Điểm đến đầu tiên ở thị trấn Phú Phong mà bạn nên ghé là Đền thờ Bùi Thị Xuân - vị nữ tướng vang danh của nhà Tây Sơn, ở khối Phú Xuân, thị trấn Phú Phong. Đền thờ xây dựng theo kiến trúc truyền thống, gồm có 3 gian, trong đó chính điện là nơi đặt tượng đô đốc Bùi Thị Xuân (bằng gốm dát vàng) uy nghi.
Thuận đường di chuyển, từ Đền thờ Bùi Thị Xuân đi khoảng hơn 3km là đến Bảo tàng Quang Trung. Sau khi thành kính dâng hương ở Đền thờ Tây Sơn tam kiệt và văn thần võ tướng, bạn có thể đi vòng ra phía sau để ngắm các công trình mới hoàn thành tuyệt đẹp là nhà tiền bái, nhà thượng điện.
Nhà trưng bày của Bảo tàng Quang Trung được nâng cấp, mở rộng, đầu tư hiện đại, với hơn 1.000 hiện vật, tài liệu, tượng, tranh hoành tráng, phòng chiếu phim 3D... về triều đại Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ, một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Rời nhà trưng bày đến nhà diễn võ, bạn thêm hào hứng khi xem chương trình biểu diễn trống trận Tây Sơn, nhiều bài quyền, binh khí đặc sắc võ cổ truyền Tây Sơn - Bình Định.
Khách tham quan Bảo tàng Quang Trung
Cách Bảo tàng Quang Trung cũng chỉ khoảng 3km là làng rau Thuận Nghĩa (khối Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong), nằm trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh và huyện Tây Sơn. Người Thuận Nghĩa nức tiếng thân thiện, họ sẵn lòng tiếp chuyện khi bạn đến tham quan các khu vườn, bãi soi trồng các loại rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP ở đây. Chúng tôi thêm ấn tượng đẹp khi ghé hộ nông dân Nguyễn Văn Thắng (tổ 2 khối Thuận Nghĩa), có ngôi nhà nhỏ còn giữ được một số đường nét kiến trúc xưa nằm trên khu đất rộng lớn, hiện hai bên là những rò ớt chín đỏ, hành xanh mướt…
Câu cá thư giãn ở khối Thuận Nghĩa
Thuận Nghĩa còn có một số ngôi nhà cổ có bờ rào cây xanh được cắt tỉa tỉ mỉ, tạo hình đẹp, ấn tượng, như bờ rào hình chim công “không đụng hàng” với nơi khác. Vĩnh An cổ miếu nằm giữa các khu đất trồng rau, với những nét riêng trong kiến trúc cổng, bờ tường, hoa văn trang trí bình phong...
Một điểm “check in” mới ở Thuận Nghĩa trong 3 tháng qua là khu du lịch sinh thái Sen Nẫu, có bàu sen khoe sắc rộng gần 2 ha, cùng các nhà chòi, cầu tre, tiểu cảnh. Ở các khối Thuận Nghĩa, Phú Xuân là người một số hộ ở Thuận Nghĩa, Phú Xuân còn giữ được khá nguyên vẹn một số ngôi nhà lá mái, đủ để phục vụ các tour tham quan tìm hiểu công trình kiến trúc nhà ở đặc trưng Bình Định.
Trong số này đáng kể nhất là ngôi từ đường họ Quách, được biết đến với tên gọi “Tịnh Nương Đường”, xây dựng từ 1908 - 1911. Nhà cất hình chữ Môn với hai lớp mái theo lối cổ, tổng diện tích xây dựng khoảng 500 m2. Trong đó, gian nhà chính quay mặt hướng Nam gồm 5 gian 2 chái là nơi thờ cúng tổ tiên. Trời nắng nóng, vậy mà bước vào bên trong gian nhà thờ lại thật mát, màu thời gian phủ lên những cây cột bằng gỗ quý, màu đỏ sẫm, to tròn, bóng láng; nhiều chi tiết chạm khắc tỉ mỉ, công phu.
Ở Thuận Nghĩa, từ đường Quách tộc cùng với Quách Trọng Đường (hoàn thành năm 1917, là ngôi từ đường của một chi phái họ Quách) được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá cao khi đến nghiên cứu.
Ngôi nhà lá mái là từ đường của gia đình ông Bùi Đắc Khả ở khối Phú Xuân
Ngôi từ đường của ông Bùi Đắc Khả (70 tuổi) ở khối Phú Xuân, nằm cách Đền thờ Bùi Thị Xuân chỉ vài trăm mét. Đây là nhà lá mái được xây dựng năm 1889, cất theo hình chữ Đinh, gồm có 3 gian 2 chái.
Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ (ở Quảng Nam), người có nhiều năm nghiên cứu về nhà cổ Việt Nam, được trao giải thưởng quốc tế Daifumi (Nhật Bản) do những đóng góp lớn về bảo tồn công trình kiến trúc bằng gỗ, ở khu vực miền Trung, ngôi từ đường của gia đình ông Khả là ngôi nhà lá mái duy nhất còn giữ nguyên mặt bằng tổng thể truyền thống.
Mách thêm với bạn, ông Bùi Đắc Khả rất hiếu khách, từng là thầy giáo nên ông có cách giảng giải sinh động, dễ hiểu, giúp ta dễ dàng hiểu rõ những đặc trưng, giá trị của nhà lá mái không chỉ về kiến trúc mà qua đó còn biết thêm về truyền thống văn hóa - lịch sử của địa phương, tộc họ.
Theo Báo Bình Định
Theo dõi thêm tin tức đời sống, giải trí trên TRUYỀN HÌNH VOV |