Thử làm nông dân tại làng Yên Đức, Quảng Ninh
Yên Đức thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, cách quốc lộ 18A khoảng 2km. Nằm nép mình bên cánh đồng lúa bạt ngàn, làng quê Yên Đức nhưng gần như tách biệt hẳn với cuộc sống thành thị náo nhiệt, với những rặng tre, hàng cau thẳng tắp, những ngôi nhà mang dáng dấp cổ kính, những ao hồ nho nhỏ giữa làng, những người nông dân hiền hậu và những đứa trẻ mải miết nô đùa trong tiếng cười sảng khoái.
Làng Yên Đức là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách nước ngoài. Ảnh: Internet
Du khách quốc tế đến với làng du lịch Yên Đức được chiêm ngưỡng và trải nghiệm mọi hoạt động lao động sản xuất, sinh hoạt thường nhật của người nông dân. Điểm đặc trưng nhất và thú vị nhất là du khách được hướng dẫn bởi chính những người nông dân ở làng quê Yên Đức; trực tiếp xuống cấy lúa, giã gạo, quăng chài bắt cá hay tự tay trồng những luống rau xanh... Du khách cũng thường đạp xe thưởng ngoạn không khí trong lành, hít hà mùi lúa mới, băng qua những con đường thẳng tắp hàng cau hay len lỏi qua những ngõ nhỏ chỉ đủ vừa một chiếc xe đạp; thăm ngôi chùa Cảnh Huống tĩnh mịch, linh thiêng hay trò chuyện và nghe giới thiệu về văn hóa phong tục của người Việt Nam trong ngôi nhà hơn 100 năm tuổi. Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian như hát chèo, múa rối nước, hát quan họ do chính đội văn nghệ của xã biểu diễn trong một không gian ấm cúng.
Trải nghiệm tại Làng rau Hội An, Quảng Nam
Vườn rau hữu cơ Thanh Đông thuộc thôn Thanh Đông, xã Cẩm Thanh, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Đây là nơi khởi nguồn cho nông nghiệp hữu cơ tại miền Trung. Với khẩu hiệu “Healthy community, happy farmers!”, rau được trồng ở đây không sử dụng các loại phân hóa học, giống biến đổi gien, thuốc diệt sâu bọ và chất kích thích tăng trưởng nên rau rất sạch, thân thiện với môi trường và an toàn cho người tiêu dùng. Tại đây, du khách sẽ được trải nghiệm cùng người nông dân tưới nước, trồng rau, nhổ cỏ, bón phân… Sau khi kết thúc các hoạt động, du khách được thư giãn bằng cách ngâm chân vào các chậu nước nấu từ các loại lá thảo mộc, tham gia nấu ăn cùng người dân và thưởng thức ngay tại vườn rau. Ngoài các hoạt động chính được tổ chức tại vườn, người dân ở đây còn kết hợp một số hoạt động hấp dẫn khác như đạp xe đạp ngắm cảnh, tham quan làng chài, ngồi thuyền thúng tham quan rừng dừa Bảy Mẫu và kinh doanh dịch vụ homestay để du khách có thể cùng ăn, cùng ở, cùng lao động với người dân địa phương.
Làng rau Trà Quế ở Hội An. Ảnh: Internet
Nằm cách trung tâm Hội An 2km về phía Đông Bắc, thôn Trà Quế nổi tiếng với nghề trồng rau, đặc biệt là các loại rau thơm đặc trưng của món ăn Việt Nam. Mỗi ngày làng rau Trà Quế đón hàng trăm du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu về nghề trồng rau độc đáo duy trì từ hàng trăm năm qua. Buổi sáng sớm, du khách đi bộ trong vườn rau hít thở bầu không khí trong lành, yên bình và ngắm nhìn những lọn rau mơn mởn, xanh tươi, tràn đầy sức sống, mùi hương dịu nhẹ của các loại rau thơm theo gió thoang thoảng bay. Bắt đầu ngày làm việc, du khách cùng nông dân học cách trồng rau, bón phân, gieo hạt và sau đó thưởng thức những thành quả mình làm ra.
Hòa mình vào thiên nhiên miền Tây
Các tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long (vùng Tây Nam Bộ) của Việt Nam hấp dẫn du khách với những vườn cây trái sum suê, thực phẩm tươi ngon, nông sản chất lượng cao, khí hậu dễ chịu quanh năm; kết hợp với phong cảnh đồng lúa, làng quê, chợ nổi tạo nên nhiều loại hình du lịch nông nghiệp như khám phá miệt vườn, chợ nổi, cù lao ở Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang; thưởng thức văn hóa, đờn ca tài tử ở Bạc Liêu; văn hóa Khmer ở Sóc Trăng, Trà Vinh; lễ hội trái cây, hoa kiểng miền Tây…
Miền Tây non nước hữu tình luôn sẵn sàng chào đón du khách trong và ngoài nước. Ảnh: Internet
Có rất nhiều hoạt động khi du khách đến các miệt vườn miền Tây, lưu trú tại nhà dân và cùng họ chèo thuyền đi đánh bắt cá, đi hái rau, ngắm đồng lúa, vuông tôm, sân chim... Thú vị nhất là khi du khách được thực sự nhập vai và trải nghiệm như chăm sóc và thu hoạch cây ăn trái, rau màu; đánh bắt cá, tôm, cua bằng các hình thức thủ công truyền thống; chơi các trò chơi của nhà nông trên cạn, dưới nước, trong đầm lầy; tham gia các cuộc thi của cư dân vùng nông nghiệp như đua bò, đua trâu, chèo thuyền, bắt vịt…
Theo Tạp chí Du lịch