Chùa được xây dựng từ năm 1964 bởi Hòa thượng Thích Giác Đạo và trở thành nơi thờ cúng, dâng hương của phật tử trong vùng. Đến năm 1997 được xây mới với nhiều công trình tráng lệ.
Không giống những ngôi chùa khác mang đặc trưng của phật giáo Tiểu Thừa, chùa Minh Thành chịu ảnh hưởng nhiều từ kiến trúc Trung Quốc và Nhật Bản. Tất cả lối kiến trúc đó đã làm bức tranh của chùa thêm phần lộng lẫy, kiêu sa nhìn từ xa giống như một cung điện thu nhỏ nơi phố núi mù sương.
Chùa do đại đức Thích Tâm Mãn trụ trì, ông là người tu sĩ đầu tiên ở Việt Nam tốt nghiệp khoa cao học mĩ thuật học Phật giáo. Khi đến tham quan chùa, nhìn từ xa bạn đã thấy bảo tháp xá lợi cao 9 tầng, phía bên trong khuôn viên chùa là tượng Phật Di Đà nặng tới 40 tấn và cao 7,5m. Chính điện của chùa rất bề thế với chiều cao tổng thể 16m, trần làm bằng gỗ pơ-mu, cửa làm bằng gỗ gõ với khung cửa dày 4 tấc với 6 cánh cửa dày 2 tấc, được chạm khắc 6 vị đại Bồ Tát trên hệ thống cửa.
Trước mặt chánh điện là tượng đá 18 vị la hán, khu tăng phường nằm bên phải chánh điện có diện tích hàng ngàn mét vuông bao gồm trai đường, giảng đường, thiền đường và tàng kinh cát.
Tòa Bảo tháp có màu sắc rực rỡ nhưng hài hòa, được trang trí rất công phu. Đặt bên trong bảo tháp là 4 vị Thiên Thủ Thiên Nhãn cao tới 8m và ngang 3,5m được chạm khắc rất tinh tế bằng gỗ mít. Tầng 1 và các tầng khác là nơi thờ thất Phật và Xá Lợi của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Bảo tháp với gam màu chủ đạo là đỏ và vàng sặc sỡ, trông rất bắt mắt. Đây là một công trình được nằm trong top công trình kiến trúc cao nhất của thành phố Pleiku.
Sân chùa được trang trí bằng những tiểu cảnh, hồ nước, cây xanh tạo nên vẻ đẹp hài hòa, tươi mát cho không gian trang nghiêm của chùa. Tất cả các công trình của chùa đều có mái lợp bằng gốm men xanh.
Trải qua những biến động của lịch sử, chùa Minh Thành đã trải qua nhiều đợt trùng tu và vẫn tiếp tục mở rộng cửa để đón thêm nhiều du khách đến tham quan.
Đồng Hoa/petrotimes.vn