Một trong những cây cầu quá đỗi quen thuộc và nổi tiếng ở phố biển Quy Nhơn được nhiều du khách biết đến đó là cầu Thị Nại đã từng được mệnh danh là cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, nối TP Quy Nhơn với bán đảo Phương Mai.
Đứng giữa cầu Thị Nại, thu vào tầm mắt là một vùng đầm nước mênh mông bốn bề, xa xa là tượng Phật Thích ca Mâu ni đặt trang nghiêm trên đỉnh núi tại thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát), đồi cát vàng trải dài chen lẫn những nhà máy tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Dưới chân cầu là Khu du lịch Cửa Biển, xa kia làng chài Hải Minh (KV9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) thơ mộng kéo dài đến tận cửa biển Quy Nhơn với tượng Trần Hưng Đạo đứng uy nghi chỉ tay ra biển.
Cầu Thị Nại mang vẻ đẹp lung linh, huyền ảo về đêm. Ảnh: Ngọc Nhuận
Những tàu cá, tàu hàng ra vào tấp nập phía cảng, những cao ốc mới được xây dựng, phía dưới là tháp Thầy Bói nằm trên một cồn đá nổi giữa đầm Thị Nại, rừng ngập mặn xanh thẳm kéo dài cho đến phía huyện Tuy Phước tạo nên bức tranh sinh động. Đêm xuống, cầu Thị Nại rực rỡ ánh đèn rọi xuống mặt nước lung linh mang vẻ đẹp huyền ảo hòa với nhịp chèo khua của ngư dân đang canh rớ, thả lưới đánh bắt thủy sản.
Ngược lên TX An Nhơn về xã Nhơn Phúc ghé đến tham quan cây cầu Phụ Ngọc cũ nằm giữa đôi bờ xã Nhơn Phúc và Nhơn Khánh - một cây cầu gắn với các trận đánh hào hùng của quân dân An Nhơn trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Cầu Phụ Ngọc cũ nằm song song bên dưới đập Bảy Yển - đập dâng lớn nhất An Nhơn, quanh năm nước chảy dưới chân cầu tung bọt trắng xóa, hai bên bờ là những lũy tre xanh rì rào trong gió mang nét đẹp bình yên của làng quê.
Cầu Phụ Ngọc cũ - chứng tích thời kháng chiến chống Mỹ của quân dân An Nhơn. Ảnh: Ngọc Nhuận
Trong kháng chiến chống Mỹ, cầu Phụ Ngọc giữ vị trí chiến lược là tuyến đường huyết mạch phía Tây, địch cho xây dựng lô cốt kiên cố ở hai đầu cầu để chốt giữ. Trong cuộc tổng khởi nghĩa mùa Xuân năm 1975, cầu Phụ Ngọc bị bộ đội và du kích đánh sập hai nhịp, cắt đứt giao thông ở phía Tây, bao vây cô lập quận lỵ, quân dân An Nhơn nổi lên giành lấy chính quyền, góp phần giải phóng cả tỉnh và thống nhất đất nước.
Chiến tranh đã lùi xa, cầu Phụ Ngọc mới được xây dựng để lưu thông, cây cầu cũ không còn sử dụng nhưng vẫn được giữ lại như một chứng tích lịch sử kháng chiến oanh liệt của quân dân An Nhơn.
Về Phù Mỹ, dừng chân bên đầm Trà Ổ khám phá nét đẹp nên thơ của đầm nước lớn này, tìm hiểu đời sống bình dị của người dân mưu sinh bên đầm, ghé thăm làng bí đao khổng lồ xã Mỹ Thọ, du khách không thể bỏ qua điểm “check-in” cây cầu tre Bình Long dài hơn 300 m được bắc qua đầm Trà Ổ nối xã Mỹ Thắng với Mỹ Đức.
Cầu tre Bình Long gắn bó với người dân sống quanh đầm trong việc giao thông qua lại. Chỉ với chất liệu tre, gỗ nhưng cây cầu mang trên mình vẻ đẹp mộc mạc nằm vắt qua đầm, giữa khung cảnh nên thơ với bốn bề là nước chen lẫn màu xanh mát mắt của những hàng dừa phía xa, những bụi cỏ quanh chân cầu; người dân chèo xõng thả lưới bắt cá… Nhưng điều thú vị nhất cho du khách khi đến đây, đó là cảm giác đi qua cây cầu; đi bộ dạo chơi qua cầu cũng hơi lo sợ rơi xuống nước, đi xe máy qua cầu càng thú vị hơn, cảm xúc vừa sợ vừa phấn khích, thế nhưng chạy xe qua được rồi lại muốn quay lại đi tiếp trên cầu.
Cầu treo nối xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo (huyện Vĩnh Thạnh) nằm giữa đại ngàn lộng gió là điểm đến thú vị cho du khách. Ảnh: Thu Thủy
Ngược lên miền núi Vĩnh Thạnh, về làng Hà Ri, xã Vĩnh Hiệp - một điểm “hót hòn họt” năm ngoái được du khách biết đến và nườm nượp kéo về ngắm hoa trang rừng tại suối Tà Má. Dừng chân ghé lại cây cầu treo với chất liệu sắt, thép bắc qua sông Côn nối đôi bờ xã Vĩnh Hiệp và Vĩnh Hảo, giữa đại ngàn lồng lộng gió, tiếng chim rừng hót vang líu lo, cây cầu treo vững chãi mang vẻ đẹp hài hòa giữa núi rừng nguyên sơ là điểm đến khá thú vị cho du khách trải nghiệm, ghi lại những hình ảnh đẹp trong chuyến về miền núi Vĩnh Thạnh…
Theo Báo Bình Định
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |