Tu viện Tả Phìn nằm cách trung tâm Sapa khoảng 8km, trên con đường dẫn từ quốc lộ 4B tới xã Tả Phìn.
Vốn chưa từng được hoàn thành, lịch sử của tu viện bắt đầu từ năm 1942, khi 8 nữ tu thuộc một dòng tu khổ hạnh từ Nhật Bản được phép đến giáo phận Hưng Hoá (gồm các tỉnh Tây Bắc, trong đó có Lào Cai) sinh sống và tu tập. Đoàn nữ tu được cấp khu đất bỏ hoang cạnh Trạm Nghiên cứu giống cây ăn quả Tà Phìn, với số tiền thuê tượng trưng là 1quan/năm.
Viên quan Pháp tỉnh trưởng Lào Cai thời đó còn cấp cho họ một đàn gia súc, gia cầm làm giống, nhằm mục đích phát triển đàn gia súc gia cầm của Sa Pa và bổ sung cho nguồn cung cấp thực phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi như sữa tươi, bơ, pho mát - những thứ mà bản thân Sa Pa sản xuất ra không đủ cho nhu cầu tiêu dùng của khách du lịch và quân nhân lên nghỉ mát.
Các bà xơ, nữ tu khổ hạnh này còn tích cực tham gia vào việc nghiên cứu và phổ biến kỹ thuật canh tác các giống cây lương thực ôn đới như lúa kiều mạch đen, đại mạch, cùng các loại cây ăn quả, khoai lang, các loại rau và nho.
Nhanh chóng, lượng sữa, bơ và pho mát mà tu viện sản xuất ra đã không đủ đáp ứng cho nhu cầu ngày càng nhiều tại địa phương. Thậm chí còn có cả những đơn đặt hàng từ Hà Nội gửi lên yêu cầu loại pho mát và bơ giống như loại pho mát hiệu “Port salut” sản xuất tại chính quốc.
Tháng 8/1942, tu viện được khởi công xây dựng. Tuy nhiên chưa kịp hoàn thành thì năm 1947, do tình hình an ninh bất ổn, đoàn nữ tu đã phải di tản, bỏ lại tu viện bị đốt phá hoang tàn.
Khi dòng khách du lịch tìm tới Sapa những năm gần đây mang theo những chiếc điện thoại thông minh và nhu cầu sống ảo, tu viện đổ nát Tả Phìn đột nhiên trở thành điểm đến của rất nhiều du khách.
Từ ngoài nhìn vào vẫn thấy được một phần kiến trúc còn lại của tu viện dù đã đổ nát và mất mái. Tòa nhà có 3 tầng, 2 tầng trên mặt đất, 1 tầng dưới hầm. Theo thiết kế, tu viện có quy mô khá lớn, dành cho khoảng 100 người sống và tu tập.
Phía trước nhà trồng những cây mận, là nơi check-in của rất nhiều du khách ưa sống ảoCác đoàn du khách liên tục đến đây, biến tu viện đổ trở thành điểm hẹn du lịch của người đến thăm và bà con người Dao đi bán đồ lưu niệm
Những bức tường đổ nát được xây khá dày, mang đến cho tu viện mang dáng vẻ yên tĩnh, thâm nghiêm, lại ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè, phù hợp với địa hình, khí hậu
Vật liệu chủ yếu để xây dựng tu viện là gạch đỏ
Rêu phong phủ trên những bức tường khiến cho tu viện có màu sắc ma mị, huyền bí
Một phụ nữ Dao đứng chờ khách du lịch
Toàn bộ tu viện chỉ còn lại một tòa nhà, xung quanh là các vườn cây
Nếu được trùng tu tôn tạo, tu viện Tả Phìn sẽ trở thành một điểm đến có giá trị, mang lại nguồn thu nhập tốt hơn cho địa phương.
Lương Anh, theo VietnamJourney