Thưởng thức cốm dẹp trong lá chuối để tận hưởng hết vị ngon. Ảnh: Đoàn Xuân
Theo truyền thống vào mỗi vụ mùa trước khi thu hoạch lúa chín, người dân Khmer sẽ ra đồng gặt nếp về làm “om bóc srâu thmây” (cốm dẹp đầu mùa). Người Khmer gọi cốm dẹp là “om bóc” đặc sản từ hơn 100 năm trước đến nay vẫn được bà con làm để cúng các vị thần: thần Neac ta srê (thần đồng) và Preas chanh (thần Mặt trăng) nhằm tỏ lòng biết ơn cho một vụ mùa bội thu và nguyện cầu cho năm sau thời tiết đất trời thuận lợi, mùa màng tốt tươi.
Nếu cùng người dân Khmer tham gia làm cốm, bạn mới thấy hết được sự kì công của món ăn truyền thống này.
Nếp còn chưa già sẽ được gặt về trước lúc thu hoạch khoảng 10 ngày, trút lấy hạt, ngâm nước nửa ngày vớt ra để ráo. Ngâm nếp phải canh giờ vì nếu ngâm lâu, hạt nếp mềm sẽ khiến cốm nhão, ngâm thời gian ngắn thì hạt nếp sẽ khô cứng.
Nếp nên rang trong nồi đất để nóng lâu. Ảnh: Cổng TT Điện tử tỉnh Sóc Trăng
Rang nếp phải là người quen tay và rang trong nồi đất để giữ được nhiệt nóng lâu hơn. Một lần rang mất rất nhiều thời gian và công sức, chỉ một chén nếp, trút vừa đáy nồi đất là việc đảo rang được dễ dàng và hạt nếp nở chín dẻo đều.
Khi nếp rang vừa nổ thì trút ra cối bồng (cối giã gạo ngày xưa nhưng khoét rất sâu lòng) để vọt (giã). Chày vọt, cối, nạy (dùng để đảo cốm lúc giã) được làm từ thân cây vú sữa già, bởi người Khmer quan niệm thân cây vú sữa có chứa dòng sữa của sự sinh sôi nảy nở, tốt cho mùa màng về sau.
Người giã cốm phải thật khéo léo để cho mẻ cốm ngon. Ảnh: Đoàn Xuân
Vọt cốm thường có hai người đứng đối diện nhau, mỗi người một chày, vừa vọt vừa dùng cây nạy đảo nếp để hạt cốm không bị gãy nát. Vọt khéo thì hạt cốm dẹp tròn đều, mạnh tay quá thì hạt cốm bị nát nhỏ vụn mất đẹp. Cốm giã xong đến công đoạn sàng sảy làm sạch. Người Khmer dùng nia sàng sẩy hết vỏ (trấu), cám, tấm trong cốm.
Cốm dẹp trước khi ăn bao giờ cũng được trộn thêm đường, dừa vào. Dừa chọn trái già nạo nhỏ cho vào trong cốm, trộn đều với đường, vừa trộn vừa rắc thêm ít nước dừa cho mềm và thêm chút muối cho đậm đà. Ủ cốm khoảng 2 giờ cho dừa, đường thấm vào từng hạt nếp là có thể thưởng thức.
Rưới thêm một chút nước dừa tươi để cốm dẻo. Ảnh: Đoàn Xuân
Ngày nay, một số gia đình người Khmer làm cốm dẹp để bán còn cho thêm đậu phộng giã vào cho tăng phần bùi béo. Nhưng ngon nhất vẫn là ăn cốm dẹp theo cách truyền thống. Cho một ít cốm lên trên miếng lá chuối, dùng tay bốc ăn, nhâm nhi để cảm nhận tròn vị dẻo dai, ngọt, thơm, nồng, béo, bùi trong từng hạt cốm. Cách ăn này vẫn còn trong lễ hội Ok om bok (lễ cúng trăng tạ ơn và cầu cho mùa màng tốt tươi).
Nếu có dịp về Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang trước mùa gặt bạn hãy ăn cốm dẹp để biết thêm hương vị cốm mới của người Khmer.
Theo Đoàn Xuân/ ngoisao.net