Dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là một trong những điểm đến thú vị ở Bắc Hà (Lào Cai). (Ảnh: P. Mai/Vietnam+)
Quy mô bề thế, nét độc đáo trong kiến trúc (với dấu ấn Đông-Tây kết hợp) cùng những câu chuyện ly kỳ về chủ nhân của ngôi nhà, dấu tích cuộc sống của con người nơi vùng cao Bắc Hà (Lào Cai) trong thời kỳ thực dân nửa phong kiến đã khiến dinh thự cổ Hoàng A Tưởng trở thành điểm dừng chân hấp dẫn giữa cao nguyên trắng.
Dinh thự xa hoa bậc nhất một thời
Trải qua một thế kỷ tồn tại, dinh thự Hoàng A Tưởng mang dáng vẻ trầm tư cổ tính. Màu thời gian nhuốm đậm trên từng viên ngói, dãy hành lang, cây cột nhà, bức tường rêu phong cũ kỹ…
Ông Lâm Văn Thắng, đại diện Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai cho biết công trình này được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1914-1921. Đây vốn vừa là nơi ở, vừa là nơi làm việc của cha con Hoàng Yến Tchao, Hoàng A Tưởng (dân tộc Tày) - Thổ ty vùng biên ải thời kỳ trước năm 1945.
“Người Tày có tục lệ đặt tên ngôi nhà theo tên của người con ở cùng cha mẹ lúc trưởng thành. Bởi vậy, công trình này có tên là dinh thự Hoàng A Tưởng,” ông Lâm Văn Thắng cho biết.
Tổng diện tích toàn khu nhà lên tới 10.000m2, xung quanh có tường bao trổ nhiều lỗ châu mai, có đường đi trên thành cho lính gác đi tuần.
Dấu tích thời gian ở dinh thự cổ. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Theo ông Thắng, quá trình chuẩn bị, xây dựng công trình này diễn ra rất công phu. Đầu tiên, Thổ ty Hoàng Yến Tchao mời thầy địa lý giỏi từ Trung Quốc sang để tìm thế đất và vị trí tốt nhất trong vùng. Địa điểm được chọn nằm trên một quả đồi rộng. Dinh thự quay mặt về hướng Đông Nam, tựa lưng vào núi, phía trước có suối.
Không chỉ có vị trí đắc địa, kiến trúc của dinh thự cổ Hoàng A Tưởng cũng khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng. “Đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn, tinh tế giữa hai lối kiến trúc Á-Âu, thể hiện sự giao thoa văn hóa Đông-Tây rõ nét. Bởi lẽ, công trình do hai kiến trúc sư đến từ hai nền văn hóa khác nhau (Pháp, Trung Quốc) cùng thiết kế và giám sát thi công,” đại diện Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai cho biết.
Cụ thể, kiến trúc dinh thự cho thấy sự kết hợp giữa kiến trúc của Pháp (thế kỷ 17, 18) với kiến trúc Trung Quốc qua bàn tay sáng tạo, xây đắp của những người thợ Việt.
Hệ thống cột, mái được đắp nổi nhiều họa tiết dây lá nho, hoa văn nguyệt quế biểu tượng cho sự thịnh vượng, ấm no, hạnh phúc. Mái lợp bằng ngói âm dương. Hệ thống cửa vòm và cầu thang hình cánh cung, tạo ấn tượng về vẻ cách tân, sự bề thế cho công trình.
Dinh thự có bố cục hình chữ nhật liên hoàn khép kín với tổng số 36 phòng, phía sau có hệ thống đường hầm thoát hiểm.
Bài trí bên trong dinh thự trước đây. (Ảnh chụp lại từ tư liệu trưng bày ở dinh thự: PV/Vietnam+)
Ngôi nhà quyền lực
“Vật liệu xây dựng như gạch, ngói do những người thợ thủ công giỏi nhất trong vùng và từ Trung Quốc sang sản xuất trực tiếp tại chỗ. Ngoài ra, sắt, thép, xi măng được chở từ miền xuôi lên. Bởi vậy, sự xa hoa của tòa nhà thể hiện thời hoàng kim của cha con Thổ ty Hoàng Yến Tchao, Hoàng A Tưởng nhưng cũng phản ánh đời sống vất vả, đau thương, chịu nhiều áp bức của người dân miền biên viễn thời kỳ này,” ông Lâm Văn Thắng nói.
Có cùng quan điểm trên, tiến sỹ dân tộc học Nguyễn Hữu Sơn cho rằng dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là một “chứng nhân” của lịch sử, nơi ghi dấu một phần đời sống người dân cao nguyên trắng Bắc Hà nửa đầu thế kỷ 20.
Mái ngói nhuốm màu thời gian. (Ảnh: Vietnam+)
Cụ thể, trong suốt thời gian cai trị (1905-1950), dưới sự bảo hộ của thực dân Pháp, Thổ ty Hoàng Yến Tchao chiếm giữ nhiều vùng đất màu mỡ, cướp đoạt của người dân khoảng 30 ha ruộng giao cho tá điền trồng cấy, chăm sóc và thu hoạch với sản lượng khoảng 42 tấn thóc, 14 tấn ngô mỗi năm.
Ngoài ra, cha con Thổ ty Hoàng Yến Tchao còn toàn quyền khai thác lâm sản; độc quyền buôn bán muối, hàng tiêu dùng, thuốc phiện, lương thực, thực phẩm…
“Nhờ vậy, Thổ ty Hoàng Yến Chao đã tích lũy được lượng của cải lớn, từ đó xây dựng dinh thự bề thế để thể hiện sự giàu có và uy quyền của mình,” tiến sỹ Nguyễn Hữu Sơn cho hay.
Bên cạnh không gian sinh hoạt cho các thành viên trong gia đình Thổ ty Hoàng Yến Tchao, dinh thự còn có phòng khách, phòng làm việc, phòng ở cho các quan, cố vấn người Pháp để điều hành bộ máy cai trị.
Nhà chính của tòa dinh thự. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Với những giá trị độc đáo, ngày 11/6/1999, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định công nhận dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là di tích cấp quốc gia.
Ông Lâm Văn Thắng cho biết để thu hút du khách đến với địa điểm độc đáo này, các đơn vị chức năng của huyện Bắc Hà nói riêng và của tỉnh Lào Cai nói chung thường tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật (như triển lãm ảnh, các cuộc thi tìm hiểu lịch sử…) trong không gian dinh thự.
Ngoài ra, để bắt kịp xu hướng du lịch, trải nghiệm thời công nghệ 4.0, du khách có thể quét mã QR để tìm hiểu thông tin, lịch sử, kiến trúc của công trình.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc quảng bá trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, liên kết chặt hơn nữa với các đơn vị lữ hành để xây dựng thêm nhiều tour du lịch trong đó có điểm đến là dinh Hoàng A Tưởng,” đại diện Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Lào Cai cho hay./.
Hiện nay, dinh thự cổ Hoàng A Tưởng là nơi tổ chức nhiều triển lãm ảnh, sự kiện văn hóa, nghệ thuật. (Ảnh: PV/Vietnam+)
P. Mai (Vietnam+)