Chùa Vĩnh Hưng (hay còn gọi là Tổ đình Vĩnh Hưng), tọa lạc tại số 110 đường Trần Hưng Đạo, thành phố Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng). Chùa có tên là Vĩnh Hưng nhưng nhiều người dân địa phương thường gọi là Chùa Cây Điệp vì trước khuôn viên chùa có cây điệp lớn.
Chùa được thành lập vào năm 1912, theo phái Bắc Tông, tọa lạc trong khuôn viên rộng khoảng 6.800m2. Từ khi thành lập đến nay, chùa trải qua 2 lần trùng tu vào năm 1982 và 2009.
Tổng thể kiến trúc của ngôi chùa gồm có: cổng tam quan, chánh điện, nhà thờ tổ, tháp, hòn non bộ... Qua Tam quan có hàng chữ Chùa Vĩnh Hưng, phía dưới là tên tiếng Hán. Khuôn viên chùa bài trí rất nhiều cây xanh, hoa kiểng làm tăng thêm cảnh sắc thiên nhiên cho ngôi chùa. Trước ngôi chánh điện có trang trí hai con sư tử đá màu trắng rất tinh xảo như đón chào du khách đến tham quan.
Bước qua các bậc thềm là tiền sảnh, là nơi đón tiếp khách, 2 bên có tượng hộ pháp canh giữ. Tiếp theo là ngôi chánh điện có không gian rộng lớn được bao bọc bởi những tảng đá nguyên khối xếp chồng lên nhau, phía trên mỗi góc mái được trang trí hình hổ phù đặc trưng theo họa tiết hoa văn Nhật Bản.
Cửa chính và cửa sổ được làm bằng gỗ, trang trí hoa văn sắc xảo và tinh tế. Đây được gọi là giảng đường, nơi tập trung đông đảo Phật tử mỗi khi diễn ra nghi thức hành lễ. Phía sau ngôi chùa là tháp Phật có cấu trúc 5 tầng, với ý nghĩa tượng trưng cho 5 triết lý địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại và không đại; trên cùng là một bảo tháp. Tháp được che chắn bởi một hòn non bộ nguy nga.
Đây là ngôi chùa có kiến trúc độc đáo được xây dựng hoàn toàn bằng đá nguyên khối hình chữ nhật. Sân chùa, hàng rào, cổng chùa... cũng được sử dụng bằng đá nguyên khối. Kiến trúc của chùa có sự hài hòa giữa kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam, gần gũi với thiên nhiên. Chùa là địa điểm tâm linh tín ngưỡng cho các Phật tử và du khách gần xa đến chiêm bái và cầu quốc thái dân an.
Phạm Dương, theo giaoducthoidai.vn