Cầu Ngói Thanh Toàn là một công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc được Nhà nước công nhận là di tích cấp Quốc gia vào năm 1991. Đây là cây cầu Ngói cổ nhất Việt Nam, được kiến trúc và xây dựng theo lối “thượng gia hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu). Điểm nhấn đặc biệt là cây cầu Ngói có khu chợ ngay sát dưới chân cầu.
Cảnh quan cầu ngói Thanh Toàn
Chợ quê ngày hội tái hiện đời sống sinh hoạt trong quá khứ cũng như cảnh buôn bán tấp nập của phiên chợ vùng nông thôn Huế trong những thế kỷ trước. Phần lớn hàng bán ở chợ là những sản vật “cây nhà lá vườn” như: Quả cau, buồng chuối, gạo thơm, đậu xanh, đậu đỏ, rau xanh, mớ cá, cặp gà…
Du khách chụp ảnh lưu niệm tại cầu Ngói Thanh Toàn
Đến đây, du khách được hòa mình trong cuộc sống thôn quê dân dã bên dòng sông nhỏ thơ mộng. Tìm hiểu về những nét đặc trưng của nông thôn Việt Nam từ thuở xa xưa, thử làm người nông dân, trải nghiệm đời sống nhà nông với những sinh hoạt nông nghiệp gần gũi như tát nước, kéo rớ... Du khách còn được xem những nông, ngư cụ dùng sản xuất gắn liền với người dân lao động, tham dự những sinh hoạt thôn dã ngày mùa như đập lúa, xay thóc, giần, sàng gạo, đạp nước, chằm nón, đan lát…
Bán dụng cụ đan đát
Trải nghiệm chằm nón cùng bà con
Phiên chợ quê ngày hội rộn ràng, tưng bừng từ lúc sáng sớm cho đến tối mịt. Dù ai làm ăn xa nơi đâu, khi về Huế, không quên ghé cầu Ngói để thắp cho Bà nén hương và ngồi trên ghế cũ cầu xưa mà hồi tưởng lại những kỷ niệm của thời xa xưa, nơi đã từng gắn bó với tuổi thơ - thời chăn trâu, cắt cỏ, thả diều, thả rớ... trên những cánh đồng làng.
Theo Tiên Sa, congthuong.vn