Khu di tích tọa lạc giữa không gian rộng lớn ngay chính quê hương của Trạng Trình tại xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo
Bước qua cổng tam quan với 3 chữ Hán: Trung Am từ (tức đền Trung Am) là ngôi đền thờ chính lập trên nền nhà cũ của quan Trạng, nơi đặt tượng và bài vị của Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phía trước đền là hồ Thái Nhâm, nối với bờ bằng cây cầu đá được bắc 5 nhịp, thân cầu được khắc hoa văn sóng nước mềm mại.
Hồ Bán nguyệt nằm trong quần thể khu di tích rộng khoảng 1000m2
Ðền Trạng được xây dựng từ khoảng năm 1586, sau đó được trùng tu qua các đời và được Nhà nước xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 1991
Gần hồ có đặt tấm bia đá làm năm Vĩnh Hựu nhà Lê (1736) ghi lại việc làm đền thờ Trạng Trình và tên những người đã đóng góp xây dựng đền
Bên phải đền thờ là khu vườn với những bức tượng bằng đá có kích thước như người thật, mô tả cảnh nhân dân trong làng vui mừng ra đón Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm khi từ quan trở về quê hương
Đi thêm vài chục mét là đền thờ thân phụ - thân mẫu của Trạng Trình
Phía sau là căn nhà 3 gian lợp cói, mô phỏng Am Bạch Vân, nơi Bạch Vân Cư sĩ sau khi từ quan đã về dạy học, làm thơ. Am là một trường Đại tập nổi tiếng; là nơi tạo nguồn cảm hứng của 1000 bài thơ Nôm, để lại cho hậu thế nhiều tác phẩm thơ văn có giá trị như Bạch Vân Am thi tập, Bạch Vân Quốc ngữ thi tập, Trình Quốc Công Sấm ký… Cũng chính từ Mái Am Bạch Vân này, ông đã từng tiếp kiến các sứ giả của các thế lực phong kiến lúc bấy giờ như: Mạc, Trịnh, Nguyễn đến tham vấn về việc quân quốc, trọng sự.
Am Bạch Vân được tái hiện với những bức tượng của những đứa trẻ cùng bố mẹ đến xin cụ dạy chữ, những vị quan đến vấn an cụ việc quốc sự
Trong khu di tích có hai bức phù điêu, mỗi bức cao khoảng hơn 5m, dài hơn 20m. Một bức khắc họa những nét chính trong cuộc đời sự nghiệp của Trạng Trình từ lúc còn bé đến cuối đời, bức kia tái hiện một giai đoạn lịch sử của địa phương từ khi thực dân Pháp xâm lược đến nay.
Bức phù điêu như một thước phim sống động tái hiện cuộc đời Trạng Trình
Giữa khu di tích nổi bật với tượng đài Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm uy nghiêm, hướng ra hồ Bán nguyệt, tựa vào ngọn núi sấm sừng sững. Trước tượng đài là quảng trường lớn - địa điểm tổ chức lễ hội hàng năm của khu di tích, cũng là khu vực để tổ chức các sự kiện của thành phố Hải Phòng, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực giáo dục, văn hóa, lịch sử. Đặc biệt, cứ đến mỗi kì thi hoặc vào đầu năm học mới, các phụ huynh và học sinh thường đến đây xin chữ cầu may mắn.
Tượng Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cao 5,7m, nặng 8,5 tấn, trong tư thế ngồi, mặc y phục nhà nho, tay phải cầm bút và tay trái cầm cuốn sách
Tương truyền, chùa Song Mai là nơi quan Trạng Nguyễn Bỉnh Khiêm thường đến lễ và đã từng trả lời sứ giả của Chúa Trịnh, rằng: "Giữ chùa, thờ Phật thì được ăn oản" (ý nói không nên thoán đoạt ngôi Vua nhà Lê). Bên cạnh chùa là nhà thờ phu nhân Trạng Trình - bà Minh Nguyệt, có công cùng Danh nhân lập nên chùa này.
Chùa Song Mai và nhà thờ phu nhân Trạng Trình - bà Minh Nguyệt
Không xa là Tháp Bút Kình Thiên, do học trò của Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng lên cách đây hơn 400 năm để ca ngợi tài năng của thầy như cột chống trời (kình thiên). Qua năm tháng, gò đất bị bào mòn, tháp bút bị đổ, đến thời Nguyễn được xây lại kiểu hai tầng tám mái, lòng tháp để rỗng.
Tháp Bút Kình Thiên bị nghiêng sau bao thăng trầm
Nghe dân làng kể, sau khi Trạng mất, ở làng Cổ Am có lập đền thờ. Tục truyền trong làng có cha con ông Khả đi bắt dế (chuột) ở bên ngôi mộ cụ vô ý làm đổ tấm bia trên mộ. Dân làng thấy thế bắt về đình phạt ba quan tiền vì khi tấm bia đổ xuống thấy có hàng chữ ở sau:
"Cha con thằng Khả
Đánh ngã bia tao
Làng xóm xôn xao
Bắt đền tam quán".
Cha con ông Khả chạy đi kiếm mãi cũng chỉ có một quan tám nhưng dân làng không chịu, cha con ông bèn cãi liều: “Cha con tôi lỡ lầm nên cụ Trạng bắt phạt có quan tám, "tam quán" nói lái lại thành quan tám chứ không phải ba quan. Dân làng không tin hãy cứ xin âm dương trong đền cụ mà xem.”
Dân làng nghe cũng có lý mới đi lễ đền cụ xin âm dương thì quả thực như vậy. Cứ xin hoài ba quan mà hai đồng tiền vẫn cứ khi thì xấp cả, khi thì ngửa cả. Chỉ tới khi khấn là quan tám mới được đồng xấp, đồng ngửa nên mọi người lại càng tin và phục tài tiên đoán của cụ Trạng.
Khu vườn tái hiện lại cảnh xét xử cha con ông Khả
Qua những biến cố của lịch sử, khu di tích đã được trùng tu nhiều lần để đem đến những giá trị văn hóa lịch sử tốt đẹp cho du khách từ mọi miền đất nước. Nếu đã nghe và từng đọc về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, chắc hẳn sẽ có nhiều du khách mong muốn một lần được ghé qua đây để mắt thấy, tai nghe và có những giây phút thả hồn vào khung cảnh làng quê yên bình, đắm mình vào không gian lịch sử mà sinh thời quan Trạng đã từng trải qua.
Diệu Linh