Bào ngư Bạch Long Vĩ
Bào ngư là sản vật đặc trưng, nguồn thực phẩm bổ dưỡng, vị thuốc quý, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho huyện đảo Bạch Long Vĩ, thành phố Hải Phòng. Bào ngư Bạch Long Vĩ gồm hai giống: bào ngư đá và bào ngư lỗ. Bào ngư đá chuyên sống bám vào các vỉa đá ngầm, trong khi bào ngư lỗ sống ở dưới đáy biển.
Bào ngư Bạch Long Vĩ. Ảnh: websanvat.com
Quý hiếm nhất là giống bào ngư Chín Lỗ, còn gọi là ốc Cửu Khổng, nằm trong sách đỏ Việt Nam. Loài này có đặc điểm: vỏ hình thuyền, dài 90 – 100mm, mỏng, nhẹ, chắc; mặt ngoài vỏ sần sùi; mép vỏ có một hàng 9 lỗ thông để hô hấp; mặt vỏ ngoài màu xanh sẫm hoặc nâu sẫm, mặt trong sáng với lớp xà cừ láng bóng.
Gà Liên Minh
Gà Liên Minh nổi tiếng với hương vị đặc biệt, da giòn, và thịt thơm, mềm. Ảnh: nongnghiep.vn
Gà Liên Minh là giống gà quý hiếm của người dân thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện đảo Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Loài gà này có chân cao, chạy nhanh, lông vàng óng mịn. Con trống nặng tới 5 kg, con mái nặng khoảng 3 kg. Người dân thôn Liên Minh nuôi thả gà trong vườn, cho ăn củ sắn, ngô và thóc, đêm đến gà ngủ trên cây. Có lẽ việc nuôi thả như vậy khiến gà Liên Minh có hương vị rất riêng, thịt mềm và thơm ngon nổi tiếng.
Mật ong hoa rừng Cát Bà
Hương vị tinh khiết, quyến rũ của Mật ong hoa rừng Cát Bà. Ảnh: websanvat.com
Mật ong hoa rừng Cát Bà là một đặc sản của huyện đảo Cát Hải, một thương hiệu nổi tiếng của Hải Phòng. Mật ong Cát Bà có màu vàng đậm, đặc sánh, vị thơm, có giá trị dinh dưỡng rất cao. Đây là sản phẩm kết tinh những dưỡng chất quý giá nhất trong các loài hoa và dược liệu quý từ 100% nguồn ong bản địa trên các cánh rừng già nguyên sinh ở vùng đảo Cát Bà.
Cau Cao Nhân
Làng Cao Nhân, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng nổi tiếng là vựa cau của vùng đồng bằng Bắc Bộ, đây là nơi đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam xuất khẩu cau tính đến nay.
Cau trồng ở Cao Nhân là giống cau liên phòng, còn gọi là cau truyền bẹ, hay cau tứ quý. Trong khi các giống khác ra quả theo mùa, thì giống cau này ra quả quanh năm.
Cau Cau Nhân có tuổi thọ cao đến 70 năm vẫn cho quả. websanvat.com
Cây cau Cao Nhân mỗi năm ra 12 tàu lá, trổ khoảng 5 buồng quả. Mặc dù quả không to nhưng sai và đều (200-300 quả/buồng). Khi ăn cau giòn mềm, ngọt (do sơ mềm), đậm nước, hạt cau rất nhỏ; quết trầu có màu đỏ tươi.
Bưởi Lâm Động
Bưởi Lâm Động, đặc sản của làng Lâm, xã Lâm Động, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng. Ảnh: sanvatvietnam.com
Bưởi Lâm Động là một sản vật địa phương không thể bỏ qua của Hải Phòng. Giống bưởi này có hai loại, mỗi loại có hương vị riêng. Một loại vỏ vàng, ruột trắng, múi to đều, róc vỏ, khi ăn có vị chua mát. Còn loại thứ hai vỏ đỏ, ruột hồng đào, tép bưởi có vị ngọt đậm.
Cam Đồng Dụ
Nói tới sản vật Hải Phòng, không thể quên nhắc tới Cam Đồng Dụ của người dân thôn Đồng Dụ, xã Đặng Cương, huyện An Dương
Cam Đồng Dụ là nguồn gen quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao, rất cần được bảo tồn.
Cam Đồng Dụ có hai loại, cam Chanh và cam Đường. Cam Chanh có vỏ dày, dưới đáy quả có một vùng tròn nên gọi là “cam Đồng Tiền”. Quả to bằng ấm pha nước chè, tép nhỏ có màu hơi hồng, ngọt và mọng nước.
Cam Đường quả nhỏ, bằng chén uống nước trà. Vỏ cam đường mỏng, nhiều tinh dầu, nhưng không dễ bóc. Khi ăn, cam có vị ngọt thanh, dịu mát nên được gọi là cam Đường, và đây chính là sản phẩm xưa kia thường dùng để “tiến vua”.
Lan Hương