Tại cánh đồng Cao Quỳ (Hải Phòng), các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc, cùng nhiều di vật lịch sử khác
Trên cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), qua 2 lần khai quật với diện gần 1.000 m2, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được 37 cọc gỗ, 2 cụm gỗ, 22 hố cọc, cùng nhiều di vật lịch sử khác. Cọc gỗ có kích thước lớn nhỏ được bố trí so le, tạo thành nhiều lớp cọc với ý đồ chiến thuật rõ ràng. Dựa vào địa tầng của khu vực này, có thể phán đoán khu vực xuất lộ những cọc gỗ là một bãi bồi được phủ lấp qua thời gian. Kết quả xét nghiệm bằng phương pháp đồng vị Carbon C14 cho thấy, các mẫu cọc có niên đại khác nhau, cách đây chừng hơn 700 năm.
Từ kết quả khai quật kết hợp các nguồn tư liệu liên ngành, Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu, PGĐ phụ trách Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ dưới nước, Viện Khảo cổ học Việt Nam, đại diện nhóm nghiên cứu, bước đầu nhận định: "Di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một thế trận địa có niên đại vào cuối thế kỷ 13, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần. Trận địa này dùng để chặn giặc không cho chúng tiến vào sông Giá, buộc phải đi vào sông Bạch Đằng và rơi vào trận địa mai phục của chúng ta ở Bãi cọc Yên Giang và Đồng Vạn Muối".
Bước đầu, các nhà khảo cổ học nhận định, Di tích bãi cọc Cao Quỳ có thể là một thế trận địa có niên đại vào cuối thế kỷ 13, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến chống quân Nguyên năm 1288 của quân dân nhà Trần
Tuy nhiên, cũng có nhiều tranh luận liên quan đến niên đại của bãi cọc cũng như sự liên quan của bãi cọc này đến trận chiến năm 1288. Kết quả xác định niên đại của các mẫu cọc bằng phương pháp đồng vị Carbon tuy đều cho niên đại cách đây trên 700 năm nhưng không đồng nhất. Ông Nguyễn Văn Hảo (nguyên cán bộ Viện Khảo cổ học) cho rằng, việc nhận định bãi cọc Cao Quỳ là một trận địa của quân dân nhà Trần trong trận chiến Bạch Đằng là vội vàng. Bởi lẽ, khu vực phát hiện là vịnh cổ chứ không phải dòng sông cổ; xung quanh toàn khu vực này là núi đồi và cấu tạo địa tầng có lớp than bùn màu đen.
TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) lại nhận định đây giống như dấu vết của một công trình kiến trúc hơn: "Tôi chưa tin nó là bãi cọc. Bãi cọc thì ít ra phải đóng xuống đầm lầy. Hình ảnh đưa ra, hầu hết cọc được chôn, tức là không phải ở dưới nước. Chỗ phải khô thì mới đào lỗ được. Cọc ấy để đóng được thì đầu phải nhọn. Cọc ấy giờ hầu hết là bằng và phải chôn. Khả năng nó là bãi cọc, nhưng có thể là cái khác nữa".
TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Khảo cổ học) không cho rằng, di tích khai quật tại Cao Quỳ là một bãi cọc liên quan đến trận đánh năm 1288
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội khoa học Lịch sử Việt Nam lại cho rằng kết luận bãi cọc Cao Quỳ có liên quan đến trận địa 1288 là có cơ sở. Nơi phát hiện ra bãi cọc là vùng có vị trí trọng yếu; trong lịch sử chống quân xâm lược phương Bắc, từ thời Hai Bà Trưng đến thời kỳ Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trần Quý Ly... chúng ta cũng phòng thủ ở đây.
GS. Nguyễn Quang Ngọc phân tích: "Rất có thể là bãi cọc của nhiều đời chồng xếp lên nhau, giống như chúng ta khai quật Hoàng thành Thăng Long, có người bảo đây là thời Lý, nhưng là thời Trần, thời Lê, thời Đại La, thậm chí các di tích còn lẫn lộn với nhau. Cọc Cao Quỳ phần nhiều là chôn trên bờ, có những cọc cắm ở dưới sông, gần gần bờ sông nhưng ra giữa lòng sông thì không có. Sau này ông Hồ Quý Ly học lại cách làm của ông Trần Hưng Đạo, cắm cọc ở 2 bên bờ, dùng xích sắt khóa sông. Nếu chúng ta cắm cọc chắn ngang dòng sông thì thuyền chúng ta không ra được. Cho nên, khóa sông, sau đấy người ta hạ xích sắt xuống, thuyền ta có thể ra để chặn đầu, khóa đuôi quân địch".
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc, rất có thể là bãi cọc Cao Quỳ là bãi cọc của nhiều đời chồng xếp lên nhau
Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc bổ sung thêm căn cứ đặt bãi cọc Cao Quỳ vào thế trận Bạch Đằng khi cho rằng, trung tâm của chiến trường Bạch Đằng ngày 9/4/1288 là trận đánh ở cửa sông Thải. Vị trí phát hiện bãi cọc Cao Quỳ là phần đầu của một lạch thoát triều lớn, nối thông ra sông Thải. Theo GS. Nguyễn Quang Ngọc, quân Nguyên thua ở đây mới chạy sang cửa sông Chanh. Gặp nước triều cạn, cọc nhô lên, thuyền không chạy được nữa. Lúc ấy, ta dùng bè lửa và huy động lực lượng tiêu diệt địch.
Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, trận chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 lâu nay coi như "đại võ công" sông Bạch Đằng; tuy nhiên, "đại võ công sông Bạch Đằng" không phải chỉ được tạo nên bằng 1 trận đánh ngày 9/4/1288 mà là kết quả của một chiến dịch. Bãi cọc Cao Quỳ, Đầm Thượng càng cho chúng ta thêm căn cứ để dùng thuật ngữ "chiến dịch" ở đây: "Chúng tôi rất muốn và có cơ sở để nói có một chiến dịch, chứ không phải một trận Bạch Đằng. Những cọc mà chúng ta tìm thấy ở Cao Quỳ, Lại Xuân bổ sung thêm, làm phong phú thêm; chúng ta cần tiếp tục dùng các phương pháp, trước tiên là khảo cổ học, sau đó là liên ngành, đa ngành, địa chất... để củng cố thêm vị trí, vị thế của việc xuất hiện những cọc và bãi cọc. Nếu chúng ta khẳng định cho chắc là "trận địa cọc" thì chúng ta có được sự phát triển vượt bậc từ những phát hiện những năm 59, 60, 70 về chỉ một loại cọc và chỉ 1 trận Bạch Đằng".
Mặc dù còn những tranh cãi, nhưng các nhà khoa học đều thống nhất rằng, bãi cọc cổ tại Thủy Nguyên, Hải Phòng là phát hiện có ý nghĩa lịch sử, văn hóa quan trọng. Những kết quả khai quật được mới là bước đầu và thời gian tới, cần có thêm các cuộc nghiên cứu đa ngành, liên ngành để hé mở tiếp những bí ẩn phía sau. Nếu đây thực sự là một phần trong trận chiến năm 1288 thì cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các ngành khảo cổ học, lịch sử, địa chất, quân sự... để làm rõ chiến thuật, chiến lược tài tình của ông cha ta trong bố trí thế trận thủy quân ở đây./.
Thanh Nga/VOV Đông Bắc