Tứ Phương Vô Sự
Lầu Tứ Phương Vô Sự nằm trên Bắc Khuyết đài, phía sau Hoàng thành, sát cửa Hòa Bình (cửa phía sau của Hoàng thành). Lầu Tứ Phương Vô Sự là một công trình đặc biệt, hiếm hoi ở Đại Nội quay mặt chính về hướng bắc. Trước kia trên Bắc Khuyết đài có một tòa phương đình để cho quân ngự lâm canh trực Hoàng thành. Tòa phương đình này đã bị triệt giải để xây dựng công trình lầu Tứ Phương Vô Sự. Công trình là một lầu nhỏ hai tầng mang kiến trúc thuộc địa, dẫu vậy vẫn ảnh hưởng lối trang trí cung đình, được hoàn thành năm 1923 để chuẩn bị mừng lễ Tứ tuần Đại Khánh của vua Khải Định (1924).
Lầu Tứ Phương Vô Sự mang phong cách pha trộn Á - Âu, nằm ở vị trí thật đẹp. Bởi thế, sau khi được phục dựng, nơi đây trở thành một quán cà phê. Thời gian đầu có nhiều ý kiến về việc kinh doanh nơi đây, nhưng rồi Tứ Phương Vô Sự lại chứng minh nó là một điểm đến đầy hấp dẫn. Người Huế hẹn hò nhau hay đón tiếp bạn bè mọi miền cũng hay tới đây, như thể để có phong vị đất cố đô.
Xem thêm: Quán cà phê lãng mạn trên sông Hương
Ngồi nơi đây, trong Đại Nội tĩnh lặng, du khách có thể cảm nhận về một không gian lịch sử, về quá khứ của một triều đại. Lầu Tứ Phương Vô Sự dẫu khi đông khách vẫn mang một vẻ trầm mặc, tĩnh lặng. Du khách tìm đến đây để được thư thái trong một không gian thoáng đãng, bình an. Vì thế mà những sẻ chia, trò chuyện nơi đây cũng đều nhẹ nhàng, không xô bồ, ồn ào như những nơi khác.
Quán cà phê này hấp dẫn du khách không phải ở kiến trúc ấn tượng kiểu nhà hàng quán xá, không phải sự sang trọng, không có những bài trí hấp dẫn, bắt mắt, cũng không thuộc kiểu giản dị mộc mạc như những quán khác. Điều thu hút ở đây chính là một không gian và một âm hưởng xưa cũ, là điểm kết nối giữa hiện tại và quá khứ...
Ngồi ở quán cà phê Tứ Phương Vô Sự đẹp nhất là trong đêm trăng. Những cơn gió lộng thổi qua, vầng trăng khi ẩn khi hiện. Phía trước Đại Nội và Cấm thành chìm trong bóng tối, phía sau là con đường chầm chậm nhịp sống của Thành Nội. Đâu đó, ở dưới sân, ở trong nhà, ở trên lầu là những câu chuyện đang tan vào cùng không gian.
Đức Anh/Hà Nội Mới