Cục Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc vừa ra thông báo về việc tăng cường hơn nữa công tác quản lý các chương trình nghệ thuật và nhân sự làm trong lĩnh vực này, với nhiều biện pháp quyết liệt, nhằm tăng cường quản lý các chương trình giải trí.
Thông báo đưa ra 8 yêu cầu, trong đó bao gồm tẩy chay những cá nhân có hồ sơ vi phạm pháp luật và đạo đức, xóa bỏ tình trạng cát-xê "trên trời" và hiện tượng "nữ tính hóa" (tức "nương pháo") của các nghệ sĩ nam.
Thông báo nêu rõ, để khắc phục tình trạng chỉ chú trọng lượng truy cập, các cơ quan phát thanh, truyền hình và các nền tảng nghe nhìn trực tuyến Trung Quốc không được phát sóng các chương trình đào tạo (phát triển) thần tượng hoặc các chương trình thực tế và giải trí có con cái người nổi tiếng tham gia.
Các chương trình tìm kiếm tài năng phải kiểm soát chặt chẽ phần bỏ phiếu bình chọn, không được phép tổ chức các hoạt động hoặc kênh bình chọn, xếp hạng, cổ vũ... ngoài chương trình. Nghiêm cấm dẫn dụ, khuyến khích người hâm mộ bỏ phiếu trá hình bằng các hình thức vật chất, như mua sắm, nạp tiền thành viên... kiên quyết tẩy chay văn hóa hâm mộ không lành mạnh.
Các chương trình cần "thiết lập định hướng thẩm mỹ đúng đắn", phát huy văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng và văn hóa xã hội chủ nghĩa tiên tiến.
Thông báo cũng yêu cầu kiên quyết triệt tận gốc các hiện tượng "thẩm mỹ dị thường" như tình trạng "nữ tính hóa", tẩy chay các khuynh hướng giải trí phô trương sự giàu có hưởng thụ, đào sâu các tin đồn đời tư, các vấn đề nóng mang tính tiêu cực, người nổi tiếng theo hướng dung tục và đề cao sự xấu xí.
Cục Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về thù lao cho diễn viên, khách mời, vận động và khuyến khích các diễn viên, khách mời thể hiện trách nhiệm xã hội, tham gia vào các chương trình công ích. Xử phạt nặng những trường hợp vi phạm các quy định về thù lao, tình trạng "hợp đồng âm dương" hay trốn thuế.
Thông báo còn đưa ra các quy định tăng cường quản lý đối với người dẫn chương trình, yêu cầu họ tự giác tẩy chay mọi sự cám dỗ danh lợi, không được lợi dụng danh phận nghề nghiệp và sự nổi tiếng cá nhân để mưu cầu lợi ích không chính đáng, tự giác chịu sự giám sát của xã hội, phấn đấu là hình mẫu về đạo đức xã hội và xây dựng năng lượng tích cực.
Đây là động thái tiếp theo nhằm chấn chỉnh ngành giải trí và văn hóa tôn sùng thần tượng, chạy theo số đông của các cơ quan quản lý Trung Quốc.
Bích Thuận/VOV Bắc Kinh
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |