Nằm bên bờ sông Hương, Đại Nội Huế là nơi lưu giữ nhiều dấu ấn phong kiến đậm nét của triều đình nhà Nguyễn, được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20, và là một trong số các di tích thuộc cụm Quần thể di tích Cố đô Huế được công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới UNESCO từ năm 1993.
Đại Nội Huế bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành. Hoàng thành là vòng thành thứ 2 bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình, các miếu thờ tổ tiên nhà Nguyễn và bảo vệ Tử Cấm Thành là nơi làm việc và sinh hoạt của vua cùng hoàng tộc.
Bên ngoài Hoàng Thành có khu vực phòng vệ: gồm vòng thành bao quanh bên ngoài, mỗi chiều dài xấp xỉ 600m, các hồ (hào), cầu, đài quan sát, và 4 cổng ra vào ở 4 hướng, trong đó cổng chính lớn nhất và có kiến trúc đẹp nhất là cổng Ngọ Môn.
Cổng Ngọ Môn nhìn về phía Nam kinh thành, trông ra dòng sông Hương thơ mộng. Ảnh: Annie Ha
Ngọ Môn có 5 cánh cửa, trong đó cửa chính ở giữa là dành cho vua, hai cửa bên dành cho quan, và hai cửa phụ là dành cho binh lính, ngựa voi theo hầu. Ngọ Môn là nơi tổ chức lễ Duyệt Binh, lễ Truyền Lô (đọc tên các Tiến sĩ tân khoa), lễ Ban Sóc (ban lịch năm mới). Phía trên Cổng Ngọ Môn là Lầu Ngũ Phụng có kết cấu bằng gỗ lim, chia làm 2 tầng và 9 bộ mái, mái giữa được lợp ngói vàng, còn lại là ngói xanh.
Qua cổng Ngọ Môn là đến Điện Thái Hòa. Điện cùng với sân Đại Triều Nghi là nơi cử hành các cuộc lễ Đại Triều một tháng 2 lần (vào ngày 1 và 15 âm lịch), lễ Đăng Quang, lễ Vạn Thọ, lễ phong Hoàng Thái tử, lễ tiếp đón sứ thần nước lớn...
Điện Thái Hòa là một biểu trưng quyền lực của triều đình nhà Nguyễn. Ảnh: DulichVietnam
Tiếp sau Điện Thái Hòa là Tử Cấm thành - vòng thành thứ 3 trong Kinh thành Huế. Đây là nơi cung cấm chỉ dành riêng cho vua và hoàng gia, được bảo vệ rất nghiêm ngặt, ngay cả quan lại nếu không phận sự hoặc được vua truyền gọi cũng không được lai vãng.
Điện Càn Thanh là nơi ở của vua
Trong Tử Cấm Thành, có nhiều công trình kiến trúc với quy mô đa dạng khác nhau, tiêu biểu phải kể đến Điện Cần Chánh (nơi vua thiết triều và tổ chức yến tiệc), Điện Càn Thành (nơi vua ngủ nghỉ), Thái Bình Lâu (nơi vua thư giãn, đọc sách), Thượng Thiện Đường (nơi phục vụ ăn uống), Duyệt Thị Đường (nhà hát hoàng cung)...
Bên trong Duyệt Thị Đường. Ảnh: traihevietnam.vn
Một trong những hệ thống kiến trúc cung điện quy mô nhất trong Hoàng thành Huế còn lại nguyên vẹn đến ngày nay là Cung Diên Thọ - nơi ở của các Hoàng thái hậu hoặc Thái hoàng thái hậu triều Nguyễn. Cung Diên Thọ ngày nay rộng khoảng 17500 mét vuông với các công trình còn tồn tại như Diên Thọ chính điện, điện Thọ Ninh, lầu Tịnh Minh, tạ Trường Du... Các công trình này được nối kết với nhau bằng hệ thống hành lang có mái che.
Cổng vào cung Diên Thọ. Ảnh: Longkonica
Bên cạnh việc trùng tu, bảo tồn kiến trúc, gần đây, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã triển khai thêm nhiều hoạt động văn hóa tại Khu di tích Đại Nội Huế để tạo điểm nhấn thu hút khách tham quan.
Trong đó nổi bật có lễ Đổi gác tại Ngọ Môn diễn ra từ 09h00 đến 09h30 hàng ngày, Đại nhạc tại sân Thế Miếu từ 09h00 đến 11h00 và 14h30 đến 16h30, hay biểu diễn Tiểu nhạc tại điện Thái Hòa từ 08h00 đến 10h30 và từ 14h00 đến 16h00 cũng được tổ chức hàng ngày.
Đặc biệt, Đêm Hoàng cung được tổ chức định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần là hoạt động tái hiện lại những nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của cung đình xưa.
Đêm Hoàng cung với nhiều màn trình diễn hấp dẫn
Đặc biệt hơn nữa, mới đây Đại Nội Huế đã chính thức mở cửa đón khách thăm quan vào ban đêm từ 19 – 22h. Đây chính là dịp để du khách tham quan được chiêm ngưỡng một Đại Nội lung linh rực rỡ trong ánh đèn, cũng như “sở hữu” những bức ảnh tuyệt đẹp bên những công trình kiến trúc được thắp sáng về đêm.
Đại Nội Huế lung linh về đêm. Ảnh: webdulichhue.com
Ngoài ra, Festival Huế cũng được tổ chức 2 năm một lần với nhiều hoạt động hấp dẫn, cũng là sự kiện thu hút rất đông du khách trong nước và quốc tế đến với thành phố Huế mộng mơ, mà tâm điểm là các màn trình diễn cuốn hút tại khu vực Đại Nội.
Đến nay, trải qua bao thăng trầm và biến động của thời gian, công trình kiến trúc Đại Nội Huế vẫn luôn sừng sững oai nghiêm, mãi là một tài sản văn hóa truyền thống và lịch sử quý báu về triều Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam.