Bộ phim “Đảo đầu lâu” với kinh phí 185 triệu USD của đạo diễn Jordan Vogt-Robert chọn bối cảnh chính tại Việt Nam, là sự kiện thu hút dư luận quốc tế. Về mặt nhận diện nghệ thuật, “Đảo đầu lâu” mặc định là phần hai, ăn theo siêu phẩm “King Kong” lừng lẫy. Khi khởi chiếu vào tháng 1-2017, dù bị chê bai đủ kiểu, phim vẫn đạt doanh thu toàn cầu hơn 562 triệu USD, trong đó doanh thu tại Việt Nam hơn 7,4 triệu USD (168 tỷ đồng).
Rất nhiều cảnh quay của “Đảo đầu lâu” được thực hiện tại Tràng An, nên một phim trường được tái dựng nhằm có thêm sản phẩm du lịch. Đạo diễn Jordan Vogt-Robert cũng được mời làm Đại sứ Du lịch. Phim trường “Đảo đầu lâu” từng tạo cơn sốt cho du khách quốc tế đến Việt Nam, nhưng sức hấp dẫn không lâu bền. Những dịch vụ tại phim trường khiến Tổ chức văn hóa giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO) e ngại về xu hướng “giải trí hóa di sản”. Nói như lãnh đạo ngành văn hóa tỉnh Ninh Bình, nếu để lâu dài có thể khiến du khách hiểu lầm những thổ dân đó là người ở Tràng An, những giá trị văn hóa đó là giá trị văn hóa của Tràng An".
Phim trường này tái hiện cảnh sinh hoạt của một làng thổ dân châu Phi, với những túp lều chóp nhọn và nhiều dụng cụ sinh hoạt bằng tre nứa như vó, rổ rá… Ảnh: Lan Hương/ Vietnam Journey
Quả thật, phim trường “Đảo đầu lâu” không có ý nghĩa tinh thần bằng di sản Tràng An. Việc đặt phim trường “Đảo đầu lâu” ngay trung tâm di sản Tràng An là điều không mấy thuận lợi. Dỡ bỏ phim trường, theo giải thích của UNESCO vì nó là sản phẩm của công nghiệp văn hóa giải trí, tuy không sai trái nhưng những nội dung hư cấu không gắn với văn hóa địa phương, với giá trị của di sản và thiếu những diễn giải phù hợp, có thể gây nhầm lẫn những hư cấu này là một phần của di sản, làm ảnh hưởng tới hiểu biết của mọi người về di sản Tràng An.
Đó là câu chuyện của di sản, còn câu chuyện phim trường gắn với du lịch vẫn phải suy ngẫm thêm. Suốt 2 năm tồn tại của phim trường “Đảo đầu lâu” đã cho thấy người Việt vẫn chưa biết cách phối hợp điện ảnh và du lịch. Bằng chứng rõ nhất là chúng ta không tranh thủ thỏa thuận xây dựng phim trường này ngay từ đầu, vừa làm dịch vụ cho đoàn làm phim vừa tạo tiền đề cho sản phẩm du lịch.
Chúng ta chờ đoàn làm phim rút đi, mới mô phỏng lại của họ, vừa tốn kém vừa không đủ chính danh. Thí dụ, một mái tranh có hình ảnh diễn viên chính như Tom Hiddleston hoặc Brie Larson từng xuất hiện ở đó, sẽ thu hút hàng triệu người hâm mộ, khác hẳn một mái tranh được bắt chước kiểu dáng trong “Đảo đầu lâu”.
Phải thừa nhận “Đảo đầu lâu” là cơ hội hiếm hoi để Việt Nam có khái niệm phim trường làm du lịch, nhưng chúng ta không biết tận dụng. Do vậy phim trường Cổ Loa tại Hà Nội hoặc phim trường cổ trang Yên Tử đang xây dựng ở Quảng Ninh, vẫn là ẩn số. Về điều kiện thực tế, chúng ta có 2 địa chỉ tồn tại như 2 phim trường vĩ đại là phố cổ Hội An và cố đô Huế. Tuy nhiên, đem bộ phim nào vào đây để quay và lưu lại dấu vết lôi cuốn du khách, vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời.
Nội lực không đủ làm phim trường hoành tráng, đành phải trông chờ vào ngoại lực. Thế nhưng, làm cách nào để “lót ổ đón đại bàng” mời gọi những siêu phẩm quốc tế đến Việt Nam quay phim mới là vấn đề nan giải. Chính nhà sản xuất của bộ phim “Đảo đầu lâu” là ông Nicholas Simon, khi đi chọn bối cảnh tại Việt Nam đã đánh giá: "Việt Nam đẹp kỳ lạ, độc đáo và mới mẻ chưa bao giờ khán giả toàn cầu được thấy trên màn bạc. Thế nhưng, thủ tục thuế và hải quan gây khó khăn và thu hút các dự án hàng đầu quốc tế đến Việt Nam ghi hình. Sau những năm làm việc ở Đông Nam Á, tôi thấy Thái Lan dựng được dịch vụ sản xuất điện ảnh thành công nhờ các chính sách cởi mở. Thái Lan kéo được các dự án có kinh phí hơn 100 triệu USD đến quay phim".
Ngôi làng thổ dân trên phim trường "Đảo Đầu lâu" có đầy đủ các thành phần như: Tộc trưởng, người già, thanh niên, phụ nữ... Ảnh: Lan Hương/ Vietnam Journey
Nghĩa là Việt Nam chưa sẵn sàng mọi thứ, từ chính sách ưu đãi đến hạ tầng kỹ thuật để làm dịch vụ phim trường quốc tế. Nếu băn khoăn với ý kiến người ngoài có thể phiến diện, thử nghe ý kiến của người nhiều năm lăn lộn làm phim trong nước, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: “Một trong những nguyên nhân khiến các đoàn phim nước ngoài nản là việc duyệt phim tại Việt Nam tốn rất nhiều thời gian do liên quan nhiều ban ngành, nên nhiều khi chúng ta trả lời đồng ý họ đã chọn điểm quay ở nước khác rồi. Đáng buồn nhất là tình trạng một số đối tác trong nước (nhận nhiệm vụ cung ứng dịch vụ, hỗ trợ cho các đoàn làm phim nước ngoài) đã nâng giá, ăn chặn tiền của đoàn phim nước ngoài trả cho nhân viên, diễn viên người Việt, làm mất uy tín về hình ảnh những người làm điện ảnh Việt chân chính”.
Trên thế giới, có rất nhiều phim trường được xác định là điểm nhấn du lịch cho một vùng đất, hoặc một xứ sở. Nhiều quốc gia có nền điện ảnh phát triển gần đây đã dùng phim trường như một chiêu thức để mời gọi du khách Việt Nam. Thí dụ, sau khi bộ phim “Hậu duệ mặt trời” phát sóng, các hãng du lịch Hàn Quốc lập tức đưa ra tour tham quan phim trường của tác phẩm này.
Chủ nhân phim trường “Hậu duệ mặt trời”, ông Hong Seung-Pyo, không ngần ngại tiết lộ: “Chúng tôi in các tờ rơi bằng tiếng Việt và các thứ tiếng khác để ở sân bay, cửa khẩu giúp du khách dễ dàng biết chương trình khuyến mại và phương tiện đi đến phim trường này. Tờ rơi cũng giống như phiếu giảm giá cho mỗi du khách…
Khi đến phim trường “Hậu duệ mặt trời”, du khách được mặc quân phục của nhân vật Yoo Si-jin, được miễn phí tham quan, được chụp tặng một kiểu ảnh. Cũng tại phim trường này, du khách được tự làm thẻ bài quân nhân mang chính tên mình…”.
Tuy Hòa/ saigondautu.com.vn