Gia đình chị Huế hiện có hơn 200 gốc mận tam hoa. Thời điểm hiện tại, phần lớn loại mận chọn, quả to, có giá bán từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg đã tiêu thụ hết. Tuy nhiên, loại mận này có rất ít, chỉ chiếm khoảng 30% sản lượng của vườn, còn lại chủ yếu là mận xô, có giá bán 5.000 - 10.000 đồng/kg. Chị Huế cho biết: Mọi năm, loại mận xô thường được thương lái và người dân thu mua để làm rượu mận. Năm nay, do dịch Covid-19, thương lái không tới vườn đặt mua nữa, vì thế mình quyết định đầu tư mua máy sấy để làm mứt mận.
So với mận tươi có thời gian bảo quản ngắn ngày, nguy cơ bị dập, hỏng trong quá trình vận chuyển, thì sản phẩm mứt mận lại có ưu điểm bảo quản được lâu hơn (từ 6 đến 8 tháng) và dễ vận chuyển khi được đóng hộp. Tuy nhiên, quy trình làm mứt mận lại rất cầu kỳ và tốn nhiều thời gian. Theo chia sẻ của chị Huế, quan trọng nhất là khâu sấy và sên mận. 2 khâu này quyết định độ mềm, dẻo và vị ngọt của mứt mận. Ngoài ra còn giai đoạn rửa mận, khía mận, ngâm mận, tất cả đều được làm thủ công.
Để sản phẩm mứt mận tam hoa chiếm được niềm tin của khách hàng, chị Huế lên kế hoạch xây dựng thương hiệu và hiện đã hoàn thiện các thủ tục, giấy tờ chứng nhận đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đóng bao bì, nhãn mác sản xuất. Khu xưởng chế biến mứt mận của gia đình chị rộng gần 150m2 với lò sấy công suất khoảng 100kg quả mận tươi/ngày. Do nhà xưởng mới đi vào hoạt động nên mỗi ngày, chị mới có khoảng 30kg mứt mận cung cấp cho thị trường, với giá bán 300.000 đồng/kg.
Chị Huế cho biết: Nếu sản phẩm mứt mận tam hoa được khách hàng ưa chuộng, mình sẽ mở rộng thị trường, thu mua thêm quả mận tươi cho bà con trên địa bàn huyện. Hy vọng rằng sản phẩm mứt mận tam hoa sẽ được nhiều người biết tới và trở thành một trong những đặc sản của Bắc Hà.
Theo Báo Lào Cai
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |