Cua huỳnh đế
Nhắc đến thành phố biển thì hải sản luôn là lựa chọn hàng đầu. So về giá cả thì hải sản ở Quy Nhơn rẻ hơn nhiều nơi, nhưng vẫn rất tươi ngon. Cua huỳnh đế là một trong những loại hải sản “must try” khi tới Quy Nhơn. Cái tên của nó đã nói lên tất cả. Người dân địa phương gọi cua huỳnh đế là vua của các loài cua.
Cua Huỳnh đế sau khi được chế biến. Ảnh: Instagram thaomit2310
Thủa xưa trong một lần chúa Nguyễn Hoàng du ngoạn biển, thấy loài cua này lạ mắt nên ăn thử, thấy ngon và tốt cho sức khỏe nên từ đó người dân dâng nó lên cho hoàng cung. Trước đây người ta gọi là cua hoàng đế, nhưng sau đổi lại thành “huỳnh đế” để tránh phạm húy tên vua chúa.
Cua huỳnh đế lúc còn tươi. Ảnh: Jet Lee
Cua huỳnh đế phần mai có màu đỏ gạch, càng ngắn, đầu có nhiều râu, thịt thơm và rất chắc. Tuy nhiên, không phải du khách nào tới Quy Nhơn cũng có cơ hội thưởng thức nó, bởi loại cua này chỉ có nhiều vào khoảng tháng 12 đến tháng 3 âm lịch.
Bánh xèo tôm nhảy
Quy Nhơn không phải là “thánh địa” của bánh xèo, nhưng món bánh này lại là một trong những món mà nhiều tín đồ du lịch gợi ý cho hành trình khám phá ẩm thực ở đây. Ở Quy Nhơn, người dân thường gọi đặc sản này là “bánh xèo tôm nhảy”.
Bánh xèo tôm và bánh xèo bò. Ảnh: Instagram hylylinh
Nghe cái tên thôi đã thấy thú vị rồi. Nguyên liệu cho ra đời những chiếc bánh xèo đặc biệt này là tôm còn tươi, bột bánh, hành. Năm tháng trôi qua, giờ đây người dân còn sáng tạo ra thêm nhiều loại nhân bánh xèo khác như bánh xèo bò hay bánh xèo mực. Mỗi loại bánh lại có cái ngon và cái lạ riêng tùy vào khẩu vị của từng thực khách.
Bánh xèo mực. Ảnh: Instagram trin91
Gợi ý một số quán ăn:
Bánh hỏi Diêu Trì
Bánh hỏi là đặc sản của Bình Định, nhưng ngon nhất phải kể đến bánh hỏi ở Diêu Trì. Nguyên liệu vô cùng đơn giản, đó là gạo. Trải qua một vài công đoạn, cuối cùng bánh được đem hấp lên và rắc ít lá hẹ. Thường thì người ta ăn bánh này với thịt nướng, bánh tráng chấm nước mắm chua ngọt, tuy nhiên ở Bình Định, một số nơi ăn kèm với cả lòng lợn và cháo.
Đặc sản bánh hỏi Bình Định. Ảnh: Instagram vietnamese_eats
Có một lời khuyên dành cho khách du lịch “mê mẩn” món bánh này, đó là nếu muốn mang về nhà thưởng thức hoặc làm quà, hãy mua thùng xốp và để vào cùng chút đá khô cho đảm bảo.
Tré Quy Nhơn
Chia tay Quy Nhơn, có một món quà mà du khách có thể mang về tặng người thân và bạn bè, đó là Tré Quy Nhơn. Tên nghe thật lạ. Nhìn qua bên ngoài thì giống một bó rơm nhỏ. Vậy bên trong có gì? Nguyên liệu cho ra đời món này gồm có tai lợn, thịt ba chỉ, thính, riềng, ớt, tỏi và không thể thiếu đó là lá ổi.
Tất cả những thứ trên cho ra đời một món ăn có vị mặn, vị ngọt, thêm và chút cay của ớt, chút chát chát của lá ổi. Tré được ủ lên men một cách tự nhiên trong khoảng từ 2 đến 3 ngày, khi đó các gia vị sẽ thấm đều vào nhau để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn.
Tré Quy Nhơn - Một món quà thường được du khách mua về. Ảnh: hihsunrise.com
Tré thường được chọn làm đồ nhăm hay đồ ăn vặt trong cuộc sống thường ngày của người dân vùng này.
Gợi ý nơi mua:
Bánh ít lá gai
Ngoài Tré thì còn một món ăn dân dã đậm chất Bình Định mà du khách thường chọn làm quà mang về, đó là bánh ít lá gai. Người Bình Định coi đây là loại bánh lễ, nghĩa là loại bánh không thể thiếu trên mâm cỗ ngày lễ tết.
Bánh ít có 2 loại: mặn và ngọt. Hai loại này chỉ khác nhau về nguyên liệu bên trong, còn phần lá gói bên ngoài thì giống nhau.
Bánh ít lá gai mặn và ngọt. Ảnh: Instagram kimchihon1889
Bánh ít ngọt. Ảnh Instagram beobeongongo
Nếu bánh ít mặn được làm bằng bột nếp với nhân tôm và thịt, thì bánh ít ngọt cũng được làm từ bột nếp, nhưng bột được trộn với nước cốt lá gai cho thơm, nhân có đậu xanh và dừa.
Gợi ý nơi mua:
Các món ngon ở đất Quy Nhơn, Bình Định thì còn nhiều, ngon hay không còn tùy vào khẩu vị của từng người. Hy vọng vài gợi ý nhỏ này sẽ giúp chuyến đi của du khách trở nên trọn vẹn hơn.
Lương Trang