Đền Thượng Thái Sơn thờ công chúa nước Lào với danh xưng Nhồi Hoa công chúa, nằm trên đỉnh đồi Đền thuộc địa bàn thôn Thái Sơn, xã Sơn Lai, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình.
Đền Thượng Thái Sơn tọa lạc trên đỉnh đồi giữa không gian làng quê yên bình với núi đồi hùng vĩ. Đường đi lên đền xung quanh cây cối xanh mướt bao trùm.
Đền thờ Công chúa nước Lào nằm gần bên lăng mộ công Chúa (phía Tây đền), phía Nam là núi Hóe Vụng, phía Đông là núi Mỏ Phượng, phía Bắc là núi Chon Gà. Đền quay hướng Nam, được xây dựng vào thời Hậu Lê và đã được trùng tu nhiều lần.
Theo sử cũ ghi lại, dưới thời Vua Lê Thánh Tông (hiệu Hồng Đức 1460-1497), Công chúa Nhồi Hoa được vua cha giao trách nhiệm đưa sang và huấn luyện một đàn voi cho Đại Việt. Khi giao xong đàn voi, trên đường trở về không may công chúa bị lâm bệnh.
Công Chúa lâm bệnh đúng khu vực đồi Đền, binh lính đi theo phải hạ trại, đóng hai đồn thành dinh lũy lo thuốc thang cho bà. Sau một thời gian điều trị, công chúa được các thái y chăm sóc thuốc thang, hết lòng cứu chữa nhưng bệnh tình không thuyên giảm, công chúa qua đời tại trại đóng trên đồi Đền.
Sứ giả báo về triều đình Đại Việt, vua Lê Thánh Tông cho quân thần về làm lễ, an táng tại khu vực đồi Đền, xây khu lăng mộ và cho lập đền thờ công chúa ngay tại đó. Trải qua hàng trăm năm, nay ngôi đền đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh, thành phố.
Hiện nay di tích gồm 3 tòa, tòa Trung Đường và Hậu cung còn giữ nguyên vẹn kiến trúc “Tiền đao Hậu đấu”, lợp ngói vẩy, cửa được làm theo lối chân quay, then cài, bậc cửa bằng gỗ cao 30cm. Đỡ mãi bằng hệ thống 4 cột cái và 12 cột quân đều bằng gỗ lim, các mảng chạm khắc mộc hóa long, hóa văn lá lật tại ván mê, câu đầu còn nguyên bản thời Nguyễn.
Ngoài ra di tích còn lưu giữ được ban thờ có ảnh công chúa chạm trên gỗ cùng nhiều đồ thờ tự có giá trị, đặc biệt là 04 sắc phong triều Nguyễn, trong đó có sắc phong vào ngày 12 tháng 1 năm Tự Đức thứ 6 (1852) phong cho bà mỹ tự “Linh Quang Huyền Cảm Diễm Quyên Nhàn Uyển chi thần”. Sắc phong ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ 9 (1924) Bà được phong là Thượng đẳng thần.
Hàng năm, tại di tích diễn ra lễ hội truyền thống vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, ngoài phần rước kiệu quanh làng, tổ chức tế còn nhiều trò chơi dân gian. Đặc biệt có múa hát theo điệu Chăm Pa (điệu múa hát cổ truyền của nước Lào) để tưởng nhớ về công lao của công chúa Nhồi Hoa và bảo tồn và tôn vinh truyền thống tốt đẹp hai dân tộc Việt - Lào.
Lăng Công chúa nước Lào nằm cạnh bên đền thờ. Các ngày rằm, mùng một nhân dân trong vùng đều dọn dẹp khuôn viên đền và thắp hương lễ bái, sùng kính Công chúa Nhồi Hoa như một danh nhân đất Việt.
Ngôi đền thờ Công chúa nước Lào là di tích lịch sử, văn hóa đặc biệt minh chứng hiện thực về tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt - Lào. Di tích luôn được chính quyền, nhân dân trong vùng trông coi, bảo vệ, trùng tu tôn tạo, hàng năm thu hút lượng khách lớn đến tham quan.
Thái Bá/ dantri.com.vn