đặc sắc. 

Cho đến nay hát xẩm ở Nghệ vẫn được nhân dân yêu thích và tùy từng hoàn cảnh để sử dụng làn điệu mà hát cho phù hợp với tâm trạng. Trong kịch hát dân ca xứ Nghệ, hay các buổi biểu diễn dân ca các làn điệu hát xẩm xứ Nghệ vẫn được sử dụng và đặt lời mới được nhân dân yêu thích. 

Hát xẩm ở xứ Nghệ như góp thêm một bông hoa đẹp trong vườn hoa nghệ thuật hát Xẩm Việt Nam.

Theo VOV.VN