Sách Đại Nam nhất thống chí ghi chép về khu tháp này trong mục Thổ sơn cổ tháp (tháp Núi đất). Sách cho biết tục danh của tháp là Thị Thiện và giải thích rằng dưới chân núi đất xưa có quán bán bánh của một người đàn bà tên gọi Thị Thiện nên có tên ấy. Không rõ tên Thị Thiện thông dụng đến mức nào, nhưng dân địa phương từ lâu đã quen gọi di tích này là tháp Bánh Ít. Quả thực, bốn ngọn tháp đứng gần nhau, một lớn ở trên cao và ba nhỏ ở dưới thấp, trông xa dễ làm người ta liên tưởng đến một mâm bánh ít đã bóc lá. Đối với người Pháp, chẳng hiểu vì lí do gì, khi nghiên cứu quần thể kiến trúc này , họ lại đặt là Tour d’ Argent (Tháp Bạc). Trong một số tài liệu, tháp còn được gọi bằng tên thôn: tháp Đại Lộc.
Với bốn ngọn tháp, Bánh Ít là quần thể nhiều tháp nhất hiện còn trên đất Bình Định. Nhưng căn cứ vào dấu tích còn lại, số lượng công trình kiến trúc ở đây có thể còn nhiều hơn thế.
Trước kia, tháp Bánh Ít nằm trong phạm vi của làng Tri Thiện, xã Phước Quang, Tuy Phước nên tháp này còn mang tên là tháp Tri Thiện, ngoài ra tháp Bánh Ít còn có những tên gọi khác như tháp Cầu Bà Gi, tháp Thiện Mẫu, Thổ Sơn hay người Pháp gọi là Tour d’argent - tháp Bạc.
Tháp Bánh Ít là cụm từ tên của 4 ngôi tháp nằm trên hòn núi thuộc địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Nếu đem từng kiến trúc ra để so sánh thì từng ngôi tháp của Bánh Ít không phải là lớn, nhưng tháp Bánh Ít không phải chỉ từng ngôi tháp mà còn là các lớp kiến trúc, là cả quả đồi tự nhiên cao gần 100m, vì thế tuy từng kiến trúc không lớn lắm nhưng tổng thể kiến trúc Bánh Ít khá đồ sộ và hùng vĩ. Ngọn to nhất cao 22m xây ở đỉnh đồi, nhìn từ xa trông giống như chiếc bánh ít lá gai. Xung quanh ngọn tháp chính, còn có ba ngọn tháp phụ, hình dáng thấp và nhỏ bé hơn nhiều. Trong ba ngọn tháp này, có hai ngọn giống như hai chiếc bánh ít ngọt và một ngọn giống cái bánh ít mặn, đều lột trần. Mặc dù mỗi kiến trúc ở Bánh Ít có một dáng vẻ riêng, nhưng tất cả chúng đều có những nét chung, đặc trưng cho cả quần thể, đó là sự thắng thế của tính hoành tráng và ngôn ngữ của khối lớn.
Thăm tháp Bánh Ít - một trong 1001 công trình kiến trúc nên đến trong đời
Tháp cổng phía Đông cao chừng 13m, xây trên bình đồ hình vuông, mỗi chiều 7m, chất liệu hoàn toàn bằng gạch đá ong. Tháp mở ra hai cửa thông nhau theo hướng Đông - Tây. Ðây là kiến trúc Gopura với vòm cửa hình mũi giáo, có nhiều lớp liên tiếp vút lên phía trên. Hai mặt Bắc và Nam là hai cửa giả, bịt kín.
Thân tháp có những rãnh dọc được xoi lõm, tạo thành những cột ốp có dáng cao vút, thanh thoát nhẹ nhàng. Một tháp cổng phía Nam cao chừng 10m có phần kiến trúc giống tháp cổng phía Đông và cùng phong cách kiến trúc Bình Ðịnh: bình đồ vuông, cửa hình mũi giáo, thân được tạo các cột ốp... Song ở tháp cổng phía Nam có những đặc điểm riêng như bốn cửa thông nhau. Ðây là kiến trúc Posah có bộ mái khá đặc biệt, các tầng mái nhỏ dần về phía trên. Mỗi tầng đều có hàng cột thể hiện theo lối thắt giữa, phình ra ở hai đầu trông giống như những quả bầu nậm, tạo cho di tích giá trị riêng biệt.
Tháp chính nằm trên đỉnh đồi, bình đồ hình vuông, mỗi chiều đo được 11m, có một cửa chính ở phía Đông và ba cửa giả. Ngôi tháp chính có vẻ đường bệ và hoành tráng của các kiến trúc: các cột ốp, các đường gồ nhô ra dọc các mặt tường, các của vòm và cửa giả hình mũi lao nhọn đồ sộ, có những nét thanh tú của đường nét, những nét hoa lá trên các diềm mái, những cảnh ca múa trên các mặt vòm các cửa giả làm cả khối kiến trúc như đang tiếp xúc với người xem. Ðây là kiến trúc Kalan với cửa chính nhô ra khỏi mặt tường đến 2m, vòm cửa hình mũi giáo, chính giữa vòm có phù điêu mặt Kala.
Diềm mái vòm là một băng phù điêu hình khỉ thần Hanuman đang múa. Ở các cửa giả nhô ra ít hơn, diềm mái vòm lại được tạo các phù điêu Gajasimha (mình người đầu voi). Thân tháp chính có năm cột dọc, rãnh kép, vừa làm cho tường vững chãi, vừa tạo dáng thanh thoát. Bộ diềm mái ngăn cách với thân được ốp bằng những khối đá sa thạch, gắn liền với nhau thành một mảng. Ba mái có ba tầng mô tả như thân tháp nhưng nhỏ dần về phía đỉnh. Các tầng mái, ngoài hệ thống cột và cửa giả còn có những bức trang trí hoa văn. Tầng một, ở phía Nam tạc hình sư tử, phía Tây và Đông trang trí bò thần Nadin, phía Bắc thể hiện mặt Kala nhìn thẳng, bên trong tầng còn có những tượng thờ bằng đá.
Cách tháp chính không xa, về phía Nam bạn gặp một kiến trúc lạ mắt, độc nhất vô nhị ở Bình Ðịnh. Tháp cao độ 10m, bình đồ hình chữ nhật, chiều dài 12m, chiều rộng 5m. Cửa chính mở ra phía Đông, dẫn sâu vào lòng tháp, thông với cửa trỏ ra ở phía Bắc và Nam. Ðặc biệt mái tháp được tạo dáng lõm ở giữa, vút lên ở hai đầu, giống hình yên ngựa. Nó phảng phất dáng hình mái nhà sàn trang trí trên các trống đồng Đông Sơn và ngôi nhà Rông hiện nay ở Tây Nguyên. Loại mái cong hình thuyền này là một đặc trưng rất nổi bậc trong kiến trúc của các dân tộc Đông Nam Á, đặc biệt là các vùng ven biển và hải đảo.
Tháp không cao, chỉ chừng 10m, nhưng được tạo dáng hài hoà, hợp lí. Đế tháp hơi nhô ra so với thân tháp, xây giật cấp vuông vức tạo thành bệ đỡ vững chãi cho thân tháp. Viền xung quanh đế là dải trang trí hình hình người đứng choãi chân, hai tay giơ cao như cùng chung sức nâng bổng tháp lên. Trang trí thân tháp được thể hiện chủ yếu trên hai bức tường lớn ở mặt Bắc và Nam. Mỗi mặt đều có 6 trụ ốp nhô ra tạo thành những cột dọc song song. Giữa những hàng cột dọc đó là những ô hình chữ nhật được trang trí bằng các hình chạm khắc hoa văn ô trám kết dải tạo thành băng trang trí trên đó điểm xuyết hoa văn xoắn uốn lượn mềm mại.
Ðế tháp hơi nhô ra so với thân tháp, xây giật cấp vuông vức tạo thành bệ đỡ vững chắc. Thân tháp có phù điêu chim thần trong tư thế hai cánh giơ cao như nâng đỡ cả phần trên của tháp. Ngôi tháp mái cong hình yên ngựa ở phía Nam tháp chính, gồm những hình người, hình thú, hình chim ở dưới chân tháp đang ưỡn người, khuỳnh chân, dùng hai tay như nâng bổng cả toà tháp lên, mái tháp cong hình yên ngựa như xoè cánh bay, trên mặt tường của kiến trúc, các nghệ sĩ Chăm xưa đã tô điểm bằng những băng, những ô hình hoa lá.
Ðồi núi của tháp Bánh Ít có nhiều trãng to, rộng, ở về cuối làng Huỳnh Kim, đầu các làng Ðại Lộc, Phong Niên, Vạn Mỹ và nằm bên cạnh dòng Tân An, sát cạnh Quốc lộ số 1, bên cạnh cây số 1214 cách Qui Nhơn 15 km. Ở đây phong cảnh hữu tình, có gió mát cây xanh, cảnh vật kỳ thú yên tĩnh, có cây trái thơm ngọt trong mùa hè, phơi màu tươi thắm ở trên những trãng của đồi núi tĩnh lặng.
Theo các nhà chuyên môn, cùng với tháp Cánh Tiên, Thốc Lốc, quần thể tháp Bánh Ít có thể được xây dựng trong khoảng thời gian từ cuối thế kỉ XI đến đầu thế kỉ XII, dưới thời trị vì của hai vị quốc vương Harivarman IV và V. Nhà Champa học ngưòi Pháp G. Maspero cho rằng đây là thời kì Champa xây dựng nhiều công trình kiến trúc lớn với những phong cách mới mẻ. Sự xuất hiện những yếu tố mới như cột ốp có rãnh dọc, bo diềm mái bằng đá sa thạch, vòm cửa cao vút nhọn… trên tháp là những đặc trưng để có thể coi đây là ngôi tháp tiêu biểu cho ngôi tháp Bình Định. Về phương diện nghệ thuật, trong toàn bộ di tích tháp Chàm còn lại trên đất Việt Nam, Bánh Ít là quần thể kiến trúc độc đáo với nhiều dáng vẻ kiến trúc đa dạng, trang trí đẹp, một khu di tích kiến trúc có giá trị nghệ thuật cao.
Di tích Tháp Bánh Ít cũng hội tụ nhiều nét kiến trúc khác nhau, là một trong những công trình đền tháp lớn nhất còn lại của Vương Triều Chămpa đang được các nhà nghiên cứu quan tâm.
Hiện nay, các hiện vật quí đều đã mang vào các bảo tàng trưng bày. Ban Quản lý Di tích tỉnh đang chuẩn bị tiến hành phục chế tượng thần Shiva ở Di tích tháp Bánh Ít. Tượng thần Shiva được phục chế dựa theo đúng nguyên gốc làm bằng đá sa thạch, đang được trưng bày ở Bảo tàng Guimet (Pháp), vốn được thờ trong lòng tháp Bánh Ít (ngọn tháp chính giữa).
Tượng thần Shiva do các nghệ nhân, điêu khắc gia ở Bình Định chế tác trong thời gian tới có chất liệu đá sa thạch ở Quảng Nam, cao 1,54m, rộng 1,05m, dày 0,56m. Việc phục chế này góp phần bảo tồn và phát huy giá trị của tháp Bánh Ít, phục vụ cho phát triển du lịch và công tác nghiên cứu những nét độc đáo trong bản sắc văn hóa truyền thống của vùng đất Bình Định.
Theo Nguyễn Cường, thegioidisan.vn