Đi qua chiếc cổng gỗ bạc màu thời gian, theo lối vào nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đập vào mắt là hàng chè tàu xanh mướt, được cắt tỉa gọn gàng, đều tăm tắp. Ngôi nhà cũ nằm bên bờ sông Kiến Giang thuộc thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình gắn liền với bao kỷ niệm tuổi thơ của Đại tướng.
Trước đây, trong thời chiến, căn nhà đã từng bị đốt cháy hoàn toàn. Năm 1977, theo nguyện vọng của gia đình Đại tướng, căn nhà được xây dựng lại trên nền móng cũ theo đúng nhà cũ trước đây. Ngôi nhà lợp mái đơn sơ, dưới mái lợp thêm chái tranh làm cửa chống lên che mưa, che nắng. Bên trong nhà bài trí đơn sơ với gian chính giữa là nơi đặt bàn thờ tổ tiên cùng ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gian bên hông có một chiếc rương lớn đựng các vật dụng còn lại của gia đình. Phía ngoài hiên là hai bộ bàn ghế để tiếp khách. Xung quanh nhà còn treo nhiều ảnh kỷ niệm.
Ông Võ Đại Hàm, người gọi Đại tướng bằng ông theo vai con cháu trong họ năm nay đã gần 80 tuổi là người trông coi Nhà lưu niệm, chăm lo hương khói trên bàn thờ Đại tướng cho biết: “Ngôi nhà nằm trên đất nhà của các cụ ngày xưa, cũng làm bằng gỗ như thế này. Khi Pháp tái chiếm Quảng Bình, thường đi ca nô từ Đồng Hới chạy theo sông Kiến Giang lên càn quét và đã đốt ngôi nhà này. Sau khi Giải phóng, huyện xây dựng lại ngôi nhà, mọi người đều mong muốn Đại tướng khi về quê có chỗ để ở".
Việc trông coi Nhà lưu niệm do gia đình ông Võ Đại Hàm và bà Trần Thị Vân, là con cháu dòng họ Võ đảm nhận. Đồng bào và chiến sỹ cả nước khi đến viếng thăm được đón tiếp chu đáo và nghe kể lại nhiều câu chuyện về tuổi thơ của Đại tướng.
Dù đã nhiều lần đến ngôi nhà này, nhưng mỗi lần bước qua bậc cửa, cựu chiến binh Phan Thế Vinh không khỏi bồi hồi, xúc động. Bởi những lần Đại tướng về thăm quê, ông là một trong những người có vinh dự được gặp gỡ, trò chuyện cùng Đại tướng.
Cựu chiến binh Phan Thế Vinh, ở xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy tâm sự: "Có gì đó thôi thúc mình là cứ mỗi năm đến ngày mất của bác Giáp hay đến ngày kỷ niệm sinh nhật bác Giáp hay những ngày lễ tôi đều muốn tề tựu về đây và nhớ về bác. Dường như bác Giáp vẫn đang còn sống và trở về trong ngôi nhà này".
Tuổi thơ của Đại tướng gắn liền với con sông quê, dòng Kiến Giang hiền hòa xanh biếc. Bà Ngô Thị Bảy, ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy chia sẻ, những lần Đại tướng về thăm quê nhà, bà con làng xóm ra đón rất đông.
Ban đêm, địa phương, bà con làng xóm tổ chức hát hò khoan ngay tại khoảnh sân trước Nhà lưu niệm. Bà Bảy cùng đội văn nghệ quần chúng trong xã Lộc Thủy biểu diễn những làn điệu hò khoan mộc mạc, chất phác. Bà Bảy nhớ lại, lúc đó, Đại tướng ngồi bên bậc cửa hiên nhà, quây quần xung quanh là gia đình và đông đảo bà con, vỗ tay theo những làn điệu hò khoan, không khí gia đình, tình làng nghĩa xóm thật ấm áp.
“Lần đầu tiên gặp Đại tướng, lúc đó vừa mừng, vừa run khi bác đến bắt tay. Tôi lúc đó cũng còn trẻ, nói: 'Dạ cháu cám ơn bác', cầm tay bác mà tôi xúc động thốt lên 'Tay bác mềm quá, mà tay cháu thì cứng' rồi thấy bác cười. Nét mặt của ông như thể không là một vị tướng nữa mà giống như một người cha, người ông của quê hương mình, thân thiện, tình cảm và thương dân", bà Bảy tâm sự.
Ngôi nhà đơn sơ bên dòng Kiến Giang gắn liền với biết bao kỷ niệm từ thời thơ ấu cho đến lúc Đại tướng tuổi cao sức yếu. Bây giờ, nhà lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành địa chỉ thân thuộc với rất nhiều người dân trên mọi miền Tổ quốc. Cuốn sổ lưu bút đặt giữa bàn trong ngôi nhà này còn in đậm những dòng chữ đầy ngưỡng mộ, sự quý trọng của đồng bào, chiến sỹ cả nước và bạn bè quốc tế khi đến thăm nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thanh Hiếu/VOV Miền Trung
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |