Cán bộ phóng viên Đài Phát thanh Pathet Lào làm việc trong hang đá. Ảnh tư liệu
Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, giọng nói khỏe khắn, rành mạch của bác Uday Xisaven khi ông đến Đài Phát thanh quốc gia Lào làm chương trình phát thanh 30 phút vào thứ Năm hằng tuần, không ai nghĩ đây đã là một người đã 83 tuổi, từng một thời vất vả làm phát thanh bí mật trong hang đá ở vùng rừng núi Nho Quan – Ninh Bình.
Đang học tập ở Thái Nguyên, được lệnh triệu tập của đồng chí Khamtai Siphandon, ông và 3 người bạn của mình về Hà Nội để tham gia thành lập Đài Phát thanh Pathet Lào phục vụ cuộc kháng chiến của Mặt trận Neo Lào hăc xạt. Với ông, những ngày học việc tại Đài TNVN, rồi những năm làm việc ở Đài Pathet Lào, sau này là Đài B1 khi Đài phải sơ tán từ Hủa phăn sang Ninh Bình luôn là quãng thời gian khó quên về đồng nghiệp, những người anh em Việt Nam.
Ông Uday Xixaven - một trong nhưng người đầu tiên tham gia thành lập Đài Pathet Lào
Ông Uday Xisave nhớ lại "Khi ở Hà Nội là đồng chí Nghị, đồng chí Linh. Khi về B1 thì đồng chí Hội, đồng chí Thiệu, rồi cả y tá, nhân viên Teletip… Phải nói là sự hợp tác Lào – Việt Nam, tình đoàn kết Lào - Việt Nam rất là mật thiết, đậm đà, gắn bó."
Chiến sự ở cả hai nước Lào - Việt ngày càng quyết liệt. Bộ đội, chuyên gia Việt Nam sang giúp đỡ quân đội Pathet Lào ngày càng nhiều và rất cần được thông tin về tình hình chiến sự tại Lào. Tháng 5/1966, Đài Pathet Lào bắt đầu phát chương trình thời sự tiếng Việt để đáp ứng nhu cầu ấy, đồng thời để thính giả Việt Nam hiểu thêm về cuộc kháng chiến của nhân dân Lào. Nhờ học giói tiếng Việt, làm văn hay, dù mới học hết cấp 2, ông Khamphay Suphavongtay được chọn về làm phát thanh viên cho Chương trình phát thanh tiếng Việt. Từ khi Đài còn ở Đống Đa- Hà Nội hay sau này sơ tán về Ninh Bình, các đồng nghiệp ở Đài TNVN luôn kề vai sát cánh với cán bộ, phóng viên của Đài Lào.
Ông Kham phay Suphavongtay - phát thanh viên tiếng Việt đầu tiên của Đài Pathet Lào
Ông Khamphay kể, nếu không có sự giúp đỡ ấy, chúng tôi khó có thể hoàn thành được trọng trách mà Cách mạng Lào giao phó: "Nếu không có chuyên gia Việt Nam giúp đỡ lúc đó thì chúng tôi không thế sống được. Thứ nhất là về sinh hoạt, thứ hai là về hoạt động của đài phát thanh. Vì cán bộ của chúng tôi còn ít lắm, về kỹ thuật, bá âm, phát xạ, chúng tôi mới có một ít cán bộ kỹ thuật thực tập ở Việt Nam. Chuyên gia các bộ phận họ đến giúp dỡ, hướng dẫn chúng tôi. Nếu không có sự giúp đỡ của Đài Tiếng nói Việt Nam thì chúng tôi không thể hoàn thành nhiệm vụ được."
Là phát thanh viên tiếng Lào của Chương trình phát thanh quân đội, nhưng có thời gian, bà Khăm Phap Keomouti vẫn sẵn sàng làm giúp Chương trình phát thanh tiếng Việt. Trong ký ức của bà, những năm tháng làm việc ở Đài B1 tại Nho Quan – Ninh Bình tuy vất vả nhưng lúc nào cũng nhận được sự quan tâm của anh em đồng nghiệp ở đài TNVN, nhất là Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh – Truyền hình Trần Lâm. Một kỷ niệm khó quên đối với bà và những người làm phát thanh ở đài B1 là khi nghe Bác Hồ qua đời. Ai cũng khóc, ai cũng buồn như cha mẹ mình mất vậy. Nhờ chất giọng ấm áp, bà được giao đọc lời điếu của Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và điếu văn của Tổng Bí thư Lê Duẩn. Vì quá xúc động mà phải đọc đi đọc lại mấy lần.
Bà Keomouti kể lại: "Lúc đó mặt trận chiến tranh ác liệt mà, mình được đóng góp động viên bộ đội và nhân dân Lào chiến đấu, mình thấy rất là vinh dự, rất phấn khởi. Khi Bác Hồ mất, cán bộ chiến sĩ ở đây rất buồn, rất nhớ Bác. Buồn như cha mẹ mình mất vậy. Ai cũng không cầm được nước mắt. Tôi vinh dự được đọc lời điếu của Trung ương Lào, cả điếu văn của ông Duẩn ( TBT Lê Duẩn) tôi cũng đọc cả tiếng Lào và tiếng Việt đấy. Xúc động lắm, đọc mấy lần mà không được. Phải cố gắng lắm mới làm được đấy."
Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng nghiệp ở Đài TNVN mà đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài B1 đều trưởng thành. Đến năm 1974, khi Đài chuyển về lại Sầm Nưa, đội ngũ này đủ sức điều hành hoạt động của Đài. Khi Lào giải phóng năm 1975, họ đã làm chủ hoàn toàn Đài phát thanh Viêng Chăn phục vụ cho công tác tuyên truyền xây dựng chính quyền Cách mạng.
Đã 60 năm qua đi, những người làm phát thanh ở Đài Phát thanh Pathet Lào bây giờ hầu hết đã tuổi cao sức yếu. Tuy nhiên, những kỷ niệm về một thời làm phát thanh kháng chiến ở Việt Nam thật khó quên. Ai cũng mong được có dịp quay lại thăm nơi mà mình đã từng cống hiến cả tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân lào, được thăm lại Đài TNVN - cái nôi đã đào tạo mình, được gặp lại những đồng nghiệp, những người anh đã từng cầm tay chỉ việc giúp mình trưởng thành, làm tròn nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân Lào tin tưởng giao phó, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng đất nước mà hai dân tộc Việt – Lào cùng một kẻ thù chung./.
Vân Thiêng, Đặng Thùy/VOV Vientiane