Bài hát đưa tên tuổi của ông đến với nền âm nhạc nước nhà như một nghệ sỹ tài năng. Những người yêu âm nhạc còn được biết đến nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển với nhiều ca khúc hay về miền Tây Nam bộ như: "Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang", "Đau xót lý chim quyên"… Ông còn là một nhà văn, nhà báo, nhà dịch thuật… với nhiều bút danh: Đồ Bì, Đinh Ba, Mạc Đại… Ông đã rời cõi trần vào khuya 6/5 tại TP Hồ Chí Minh sau thời gian dài chống chọi với căn bệnh ung thư vòm họng.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thời trẻ.
Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển tên thật là Võ Hợi, sinh ra tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nhưng tuổi thơ ông gắn liền với vùng đất Duy Xuyên. Nơi đây được ví như “nàng thơ đẹp” gieo vào lòng ông bao cảm hứng. "Thu" trong ca khúc “Thu hát cho người” nói về một nữ sinh xinh đẹp. Chàng học sinh Võ Hợi thầm yêu, trộm nhớ nàng Thu. “Thu hát cho người” bước vào làng âm nhạc Việt Nam từ mối tình lãng mạn ấy. “Thu hát cho người” được đánh giá là một trong những bài hát về mùa thu hay nhất trong nền âm nhạc Việt Nam. Đối với nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, chính bài hát này đã khiến lòng ông không nguôi thương nhớ, trăn trở về hình bóng của “người năm xưa” cùng những chiều nắng vàng trên đồi sim trái chín và một thuở hoa niên đầy kỷ niệm.
Một ngày khi ông rời cõi nhân gian, chúng tôi tìm về vùng đất Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nơi nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển từng viết
“Ra đi ta nhớ một chiều tiễn đưa
Sông Thu ai đứng bên con đò xưa
Tre xanh còn in bóng nước
Sông trôi từ bao kiếp trước...”
Lời trong bài hát “Đường về của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển vẫn “bãi dâu còn đó nhưng chỉ nghe “tiếng ai vọng về”.
“Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển có công rất lớn với nền văn học nghệ thuật của cả nước chớ không riêng gì Quảng Nam. Ông có công rất lớn với nền âm nhạc Việt Nam đương đại. Đặc biệt là âm nhạc của các tỉnh miền Tây Nam bộ. Giai đoạn sau này thì ông quay về với quê hương, ông viết rất nhiều bài về Quảng Nam. Lúc ông còn khỏe thì hằng năm ông đều về quê, không những viết cho Duy Xuyên, ông còn viết cho Tam Kỳ, cho các huyện miền núi, viết cho Đại Lộc, Hội An, Đà Nẵng…”- Anh Đặng Minh, Phó Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Duy Xuyên tâm sự.
Những ca khúc của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển viết về quê hương Quảng Nam luôn sâu nặng nghĩa tình. Ca từ dạt dào cảm xúc, giai điệu tươi tắn như “Bài thơ quê lụa” “Chào Apsara”. Có lần nghe ông kể, để hoàn thành 15 ca khúc về Duy Xuyên trong Album “Giai điệu Duy Xuyên”, ông đã lặn lội hàng chục chuyến đi từ TP Hồ Chí Minh về quê nhà lấy cảm hứng sáng tác, rồi biên tập, dàn dựng album này. Ông Đặng Bá Dự, người em thân thương từng ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam tâm sự, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển dù bôn ba ở vùng đất phương Nam hơn nửa đời người nhưng ông luôn canh cánh nỗi lòng với quê hương. Tình cảm của nhạc sỹ dành cho quê nhà rất chân chất, mộc mạc. “Những lời thơ, lời nhạc, áng văn chương của ông mang đậm nét quê hương, đâu đó gốc gác, âm hưởng với những hình ảnh rất cụ thể về quê hương Quảng Nam”. Ông Đặng Bá Dự kể, cứ mỗi lần về thăm quê, nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển đều nhờ ông đưa đi xem những vùng đất điêu tàn trong chiến tranh, nay đã thay da đổi thịt.
“Nhớ cách đây 2 năm, lúc đó đưa ông lên cầu Giao Thủy nối đôi bờ Bắc- Nam của sông Thu Bồn, từ Đại Lộc qua Duy Xuyên, ông về sáng tác tặng quê hương 2 bài hát về cầu Giao Thủy. Đến nay, những âm hưởng, những tình cảm đó còn nguyên vẹn. Năm vừa rồi ông về đi trên con đường Điện Biên Phủ, con đường chiến lược nối trục cao tốc xuyên qua thành phố Tam Kỳ, ra biển Tam Thanh. Sau khi về ông sáng tác bài “Đường ra biển lớn”. Ngày ông ra đi thì đường ra biển lớn đó chạm tới biển.”- ông Đặng Bá Dự nhớ về Nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển như vậy.
Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển tại quê hương Quảng Nam.
Những ai biết về nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển đều cảm nhận ở ông lòng nhân ái, bao dung, thái độ từ tốn, khiêm nhường. Ông rất nhiều lần trở về quê hương tổ chức những đêm nhạc từ thiện. Bên cạnh tài năng thiên phú trên nhiều lĩnh vực, ông còn là người có tâm hồn rộng mở. Chị Nguyễn Thanh Vân, người con của quê hương Quảng Nam sống ở TP Hồ Chí Minh, cũng là hoc trò của nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển kể, con chị bị ung thư máu nên vài năm trở lại đây, chị sống trong bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Những ngày ở bệnh viện, chị thường đi thăm thầy Vũ Đức Sao Biển, cảm nhận nỗi đau thể xác của một người mắc bệnh ung thư. Chị Vân nói, dù cơ thể bị hành hạ trong cơn đau nhưng nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển vẫn gượng dậy, sáng tác cho đến hơi thở cuối cùng.
“Không ngờ thầy và trò gặp nhau trong hoàn cảnh éo le như thế này, chúng tôi thật sự không biết nói làm sao nữa nhưng số phận rồi. Căn bệnh ung thư là tiếng gọi của tử thần rồi, không thể nào chống lại được. Cho nên tôi chỉ biết nói rằng, gia đình tôi và tôi xin được gởi lời chia buồn đến gia đình thầy và kính chúc thầy an lạc.”- chị Vân nghẹn ngào.
Cuộc đời ai cũng có những chuyến ra đi và trở về. Với nhạc sỹ Vũ Đức Sao Biển, “đường về” Quảng Nam xa lắm nhưng cũng thật gần. Dù “Rừng núi mông mênh, ghềnh thác lênh đênh…Nhạc chiều chìm trong mắt biếc, mùa ấy hoa sim tàn…” Nhưng với một người nặng lòng với quê hương như Vũ Đức Sao Biển thì “Đường về” luôn làm ông xao xuyến điệu hò khoan. Bởi vậy nên Đường về Quảng Nam luôn thôi thúc ông”./.
Vũ Đức Sao Biển có 36 đầu sách đã xuất bản, sáng tác hơn 60 ca khúc, trong đó có những ca khúc đi vào lòng người như Thu hát cho người, Điệu buồn phương Nam, Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang... Đam mê tiểu thuyết kiếm hiệp, đặc biệt say mê tác phẩm của Kim Dung, Vũ Đức Sao Biển đã xuất bản bộ Kim Dung giữa đời tôi (4 tập: thượng, trung, hạ, kết) được độc giả các lứa tuổi tìm đọc./. |
PV/VOV Miền Trung