Bánh đa cua
Bánh đa cua Hải Phòng. Ảnh: ruoi.com.vn
Hải Phòng là xứ sở của bánh đa cua, món ăn bình dân nhưng lại làm mê đắm lòng người. Bánh đa đỏ được trần nước sôi, thêm rau muống đã luộc tái, rau rút, chả cá, chả lá lốt, hành lá thái nhỏ cùng gạch cua chưng, chan nước dùng ngon ngọt và hành phi thơm lừng. Hương vị đặc trưng này đã khiến nhiều người trót tương tư, lâu lâu lại muốn ghé Hải Phòng một lần để thưởng thức.
Bánh mì cay
Bánh mỳ que. Ảnh: Kenh14.vn
Bánh mì cay cũng là món ăn không thể bỏ qua khi đến với Hải Phòng. Chiếc bánh mì nhỏ bằng hai ngón tay nướng giòn, bên trong là lớp pate thơm ngon, béo ngậy, luôn khiến thực khách nao lòng. Người Hải Phòng ăn bánh mì kèm với chí chương - loại tương ớt đặc biệt chỉ có ở nơi đây.
Hải sản
Hải sản. Ảnh: Lozi.vn
Với các tín đồ yêu thích ẩm thực, hải sản ở Hải Phòng thực sự khiến bạn không thể quên bởi độ tươi ngon cũng như cách chế biến hấp dẫn.
Giá bể
Giá bể. Ảnh: songmoi.vn
Không phải người con miền biển nào cũng biết đến món giá bể (hay còn gọi giá biển) vừa lạ vừa ngon này. Giá bể sống ở bãi bồi ven biển, thường có quanh năm, hình thú giống con móng tay nhưng mỏng hơn, có chân giống như giá đỡ. Giá bể thường được xào chua ngọt hoặc làm nộm vừa hấp dẫn lại vừa dễ ăn.
Sủi dìn
Sủi dìn. Ảnh: cookpad.com
Sủi dìn là món ăn có xuất xứ từ người Hoa sống tại Hải Phòng trước đây. Về hình thức sủi dìn dễ bị nhầm lẫn là bánh trôi tàu. Tuy nhiên ở Hải Phòng, ngoài nhân đậu xanh, nhân đường thì vừng đen còn là một loại nhân đặc trưng của món này. Vị gừng cay ấm hòa quyện cùng món bánh ngon tạo nên sự ấm áp trong tiết trời se lạnh.
Bánh đúc tàu
Bánh đúc tàu. Ảnh: kenh14.vn
Bánh đúc tàu cũng là món ăn phổ biến ở Hải Phòng. Bánh đúc được cắt nhỏ, ăn kèm với tôm, thịt, đu đủ và nước mắm dấm, tạo nên món bánh đúc tàu với hương vị hấp dẫn.
Nem cua bể
Nem cua bể. Ảnh : thucphamsachhd.com
Khác với nem thông thường, nem cua bể hình vuông với phần nhân gồm mộc nhĩ, nấm hương, thịt, hành lá, miến, lòng đỏ trứng gà, giá đỗ… Đặc biệt, thịt cua là thành phần không thể thiếu.
Thạch găng
Thạch găng. Ảnh: foody.vn
Thạch găng hay còn gọi là thạch xanh, được làm từ lá găng, loại lá có nhiều ở các vùng trung du phía Bắc. Theo cách làm thạch găng truyền thống, lá găng rừng sẽ được đem phơi khô, bỏ hết gai sau đó rửa sạch, đổ nước sôi, vò nát và vắt kiệt đến khi hết chất trong lá. Thạch găng có màu xanh rêu lóng lánh, mềm mịn, hương vị đặc trưng hơi chát nhưng được ăn kèm với nước đường ngọt dịu, có tác dụng giải nhiệt rất tốt.
Thu Hiền